Khi cô Tấm không cam chịu số phận

Hoàng Kim
Hoàng Kim
13/02/2024 10:33 GMT+7

Câu chuyện cổ tích 'Tấm Cám' đã quá quen thuộc với mọi người, nhưng tết này Nhà hát IDECAF (TP.HCM) đã 'cải số' cho Tấm bằng vở kịch 'Tấm Cám đại chiến' (tác giả Bảo Ngọc, đạo diễn Hùng Lâm) thật ý nghĩa và vui nhộn.

Được dàn dựng với phong cách hài sinh động, Tấm Cám đại chiến là một phiên bản mới khắc họa một cô Tấm khác hẳn. Tấm biết rằng mình vẫn gặp sự thù ghét và hãm hại của mẹ con dì ghẻ, vẫn phải bị cướp con cá bống, bị nhặt đậu, bị chặt cây cau, bị giết trong kiếp làm chim... cho đúng với cổ tích. Nghĩa là đã có một "định mệnh" dành cho Tấm, không thể nào khác được.

Tuy nhiên, định mệnh vẫn không có nghĩa người ta phải chấp nhận, buông xuôi, thụ động, mà vẫn đấu tranh trong khả năng có thể, cứ đấu tranh cho tới hơi thở cuối cùng, dù kết quả ra sao thì bản thân cũng không hối tiếc. Đó chính là thái độ của Tấm trong kịch bản này.

Khi cô Tấm không cam chịu số phận- Ảnh 1.

Đình Toàn (Tấm) và Đại Nghĩa (Cám) trong vở Tấm Cám đại chiến

H.K

Tấm hiền, nhưng không nhu nhược. Tấm thật thà, nhưng không ngu ngốc. Tấm hoàn toàn thông minh và biết phản kháng, thậm chí cần đánh nhau ra trò thì cứ đánh. Kẻ thù tất nhiên mạnh hơn và vẫn hại được Tấm, nhưng đã biết sợ và biết nể tinh thần của Tấm. Tinh thần ấy chính là tiếng nói của thời đại, khi con người nhận thức được quyền của mình, khẳng định được bản lĩnh của mình. Tấm không chết. Tấm còn luân hồi trong cõi đời này.

Và hoàng tử vẫn kiên trì đi tìm Tấm, đi tìm tình yêu của mình, đến khi nào gặp được thì thôi. Cái kết như vậy đầy ý nghĩa. Tình yêu không chỉ hiện diện trong một cá thể Tấm, mà có thể hiện diện trong những con người có đức tính, phẩm hạnh như Tấm, thì hoàng tử cũng có thể yêu. Hoặc giả Tấm luân hồi thành một con người khác, thí dụ thành anh Tám như trong kịch bản, thì hoàng tử sẽ kết giao làm bạn. Đó cũng là tình, tình người, tình tri kỷ tri âm.

Khi cô Tấm không cam chịu số phận- Ảnh 2.

Đình Toàn (Tấm), Bạch Long (ông bụt)

H.K

Có thể nói, Tấm Cám đại chiến là một vở diễn đầy màu sắc, âm nhạc, nhảy múa, trang phục, cảnh trí… đều tươi tắn, tưng bừng, phù hợp cho cả thiếu nhi lẫn người lớn. Thật ra, đây là phiên bản dành cho người lớn, nhưng thiếu nhi vẫn có thể xem, với độ tuổi 13 trở lên thì vẫn cảm nhận được.

Đình Toàn trong vai cô Tấm, Đại Nghĩa trong vai Cám, tuy giả gái nhưng không phản cảm, vì họ biết chừng mực và không diễn nhây. Hòa Hiệp vai hoàng tử rất hợp. Tuyền Mập trong vai bà mẹ ghẻ cũng khá duyên. Đặc biệt Mỹ Duyên trong vai con cá bống và Bạch Long vai ông bụt thật dễ thương. Dàn nghệ sĩ này quá giỏi để làm vừa lòng khán giả nhí lẫn khán giả người lớn, đem lại một sắc xuân thú vị cho sân khấu tết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.