Dân nuôi gần 200.000 con chó, mèo, TP.HCM đang làm gì để quản lý?

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
28/03/2024 17:15 GMT+7

Tại cuộc họp báo kinh tế - xã hội TP.HCM định kỳ chiều 28.3, báo chí đặt câu hỏi hiện nay TP.HCM có những giải pháp nào để ngăn chặn nguy cơ bệnh dại xâm nhập; giải pháp quản lý và xử lý đàn chó mèo chưa tiêm ngừa.

Về vấn đề này, ông Lê Minh Trí, Phó trưởng Phòng Chăn nuôi dịch tễ, Chi cục Chăn nuôi và thú y, Sở NN-PTNT TP.HCM, cho biết thống kê hiện nay, TP.HCM có hơn 183.700 con chó, mèo được nuôi tại hơn 100.000 hộ gia đình.

Theo thông tin của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, từ đầu năm 2024 đến ngày 24.3, cả nước xảy ra 26 ca tử vong trên người do bệnh dại ở 15 tỉnh, thành phố (tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2023 có 12 ca). Tuy nhiên, trên địa bàn TP.HCM nhiều năm liền không xảy ra ca dại trên động vật cũng như trên người. TP.HCM cũng được cấp chứng nhận là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Dân nuôi gần 200.000 con chó, mèo, TP.HCM đang làm gì để quản lý?- Ảnh 1.

TP.HCM có hơn 183.000 con chó, mèo được nuôi

NHẬT THỊNH

59 phường, xã thành lập tổ bắt chó thả rông

Ông Lê Minh Trí cho hay TP.HCM đã triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh dại động vật trên địa bàn.

Về công tác tiêm phòng vắc xin, Chi cục Chăn nuôi và thú y TP.HCM phối hợp UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức tổ chức tiêm phòng cho đàn chó, mèo trên địa bàn, trong đó hỗ trợ 50% chi phí vắc xin tại 5 huyện ngoại thành (Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn và Củ Chi). Đồng thời tập trung tiêm phòng vắc xin đại trà vào khoảng tháng 3 - 5 hằng năm và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo tuổi chó, mèo. Tỷ lệ tiêm phòng hằng năm luôn đạt tỷ lệ trên 88% tổng đàn kiểm tra.

Ngoài ra, mỗi năm đơn vị lấy khoảng hơn 300 mẫu máu xét nghiệm hiệu giá kháng thể sau tiêm phòng, qua đó tỷ lệ bảo hộ đối với bệnh dại tại TP.HCM luôn đạt trên 80%. Các cơ quan cũng kiểm soát chặt chẽ các cơ sở hành nghề dịch vụ thú y tư nhân, nhằm cập nhật kịp thời tình hình tiêm phòng tại các phòng khám thú y tư nhân; tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật xuất tỉnh cho người nuôi chó, mèo.

Theo ông Lê Minh Trí, công tác bắt chó thả rông cũng được thực hiện tích cực. Hiện nay, có 59 phường, xã, thị trấn tại TP.HCM đã thành lập tổ bắt chó thả rông (hiện thành phố có 312 phường, xã, thị trấn).

Dân nuôi gần 200.000 con chó, mèo, TP.HCM đang làm gì để quản lý?- Ảnh 2.

Ông Lê Minh Trí, Phó trưởng phòng Chăn nuôi dịch tễ, Chi cục Chăn nuôi và thú y, Sở NN-PTNT TP.HCM

THẢO NHÂN

Mới đây, Sở NN-PTNT TP.HCM trình UBND TP.HCM về Quy định tạm thời về quản lý nuôi chó, mèo trên địa bàn TP.HCM. Trong đó, đề xuất chủ vật nuôi chó, mèo phải kê khai trong vòng 3 ngày sau nhập về nuôi, đồng thời kê khai định kỳ 2 lần/năm, không để chó tấn công người, không được để chó gây ồn ào.

Xem nhanh 12h ngày 29.3: Không nên làm gì sau khi bị chó, mèo cắn?

Khuyến cáo cho người nuôi chó, mèo

Để công tác phòng chống bệnh dại hiệu quả, TP.HCM khuyến cáo người dân các giải pháp:

  • Tiêm phòng vắc xin bệnh dại cho chó, mèo mỗi năm 1 lần
  • Kê khai hoạt động chăn nuôi 2 lần/năm cho chính quyền địa phương
  • Khai báo với trạm chăn nuôi và thú y địa phương hoặc chính quyền địa phương khi đưa chó, mèo từ nơi khác về nuôi, nhất là đối với chó, mèo chưa được tiêm phòng
  • Không mua chó, mèo bán rông trên đường phố hoặc không rõ nguồn gốc về nuôi vì đây là mối nguy cơ xảy ra và lây lan bệnh dại trên động vật rất cao
  • Giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh
  • Khi bị chó, mèo, động vật cào, cắn cần xử lý vết thương và đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị dự phòng bệnh dại kịp thời
  • Khi phát hiện chó, mèo có triệu chứng bệnh dại, phải nhốt riêng và báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y để xử lý kịp thời nhằm khống chế, không để phát sinh và lây lan bệnh dại trong cộng đồng
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.