'Doanh nghiệp nào không vay được vốn, gọi tôi!'

02/04/2019 16:51 GMT+7

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM tại Hội thảo "Doanh nghiệp Việt ra biển lớn" do Báo Thanh Niên tổ chức sáng nay (2.4).

Doanh nghiệp siêu nhỏ, tài sản đâu mà thế chấp?

Là một trong những khách mời tham gia phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Vietravel đã có nhiều chia sẻ về kinh nghiệm cũng như những trăn trở của ông về khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trên thương trường. Một trong những vấn đề gây khó cho doanh nghiệp Việt trên con đường vươn ra biển lớn được ông nêu chính là khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn. 
Theo ông Kỳ, hệ thống ngân hàng của Việt Nam hoạt động ngày càng tốt, có nhiều sự đổi mới và duy trì độ ổn định cao nhưng quan điểm của ngân hàng đối với tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn đang có vấn đề. Dẫn chứng thống kê đóng góp vào ngân sách giai đoạn 2010 - 2017 của các doanh nghiệp, ông cho biết khối doanh nghiệp nhà nước giảm từ 36,3% xuống còn 29,4%; đóng góp từ các doanh nghiệp FDI từ 23,3% năm 2010  tăng lên 27,9% năm 2017 và chiếm tới 31% ngân sách nhà nước là từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp.
"Tuy nhiên, tỷ lệ cấp vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của ngân hàng chỉ 22%. Khối doanh nghiệp FDI với rất nhiều chính sách ưu đãi nhưng chỉ đóng góp 27,9% cho ngân sách nhà nước, trong khi khối doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp tới 31% nhưng chỉ có 22% số doanh nghiệp loại này có cơ hội được tiếp cận với nguồn vốn từ ngân hàng. Vậy phần còn lại đầu tư đi đâu? Không những vậy, các doanh nghiệp này còn phải cầm cố tài sản, cầm cố đủ thứ mới đủ điều kiện cấp vốn. Trong số đó có tới 68% là doanh nghiệp siêu nhỏ thì tài sản đâu mà cầm cố" - ông Kỳ đặt vấn đề.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel phản ánh việc khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Khả Hòa
"Công ty 5 ngón", làm sao cạnh tranh ?
Lấy ngành mình làm dẫn chứng, người đứng đầu Vietraverl thông tin : Cả nước có hơn 100.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh dịch vụ lữ hành nhưng thực tế số doanh nghiệp hoạt động quy mô, đủ sức cạnh tranh không quá 10 đầu ngón tay. Hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, các công ty "5 ngón" (nhân sự cả công ty chỉ từ 5 - 10 người). Các doanh nghiệp này vẫn tồn tại, có thể hoạt động vẫn hiệu quả, vẫn có lãi nhưng như vậy không bao giờ đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp quốc tế. 
"Doanh nghiệp nhỏ không lớn được là nguyên nhân khiến thị trường dần rơi vào tay các doanh nghiệp ngoại. Đơn cử trong ngành du lịch, số lượng doanh nghiệp lớn ít khiến khách vào Việt Nam ít có sự lựa chọn, thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc gần như bị các "ông lớn" nước này chiếm hết. Đã đến lúc cần có chiến lược rõ ràng để đầu tư phát triển khối doanh nghiệp ngoài nhà nước mà trước hết là cần chính sách mạnh từ ngân hàng trong vấn đề tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ" - ông Kỳ đề xuất. 

Có thể thế chấp bằng nguồn thu, dòng tiền bán hàng

Ngay sau ý kiến đóng góp của ông Nguyễn Quốc Kỳ, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM đã xin được phát biểu và khẳng định ngân hàng luôn tạo mọi điều kiện, mở rộng cửa đối với các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Cụ thể, ông Minh cho biết từ năm 2012, UBND TP.HCM đã chỉ đạo cho NHNN cùng các sở, ngành phối hợp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn thông qua chương trình kết nối doanh nghiệp - ngân hàng. Trong năm đầu tiên, NHNN triển khai cấp vốn hơn 100 tỉ đồng cho doanh nghiệp, đến nay đã có 60.000 doanh nghiệp vay vốn với gần 945.000 tỉ đồng. Chương trình kết nối doanh nghiệp - ngân hàng lan tỏa rất nhanh, rộng, tạo hiệu ứng tốt và đến năm 2014, Thống đốc NHNN đã quyết định triển khai mô hình này cho toàn quốc.
Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM Khả Hòa
Với riêng TP.HCM, UBND TP đã giao 9 đầu mối tiếp cận, giải quyết nhu cầu vốn cho doanh nghiệp trên địa bàn TP gồm NHNN TP.HCM, Sở Công thương, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố, UBND 24 quận huyện, Ban quản lý khu công nghiệp - khu chế xuất Hepza, Ban quản lý khu công nghệ cao, Ban quản lý khu phần mềm Quang Trung, các hợp tác xã. Theo thống kê, hồ sơ từ doanh nghiệp chuyển đến các đầu mối này năm 2012 là 16 lần thì đến năm 2014 giảm chỉ còn 8 lần.
"Hồ sơ từ các đầu mối ngày càng giảm dần, chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay. Về nguyên tắc, ngân hàng cho vay phải có điều kiện. Doanh nghiệp khi vay vốn phải có phương án kinh doanh, phương án tài chính, có tài sản đảm bảo. Tuy nhiên đối với doanh nghiệp nhỏ, nếu đảm bảo phương án tài chính kinh doanh rõ ràng thì ngân hàng vẫn cho vay, thế chấp từ dòng tiền bán hàng, từ nguồn thu của doanh nghiệp. Hình thức này cũng đã được triển khai hiệu quả từ năm 2013 đến nay" - ông Minh thông tin và nhấn mạnh: "Cho đến thời điểm này, nếu doanh nghiệp nào đủ điều kiện mà chưa tiếp cận được vốn ngân hàng, có thể điện thoại đến 9 đầu mối trên hoặc liên hệ trực tiếp với tôi. Nếu ngân hàng có tiêu cực, doanh nghiệp có thể phản ánh về đường dây nóng của NHNN hoặc các phương tiện thông tin đại chúng như Báo Thanh Niên, Lao động, Người lao động…".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.