‘Đội thuyền thúng’ vươn ra biển khơi

02/04/2019 14:27 GMT+7

Nếu trước kia, các doanh nghiệp trong nước được ví là "đội thuyền thúng" thì giờ đây, nhiều công ty trong nước không chỉ dẫn dắt thị trường nội địa mà còn vững vàng tiến ra thế giới

Đó là chủ đề chính cuộc Hội thảo "Doanh nghiệp Việt ra biển lớn" sáng nay 2.4 tại TP.HCM do Báo Thanh Niên tổ chức. Hộ thảo có sự tham gia của đại diện các cơ quan ban ngành TPHCM, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước và đặc biệt là rất nhiều doanh nghiệp uy tín trên thị trường.  

Cầu nối giữa doanh nghiệp và chính quyền

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Quang Thông - Tổng biên tập Báo Thanh Niên - cho biết, với mong muốn là cầu nối giữa doanh nghiệp với chính quyền, doanh nghiệp với các tổ chức xã hội, doanh nghiệp với các quỹ đầu tư cũng như giữa các doanh nghiệp với nhau,  báo Thanh Niên đã đứng ra tổ chức hội thảo "Doanh nghiệp Việt ra biển lớn". Hội thảo không chỉ là nơi chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình xây dựng, phát triển doanh nghiệp, thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế thế giới, mà còn dịp để các doanh nghiệp chia sẻ các khó khăn, đề xuất các giải pháp để tạo dựng một môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận tiện nhơn nữa. 
Chia sẻ về thông tin khá lạc quan mà Tổng cục Thống kê vừa công bố, cả nước có 43.000 doanh nghiệp hồi sinh và thành lập mới với số vốn bổ sung vào nền kinh tế gần 1,1 triệu tỉ đồng. Ông Thông cho rằng, đây là kết quả của nỗ lực trong công cuộc cải cách thủ tục hành chính mà Chính phủ đã quyết liệt triển khai trong hơn 2 năm qua. Bên cạnh đó, mới đây Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức khai trương trục liên thông văn bản Quốc gia kết nối 95 cơ quan trung ương, địa phương. Văn phòng Chính phủ đã gửi thông báo tới các bộ ngành, địa phương về việc chỉ phát hành văn bản điện tử trong mọi chỉ đạo, điều hành. Nói cách khác, Chính phủ điện tử đã chính thức vận hành. Việc này sẽ tiết kiệm mỗi năm hàng ngàn tỉ đồng, giảm mạnh tình trạng xin-cho trong cấp phép đầu tư... “Chúng tôi đề cập vấn đề này bởi thủ tục hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực thuế, hải quan của Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần tiếp tục cải cách để tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, nhanh chóng và thuận tiện. Chỉ có như vậy mới khiến doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư làm ăn, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp quốc gia của Chính phủ. Nếu chúng ta cùng đồng lòng quyết chí cùng với Chính phủ hành động thì chúng tôi tin rằng, chúng ta sẽ có một môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận tiện và minh bạch nhất. Cộng đồng doanh nghiệp Việt sẽ ngày càng lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh ở sân nhà cũng như ra biển lớn”, ông Nguyễn Quang Thông chia sẻ thêm.
Gọi 200 triệu USD vốn nước ngoài từ "xây dựng niềm tin"
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Trung Tín - Tổng giám đốc Công ty An Gia về kinh nghiệm gọi vốn đầu tư từ đối tác Nhật. Là thế hệ doanh nhân 8x, xuất phát từ hoạt động môi giới hơn 1 thập kỉ trước. Ban đầu, bán nhà nhưng với hình thức hợp tác môi giới, công ty không thể giám sát được chủ đầu tư, không chủ động trong việc hoàn thành nhà đúng tiến độ để giao cho khách hàng. “Đó cũng là điều mà chúng tôi rất áy náy và rất buồn khi có khách hàng điện thoại hỏi thăm vì sao trễ hẹn, mặc dù họ biết chúng tôi chỉ là đơn vị môi giới" - ông Tín nói và cho biết, đó cũng là một trong những động lực khiến lãnh đạo Công ty An Gia hồi đó mạnh dạn phát triển để trở thành chủ đầu tư từ năm 2014 với dự án đầu tay là The Garden. Đây là dự án đầu tay nhưng được thị trường đón nhận, và cũng là dự án mang dấu ấn, tạo nền tảng cho An Gia phát triển”, ông Nguyễn Tung Tín nhấn mạnh. Từ bệ phóng này, An Gia mở rộng đầu tư và tiếp tục cho ra đời hàng loạt dự án như The Star, Riverside, Skyline, River Panorama và mới nhất là Sk89.
