Chống dịch như chống giặc!

05/03/2019 06:12 GMT+7

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chống dịch như chống giặc, quyết định tăng mức hỗ trợ người chăn nuôi có lợn bị bệnh phải tiêu hủy.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc bàn biện pháp khống chế dịch tả lợn châu Phi hôm qua (4.3), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chống dịch như chống giặc, quyết định tăng mức hỗ trợ người chăn nuôi có lợn bị bệnh phải tiêu hủy.

Ngăn việc bán chạy lợn bệnh từ vùng dịch

Thông tin về dịch bệnh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên được ghi nhận trong ngày 1.2 tại tỉnh Hưng Yên nhưng chỉ trong thời gian ngắn đã lan ra 7 tỉnh, thành phố và tiếp tục có nguy cơ bùng phát ổ dịch mới. Ngoài hơn 4.321 con lợn đã tiêu hủy, Cục Thú y phối hợp với thú y địa phương lấy trên 6.000 mẫu xét nghiệm bệnh dịch tả lợn châu Phi để giám sát diễn biến bệnh dịch.
T
heo ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng, mức giá hỗ trợ hộ chăn nuôi đối với lợn bệnh bị tiêu hủy chỉ 38.000 đồng/kg trong khi giá lợn thịt ngoài thị trường phổ biến là 42.000 - 43.000 đồng/kg. Đối với lợn nái, giá thị trường đang là 150.000 đồng/kg thì mức hỗ trợ hiện nay thấp hơn nhiều lần khiến người chăn nuôi thiệt hại lớn về kinh tế.
Cán bộ thú y phun hóa chất tiêu độc, khử trùng tại vùng dịch ở H.Yên Định, Thanh Hóa ẢNH: MINH HẢI
Cán bộ thú y phun hóa chất tiêu độc, khử trùng tại vùng dịch ở H.Yên Định, Thanh Hóa ẢNH: MINH HẢI
Ông Phùng Đức Tiến nhìn nhận, qua khảo sát thực tế, một số địa phương có dịch chỉ hỗ trợ được 27.000 đồng/kg đối với lợn thịt, nhưng để được nhận hỗ trợ thì người chăn nuôi phải đăng ký và được chính quyền địa phương xác nhận số lượng lợn nuôi. Trong khi đó, cả nước hiện có hàng triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, đan xen trong khu dân cư. Các hộ chăn nuôi thường không khai báo, đăng ký.
“Mức hỗ trợ thấp và thủ tục giải quyết kéo dài hàng tháng nên có tình trạng người dân tuồn bán chạy lợn bệnh, lợn nghi bệnh cho thương lái dù chấp nhận giá thấp hơn để có tiền ngay mà không báo dịch cho chính quyền, cơ quan thú y”, ông Tiến nói.
Chuồng lợn nhà chị Nguyễn Thị Duyên (xã Đông Hải, H.Quỳnh Phụ, Thái Bình) đã mất hơn 30 con Ảnh: Lê Tân
Chuồng lợn nhà chị Nguyễn Thị Duyên (xã Đông Hải, H.Quỳnh Phụ, Thái Bình) đã mất hơn 30 con Ảnh: Lê Tân
Cũng theo ông Tiến, các ổ dịch ở 7 tỉnh, TP cơ bản được khống chế, không phát sinh ổ dịch mới; nhưng để ngăn lây lan, chính quyền địa phương phải kiểm soát chặt chẽ đàn lợn trên địa bàn; không để người dân bán chạy lợn, vận chuyển lợn qua lại từ vùng dịch ra bên ngoài.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, dịch tả lợn châu Phi không ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng tỷ lệ chết trên đàn lợn là 100%. Nếu dịch bùng phát trên diện rộng sẽ là tổn thất lớn khi ngành chăn nuôi lợn có vị trí quan trọng trong ngành nông nghiệp; thịt lợn vẫn chiếm khoảng 70% trong “rổ” thực phẩm tiêu dùng hằng ngày.

Nâng mức hỗ trợ lên 80% theo giá thị trường

Trước những diễn biến nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, trong thời gian ngắn, đến nay đã có 7 tỉnh, TP có dịch tả lợn châu Phi. Nếu công tác ứng phó không có biện pháp mạnh, không quyết liệt từ nhận thức đến hành động thì dịch sẽ còn lây lan.
Để khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải hành động theo khẩu hiệu “Chống dịch như chống giặc”; ngăn chặn bằng được dịch tả lợn châu Phi, không để lây lan diện rộng. Công tác phòng chống dịch không chỉ thực hiện ở 7 địa phương có dịch mà phải làm ở tất cả tỉnh, TP trên cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ không hài lòng đối với các địa phương không có lãnh đạo tỉnh dự hội nghị mà chỉ cử cán bộ thú y. Theo Thủ tướng, công tác phòng ngừa, ngăn chặn dịch không chỉ là việc của cơ quan thú y, Bộ NN-PTNT mà cả hệ thống chính trị phải cùng “xắn tay áo vào cuộc”. “Chủ tịch UBND các tỉnh, TP phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Thủ tướng về tình hình bệnh dịch ở địa phương mình quản lý”, Thủ tướng nói.
Liên quan đến phản ánh bất cập trong chính sách hỗ trợ người chăn nuôi, người đứng đầu Chính phủ đồng ý tăng mức hỗ trợ đối với người chăn nuôi có lợn bệnh buộc phải tiêu hủy.
Cụ thể với lợn con và lợn thịt, mức hỗ trợ cho người chăn nuôi đảm bảo 80% theo giá thị trường; đối với lợn nái và lợn đực giống mức hỗ trợ tăng gấp 1,5 - 1,8 lần. Các địa phương trích nguồn ngân sách dự phòng hỗ trợ người chăn nuôi; giám sát chặt chẽ và tự chịu trách nhiệm nếu để xảy ra các hành vi tiêu cực, kê khai khống trục lợi từ chính sách.

Hỗ trợ thêm cả bệnh lở mồm long móng và bệnh tai xanh

Cũng tại hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết ngoài dịch tả lợn châu Phi, chính sách hỗ trợ mới bổ sung thêm 2 loại bệnh nguy hiểm trên đàn lợn gồm: bệnh lở mồm long móng và bệnh tai xanh.
Chính phủ yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan soạn thảo ngay văn bản; công khai thông tin chính sách hỗ trợ đến người chăn nuôi. Khi đàn lợn có bệnh, người chăn nuôi chỉ cần khai báo đến chính quyền địa phương; cơ quan thú y xác nhận để được hưởng chính sách hỗ trợ thiệt hại khi lợn bị tiêu hủy.
Hoàng Phan

FAO cử chuyên gia giúp VN chống dịch

Ông Albert T.Lieberg, Trưởng đại diện Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) tại VN, cho biết cơ quan này đang theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch tả lợn châu Phi tại VN. FAO đã trích gói tài chính 500.000 USD để hỗ trợ các nước có dịch tả lợn châu Phi, trong đó có VN.
Trong 5 - 6 ngày tới, FAO cử đoàn chuyên gia thú y giỏi, có nhiều kinh nghiệm về dịch tả lợn châu Phi đến VN để khảo sát tình hình thực tế; đánh giá những con đường lây lan bệnh dịch để tư vấn triển khai các giải pháp kỹ thuật khuyến cáo cho cơ quan quản lý, người chăn nuôi để ngăn dịch lây lan.
Hoàng Phan
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.