F-16 có đến Ukraine cũng không dễ cất cánh chiến đấu?

F-16 có đến Ukraine cũng không dễ cất cánh chiến đấu?

06/05/2023 07:25 GMT+7

Giả sử Ukraine ngay lúc này nhận được máy bay F-16 từ Mỹ, thì số chiến đấu cơ cũng khó tồn tại lâu do phải tuân thủ những yêu cầu khắt khe về sử dụng và bảo dưỡng.

Đó là bình luận của ông Justin Bronk, một nhà phân tích chiến tranh trên không thuộc Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh. Ông Bronk nói vì có cửa hút khí lớn dưới mũi, F-16 "hút trực tiếp mọi thứ từ mặt đất vào trong", chẳng hạn các mảnh vỡ có thể lọt vào làm hỏng động cơ. Bên cạnh đó, càng đáp của F-16 có "thiết kế nhẹ" để đảm bảo hiệu suất cao nên sẽ gặp khó khăn với các đường băng kém bằng phẳng.

Do đó, máy bay này "thường yêu cầu các căn cứ không quân rất sạch sẽ, được bảo trì rất tốt" điều mà có lẽ Ukraine khó lòng đáp ứng trong hoàn cảnh thời chiến như hiện nay.

Hơn nữa, theo ông Bronk, nhiều sân bay quân sự tại Ukraine có đường băng ngắn, không phù hợp với tiêu chuẩn của một chiếc F-16 trang bị đầy đủ vũ khí. Trong khi đó, việc cải tạo đường băng chắc chắn sẽ bị Nga chú ý phát hiện thông qua các hệ thống vệ tinh mà Moscow hiện có.

Cho đến thời điểm này của cuộc xung đột, Nga tránh dùng các loại tên lửa tầm xa bắn vào các căn cứ không quân Ukraine bởi máy bay Ukraine chưa gây nguy cơ lớn cho Nga. 

Tuy nhiên, ông Bronk cho rằng điều này sẽ thay đổi khi Kyiv bắt đầu sử dụng máy bay chiến đấu phương Tây. Mọi căn cứ không quân của Ukraine hiện đều nằm trong tầm tên lửa Nga. 

Hơn nữa, Moscow sẽ chỉ cần tập trung tấn công một vài căn cứ đủ tiêu chuẩn vận hành F-16. Theo vị chuyên gia, điều này khiến việc bố trí F-16 ở Ukraine là nhiều rủi ro.

Khi nào sẽ có?

Kể từ khi xung đột bùng nổ tháng 2.2022, Ukraine đã liên tục đề nghị được cung cấp chiến đấu cơ phương Tây để thay thế đội hình chiến đấu cơ từ thời Liên Xô như MiG-29 và Su-27.

Tuy nhiên, dù đã cung cấp cho Ukraine một lượng lớn vũ khí, đạn dược - kể cả pháo, xe tăng và tên lửa dẫn đường, các đồng minh NATO chưa gửi chiến đấu cơ vì lo ngại Ukraine không quen dùng máy bay phương Tây, cũng như sợ khiêu khích Nga.

Cho tới nay, một số nước như Ba Lan và Slovakia đã đồng ý gửi máy bay chiến đấu tới Ukraine, nhưng chỉ là loại MiG-29.

Tuy nhiên, trong nhiều tháng qua, đã có những thông tin cho rằng Mỹ, Anh, Pháp, Đan Mạch, Hà Lan và Thụy Điển đang cân nhắc gửi máy bay chiến đấu đến Ukraine.

Chuyên gia Bronk nói chỉ cần một số lượng nhỏ máy bay chiến đấu phương Tây cũng đủ để khiến không quân Nga phải "lùi lại, ít nhất là trong thời gian đầu".

Nhưng loại nào phù hợp?

Một vấn đề lớn là xác định máy bay chiến đấu nào thích hợp với Ukraine.

Các loại F/A-18 của Mỹ hoặc Mirage 2000C và Rafale Ms do Pháp sản xuất sẽ phù hợp với các đường băng hạn chế của Ukraine, nhưng sẽ không có nhiều loại tên lửa mà phương Tây có thể chuyển giao cho Ukraine.

Chẳng hạn như chiếc F/A-18 có thể bắn tên lửa AIM-120C8/D3 từ độ cao thấp vào máy bay Nga. Tuy nhiên, ít khả năng Mỹ cung cấp loại tên lửa này cho Ukraine vì lo ngại Nga có thể tiếp cận được một số công nghệ bí mật.

Theo ông Bronk, máy bay chiến đấu JAS-39 Gripen của Thụy Điển sẽ là lựa chọn tốt nhất vì nó được thiết kế để dễ bảo trì và hoạt động từ các đường băng tương đối ngắn và gồ ghề, cùng với độ tự động hóa cao và trang bị tên lửa Meteor.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.