Ông Nguyễn Trung Tín - Tổng giám đốc Công ty bất động sản An Gia Khả Hòa
Cộc mốc lớn trong quá trình phát triển của An Gia là tháng 7.2015, Công ty đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư toàn diện với Quỹ Đầu tư Creed Group của Nhật Bản. Quá trình kêu gọi vốn với quỹ đầu tư đến từ Nhật Bản, nổi tiếng là có những tiêu chuẩn, khắt khe riêng theo ông Tín thì An Gia gói gọn trong bốn từ “xây dựng niềm tin”. Đó là phải khiến đối tác tin tưởng, dựa trên sự hợp tác chân thành. Và một khi đã có được sự tin tưởng lẫn nhau, quá trình gọi vốn cũng trở nên dễ dàng hơn. “Đặc biệt An Gia và Creed Group luôn tâm niệm là hướng đến sự hợp tác lâu dài, xây dựng một thương hiệu bất động sản uy tín và hướng đến khách hàng làm trọng tâm, chứ không phải hoàn toàn dựa trên lợi nhuận. Khi có niềm tin thì mọi khó khăn sẽ được giải quyết. Hợp tác với người Nhật tiêu chuẩn đầu tiên là đường dài, chứ không phải là lợi nhuận. Kinh nghiệm lớn nhất khi chúng tôi làm việc với đối tác nước ngoài, mà cụ thể là Creed Group đó là luôn minh bạch và công khai thông tin, đây được coi là điều kiện tiên quyết để xây dựng sự hợp tác lâu dài giữa hai bên”, ông Nguyễn Trung Tín nhấn mạnh.
 Là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc liên doanh liên kết với đối tác nước ngoài, ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh - Phó tổng Giám đốc Thuduc House - cho biết, từ năm 2003, Thuduc House là doanh nghiệp đầu tiên liên doanh thành công với tập đoàn Daewon Hàn Quốc để triển khai thực hiện dự án bất động sản tại TP.HCM và đó là dự án bất động sản đầu tiên có sự hợp tác của đối tác nước ngoài trên địa bàn cả nước lúc bấy giờ.
Ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh - Phó tổng giám đốc Công ty Thuduc House Khả Hòa
Thuduc House cũng là doanh nghiệp bất động sản đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán TP.HCM vào cuối năm 2006. Điều đó giúp công ty đa dạng hóa các kênh huy động vốn. Đến Đại hội cổ đông thường niên năm 2016, Thuduc House đã chính thức trình đại hội thông qua chủ trương tăng tỷ lệ sở hữu cho cổ đông nước ngoài với mức tỷ lệ tối đa là 60% để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Thế nhưng trước đó hàng chục năm, từ năm 2008, Thuduc House đã có chủ trương tìm hiểu thị trường Mỹ để xây dựng kế hoạch đầu tư. Đến ngày 10.2.2009, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho công ty và Thuduc House trở thành công ty bất động sản đầu tiên đầu tư ra nước ngoài. Mục tiêu là đầu tư, phát triển và kinh doanh các khu nhà ở để bán hoặc cho thuê tại California, Mississippi và một số tiểu bang khác của Mỹ. Dù còn khá mới mẻ và thị trường bất động sản ở Mỹ có nhiều nét khác biệt. Thuduc House đã có được những thành công nhất định với lợi nhuận mang về khoảng 30%.
Nhấn mạnh điểm mấu chốt trong chiến lược kinh doanh của công ty là quốc tế hóa về vốn, về quy mô hoạt động, địa bàn đầu tư và cả về nhân lực, ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh chia sẻ, Thuduc House có kế hoạch niêm yết ra thị trường nước ngoài trong vòng 3-5 năm tới để mở rộng thêm kênh huy động vốn để thực hiện kế hoạch phát triển của công ty. 
Kỳ tiếp : Vì sao Tân Hiệp Phát từ chối 2,5 tỉ USD
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.