Nhật Bản mất liên lạc với tàu đổ bộ mặt trăng thương mại

26/04/2023 07:37 GMT+7

Tàu đổ bộ mặt trăng Hakuto-R của công ty Nhật Bản Ispace ngày đã mất liên lạc khi cố gắng hạ cánh xuống mặt trăng vào ngày 26.4.

Nhật Bản mất liên lạc với tàu đổ bộ mặt trăng thương mại - Ảnh 1.

Mô hình tàu đổ bộ trong chương trình thám hiểm mặt trăng HAKUTO-R của Ispace tại một địa điểm theo dõi quá trình hạ cánh ở Tokyo, Nhật Bản ngày 26.4

REUTERS

Theo CNN, tàu đổ bộ mặt trăng Hakuto-R do công ty Nhật Bản Ispace chế tạo đã mất liên lạc khi đang cố gắng hạ cánh xuống mặt trăng ngày 26.4. Công ty đã tuyên bố mất Hakuto-R.

"Chúng tôi chưa thể xác nhận hạ cánh thành công. Chúng tôi phải chấp nhận rằng chúng tôi không thể hoàn thành việc hạ cánh trên bề mặt mặt trăng. Các kỹ sư của chúng tôi đang tiếp tục tìm hiểu tình hình", Giám đốc điều hành Takeshi Hakamada của Ispace thông báo 20 phút sau thời gian hạ cánh theo kế hoạch.

Hakuto-R dự kiến hạ cánh xuống mặt trăng vào 1 giờ 40 phút ngày 26.4 (giờ Nhật Bản). Tuy nhiên, nhóm điều khiển ở trái đất đã mất liên lạc với tàu và vẫn đang cố gắng khắc phục vấn đề.

Hakuto-R do Ispace chế tạo đã được phóng lên vũ trụ bằng tên lửa của SpaceX ở Cape Canaveral, bang Florida (Mỹ) vào ngày 11.12.2022. Hakuto-R sau đó đã thực hiện hành trình kéo dài 3 tháng để đi vào quỹ đạo mặt trăng, nằm cách trái đất 383.000 km. Nếu thành công, Hakuto-R sẽ đánh dấu lần đầu tiên trên thế giới một tàu vũ trụ thương mại hạ cánh trên mặt trăng.

Hakuto-R mang theo xe tự hành mặt trăng Rashid do Trung tâm vũ trụ Mohammed bin Rashid ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) chế tạo.

Giám đốc Hakamada nói thêm rằng đội ngũ của công ty đã thu thập dữ liệu từ tàu vũ trụ cho đến khi cố gắng hạ cánh. Đây là một "thành tích tuyệt vời" sẽ giúp cung cấp thông tin cho các nhiệm vụ của Ispace trong tương lai.

Trong lịch sử, chỉ có 3 nước từng hạ cánh có kiểm soát lên mặt trăng Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc. Mỹ vẫn là quốc gia duy nhất đưa con người lên mặt trăng.

Khác với các sứ mệnh mặt trăng trước đó, Ispace không đưa tàu lên mặt trăng dưới danh nghĩa một quốc gia mà mong muốn biến đây thành hoạt động kinh doanh vì lợi nhuận.

Công ty đã thường xuyên cập nhật về sứ mệnh mặt trăng trên tài khoản Twitter của mình và chuẩn bị cho những rủi ro. "Nhận thấy khả năng xảy ra sự bất thường trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, kết quả sẽ được cân nhắc và đánh giá theo các tiêu chí và đưa vào các nhiệm vụ trong tương lai đã được phát triển từ nay đến năm 2025," công ty cho biết trong một bài đăng ngày 11.12.2022.

Nếu sứ mệnh thành công, xe tự hành Rashid nặng 10 kg sẽ rời tàu đổ bộ mặt trăng và dành "phần lớn thời gian khám phá miệng hố Atlas ở phía đông bắc của mặt trăng," theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), bên đã giúp thiết kế các bánh xe của Rashid.

Công ty Nhật Bản Ispace là một trong số các bên tham gia cuộc thi Google Lunar XPrize. Cuộc thi đưa ra phần thưởng trị giá 20 triệu USD cho công ty có thể đưa xe tự hành lên mặt trăng, di chuyển vài ngàn mét và truyền dữ liệu về Trái đất.

Cuộc thi do Google tài trợ đã bị hủy bỏ vào năm 2018. Tuy nhiên, Ispace vẫn chọn tiếp tục theo đuổi sứ mệnh này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.