Đối phó thách thức mới, Nhật - Hàn thắt chặt quan hệ

08/05/2023 07:10 GMT+7

Trong chuyến thăm Hàn Quốc, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida có động thái quan trọng nhằm thắt chặt mối quan hệ song phương vốn gặp nhiều rào cản suốt những năm qua nhưng đang cùng đối mặt các thách thức chung.

Hôm qua (7.5), Thủ tướng Kishida đã đến Seoul, bắt đầu chuyến thăm chính thức Hàn Quốc trong 2 ngày. Ông Kishida trở thành thủ tướng đầu tiên của Nhật thăm Hàn Quốc sau 12 năm.

Thành ý của ông Kishida

Ngay trong ngày 7.5, Thủ tướng Kishida đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol.

Phát biểu với báo giới trong cuộc họp báo sau hội đàm, Thủ tướng Kishida không đưa ra lời xin lỗi chính thức về những sai trái mà Nhật đã phạm phải trong thời kỳ chiếm đóng bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 - 1945. Tuy nhiên, Thủ tướng Kishida khẳng định chính phủ của ông kế thừa lập trường của các chính quyền trước đó, từng có đưa ra lời xin lỗi.

"Đối với cá nhân tôi, trái tim tôi đau nhói khi nghĩ đến nhiều người đã phải chịu đựng những đau khổ", ông nói khi đề cập vấn đề trên nhưng không giải thích chi tiết.

Đối phó thách thức mới, Nhật - Hàn thắt chặt quan hệ - Ảnh 1.

Tổng thống Yoon (trái) và Thủ tướng Kishida (phải) tại lễ đón ở Seoul vào hôm qua (7.5)

Reuters

Một quan chức cấp cao trong chính quyền Hàn Quốc tiết lộ phát biểu của Thủ tướng Kishida không nằm trong thỏa thuận trước đó với Seoul, nên Tổng thống Yoon cám ơn ông Kishida vì đã "thể hiện quan điểm chân thành dù không có yêu cầu như vậy". Tổng thống Yoon cho rằng điều đó sẽ "rất hữu ích cho sự hợp tác trong tương lai".

Lâu nay, vấn đề lịch sử được nêu ở trên đã trở thành bất đồng sâu sắc, gây cản trở quan hệ Nhật - Hàn suốt nhiều năm qua. Hồi năm 2019, sau khi Seoul có động thái cứng rắn liên quan vấn đề trên, Tokyo đã đưa ra lệnh hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc đối với 3 loại nguyên liệu quan trọng để sản xuất linh kiện bán dẫn, màn hình. Việc hạn chế chỉ được dỡ bỏ vào tháng 3 khi Tổng thống Yoon thăm Nhật Bản. Đó cũng là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Hàn Quốc đến Nhật Bản sau 12 năm.

Gần đây, Tổng thống Yoon đã có những động thái hâm nóng quan hệ với Nhật Bản đồng thời cứng rắn với CHDCND Triều Tiên, gần như đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm Moon Jae In. Tuy nhiên, điều đó cũng gây ra chỉ trích rằng chính quyền của Tổng thống Yoon đã quá nhún nhường trước Nhật Bản.

Chính vì thế, chuyến công du lần này của Thủ tướng Kishida được xem như sự đáp lễ việc Tổng thống Yoon thăm Nhật Bản vừa qua. Sự đáp lễ này cùng với động thái đầy thành ý của ông Kishida có thể giúp ông Yoon củng cố uy tín trong nước để duy trì chiến lược đối ngoại hiện tại. Trong chuyến thăm lần này, Thủ tướng Kishida cũng mời Tổng thống Yoon dự hội nghị thượng đỉnh của nhóm G7 diễn ra trong tháng 5 tại Nhật Bản, đồng thời kêu gọi hội đàm 3 bên Mỹ - Nhật - Hàn.

Cơ hội cho hai bên

Phát biểu với báo giới, Tổng thống Yoon cho biết các vấn đề lịch sử chưa được giải quyết giữa hai bên không đồng nghĩa hai bên không thể có thêm bước tiến để làm sâu sắc thêm mối quan hệ, khi đối mặt với các cuộc khủng hoảng quốc tế đang gia tăng. Tổng thống Hàn Quốc khẳng định muốn quan hệ với Nhật trở nên tốt đẹp hơn bao giờ hết.

