Dịch tả lợn châu Phi không gây bệnh trên người

06/03/2019 08:01 GMT+7

Dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh trên các loài lợn, với tỉ lệ chết cao, lên đến 100%. Tuy nhiên, dịch bệnh này không gây bệnh trên người.

Do đó, người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.

Bệnh không lây qua người

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến ngày 3.3, bệnh tả lợn châu Phi đã được phát hiện ở 7 tỉnh, thành trong cả nước (gồm Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương). Tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là hơn 4.200 con.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định cả nước có 14 triệu hộ chăn nuôi quy mô nông hộ nên việc phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn.
Mặt khác, nhiều người dân cũng đang lo lắng liệu dịch tả lợn châu Phi có gây bệnh cho người hay không?
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế): Bệnh tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút African swine fever virus (ASFV) gây ra. Bệnh tả lợn châu Phi lây lan nhanh trên loài lợn, ở tất cả các loại lợn với tỉ lệ lợn chết cao, lên đến 100%. Dịch bệnh có những tác động rất lớn đối với các đàn lợn và kinh tế. Vì thế, cần triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn và kiểm soát sớm dịch bệnh trên các đàn lợn.
Bệnh tả lợn châu Phi có tác nhân gây bệnh là vi rút, khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn gây ra.
“Bệnh tả lợn châu Phi không gây bệnh trên người. Do đó, người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh”, phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), khẳng định.
Theo Cục Y tế dự phòng, tuy bệnh tả lợn châu Phi không gây hại trên người nhưng lợn mắc bệnh tả lợn châu Phi có thể mắc thêm những bệnh nguy hiểm khác như tai xanh, cúm... Những bệnh này lại có thể gây hại cho sức khỏe con người nếu người dân ăn phải các sản phẩm từ lợn bệnh chưa được nấu chín kỹ.
Do đó, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần nấu chín kỹ thịt lợn trước khi ăn để đảm bảo vệ sinh; tránh đi vào vùng dịch, nếu phát hiện lợn chết thì phải báo ngay cho cơ quan chức năng.

TP.HCM tăng cường kiểm soát thịt heo nhập vào

Trước tình hình dịch bệnh, phó giáo sư - tiến sĩ Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban An toàn thực phẩm TP.HCM, đánh giá: thị trường TP.HCM là thị trường mở, cũng là thị trường tiêu thụ thịt heo lớn nhất cả nước nên khả năng lây nhiễm bệnh trên đàn heo là hoàn toàn có thể xảy ra. Với việc giá cả chênh lệch (hiện nguồn heo từ các tỉnh phía Bắc có giá thành rẻ hơn phía Nam) thì điều TP lo lắng là phòng chống dịch, kiểm soát nguồn thịt heo, ngăn chặn heo bệnh được nhập về TP.
Bà Lan cũng khẳng định bệnh tả lợn châu Phi không lây cho người, dịch bệnh chỉ làm ảnh hưởng đến đàn heo.
“Tuy nhiên, khi có heo bệnh vào TP.HCM, thịt heo bệnh mổ ra sẽ có khả năng bị nhiễm khuẩn gây thêm nhiều loại bệnh khác”, bà Lan cảnh báo.
Theo bà Lan, hiện Ban An toàn thực phẩm TP.HCM đang phối hợp với các cơ quan liên quan bố trí lực lượng để chốt chặn, kiểm tra nguồn gốc nguồn heo nhập về TP.
“Kiểm tra cả giấy tờ, vòng kiểm soát, kể cả nhìn bằng mắt để phát hiện heo bệnh từ kinh nghiệm của anh em", bà Lan cho biết.
Hiện tại, bà Lan thông tin chưa phát hiện heo mắc bệnh tả lợn châu Phi vào TP.HCM, tuy nhiên có phát hiện một số trường hợp heo bị lở mồm long móng.
Theo thông tin từ Sở Công thương TP.HCM, ngoài việc ngăn chặn dịch bệnh tả lợn châu Phi thì Sở cũng làm việc với các đơn vị cung ứng thịt heo để có kế hoạch đảm bảo nguồn hàng an toàn cung cấp cho TP.
Công ty Vissan đưa ra hai giải pháp là: thu mua heo dự trữ khoảng 3,6 ngàn tấn (ước tính nguồn heo TP cần là khoảng 800 tấn/ngày) hoặc tìm thêm nguồn heo an toàn nhập khẩu từ nước ngoài. Trong khi đó, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn cũng chuẩn bị các phương án về con giống sạch trong trường hợp đàn heo bị ảnh hưởng do dịch bệnh.
Ngoài ra, TP còn làm việc với một số doanh nghiệp cung cấp trứng, thịt gà để có đủ thịt gia cầm bổ sung kịp thời trong trường hợp không đủ nguồn cung thịt heo.
Các cơ quan chức năng tại TP.HCM hiện triển khai thực hiện tăng cường lực lượng kiểm soát các tuyến giao thông từ các tỉnh vào TP; kiểm soát tại các cơ sở giết mổ, chế biến, chợ đầu mối, kiểm soát nguồn nhập vào để đảm bảo có nguồn gốc rõ ràng; yêu cầu các quận huyện kiểm soát việc giết mổ trái phép
Theo Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO), dịch tả lợn châu Phi (ASF) là bệnh truyền nhiễm trên các loại lợn, thường gây tử vong và không có thuốc chữa hoặc vắc xin phòng ngừa. Lợn có thể bị nhiễm bệnh qua đường tiếp xúc trực tiếp với đồng loại nhiễm bệnh, qua thức ăn làm từ thịt nhiễm bệnh hoặc vật dụng dính vi rút gây bệnh,...
Cho đến nay, trên thế giới chưa phát hiện trường hợp bệnh tả lợn châu Phi nào ở người.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.