"Hợp tác và phối hợp giữa Hàn Quốc và Nhật Bản là điều cần thiết không chỉ vì lợi ích chung của hai nước mà còn vì hòa bình và thịnh vượng của thế giới trước tình hình quốc tế có nhiều diễn biến nghiêm trọng hiện nay", Reuters dẫn lời Tổng thống Yoon phát biểu trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Kishida.

Bên cạnh đó, một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết hai nước "có rất nhiều cơ hội hợp tác khi giải quyết mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên" và đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Thách thức an ninh thúc đẩy hợp tác

Cùng ngày 7.5, trả lời Thanh Niên, GS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) đã lý giải việc lãnh đạo Nhật và Hàn Quốc đang thúc đẩy quan hệ song phương.

Trước hết, cả hai nhà lãnh đạo đang cố gắng thiết lập lại mối quan hệ song phương của họ sau những gập ghềnh dưới thời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In. "Các chính sách của ông Moon đã tạo ra những rào cản cho hợp tác song phương và ba bên về các vấn đề Triều Tiên, Trung Quốc, thương mại, chất bán dẫn và "bộ tứ" (gồm Mỹ - Nhật Bản - Úc - Ấn Độ)", GS Nagy nhận xét.

Thứ hai, theo vị chuyên gia, cả hai nhà lãnh đạo đều lo ngại về việc Bình Nhưỡng phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân chiến thuật. Vì vậy, Tokyo muốn hợp tác với Seoul để thúc đẩy phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và tăng cường hợp tác ba bên với Washington.

Thứ ba, cả hai nhà lãnh đạo đều nhận ra thách thức lâu dài đối với khu vực là những hành động thay đổi hiện trạng có thể xảy đến, sau khi một tiền lệ hình thành là Nga tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine. Thủ tướng Kishida đã nhiều lần phát biểu: "Ukraine hôm nay có thể là Đông Á ngày mai".

Cũng trả lời Thanh Niên ngày 7.5, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng Tổng thống Yoon đã thay đổi chính sách đối ngoại so với người tiền nhiệm, chính quyền của ông cũng đã bày tỏ lập trường về eo biển Đài Loan và phản đối mọi hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng eo biển bằng vũ lực.

Theo TS Nagao, chính sách của Tổng thống Yoon bắt nguồn từ tình hình an ninh khu vực. Kể từ khi tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine nên bị phương Tây trừng phạt, Nga phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc và Triều Tiên. Triều Tiên bị cho là đã cung cấp vũ khí cho Nga, đổi lại được nhận hỗ trợ công nghệ để phát triển tên lửa. Dưới sự hỗ trợ của Moscow và Bắc Kinh, Bình Nhưỡng liên tục thử tên lửa nhưng không bị LHQ áp đặt các lệnh trừng phạt.

Trước tình hình như vậy, theo TS Nagao, kịch bản an ninh mới đã được nhắc đến. Đó là nếu Bình Nhưỡng phát động chiến dịch quân sự nhằm vào Seoul, Bắc Kinh tấn công Đài Loan. Vì thế, nếu không có sự hợp tác của Mỹ - Nhật - Hàn thì không dễ răn đe các bên kia. 

Thách thức vẫn còn

Cũng theo TS Satoru Nagao, Nhật - Hàn đến nay tồn tại 2 vấn đề lớn. Một là vấn đề lịch sử đã hình thành nên tâm lý "chống Nhật" ở Hàn Quốc. Nhiều lãnh đạo Hàn Quốc đã không quên khai thác tâm lý này để tranh thủ sự ủng hộ của dư luận trong nước khi cần thiết.

Thứ hai là vấn đề Trung Quốc khi Seoul có quan hệ thương mại sâu sắc với Bắc Kinh, đồng thời cũng muốn sự hỗ trợ của Bắc Kinh để kiềm chế Bình Nhưỡng khi cần vì Triều Tiên vốn lệ thuộc nhiều vào Trung Quốc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.