Có hay không nhân vật đặc biệt Phạm Hữu Khánh?

15/03/2023 12:38 GMT+7

Chính Thái Phiên đã bố trí đưa Phạm Hữu Khánh vào làm lái xe cho vua Duy Tân vào năm 1913 và "Nhân một buổi ngự du tại Cửa Tùng, Khánh đã dâng kế sách cứu quốc và thỉnh nhà vua tham gia cách mạng". Cụ Phạm Khắc Hòe cũng cho rằng: "Trần Cao Vân đã bỏ ra một số tiền vận động người lái xe của nhà vua xin thôi việc, đặng đưa một đảng viên của Việt Nam Quang Phục hội là Phạm Hữu Khánh vào thay"...



Có hay không nhân vật đặc biệt Phạm Hữu Khánh ? - Ảnh 1.

Hải Vân quan - nơi đốt lửa báo hiệu cuộc khởi nghĩa

TƯ LIỆU CỦA LƯU ANH RÔ

Có thể khẳng định rằng trong cả 3 hộp hồ sơ về cuộc khởi nghĩa vua Duy Tân của Toàn quyền Đông Dương, không có tài liệu nào đề cập đến nhân vật nào tên Khánh, là lái xe và liên lạc của vua Duy Tân. Thực tế trọng trách nặng nề ấy được giao cho chính là hai người hầu cận thân tín của nhà vua là Nguyễn Quang Siêu (tức Đội Siêu) và Tôn Thất Đề (tức Thị vệ Đề).

Đầu mối cho việc này chính là Nguyễn Quang Siêu từng làm quan ở Quảng Nam và có quen biết Trần Cao Vân từ trước. Vì vậy, khi được giao nhiệm vụ bắt mối với vua Duy Tân, Trần Cao Vân đã tìm gặp Đội Siêu. Nguyễn Quang Siêu kể rằng: "Khi gặp nhau, ông dẫn tôi xuống một con đò đang đậu ở bến Ga Huế. Chúng tôi trao đổi về những việc như: Chính phủ bảo hộ áp bức chúng ta, hạn chế quyền lực của chính phủ Nam triều. Chúng ta mong có sự đồng thuận của Hoàng thượng, để họ không gọi chúng ta là quân nổi loạn".

Khi Trần hỏi làm cách nào có thể liên lạc được với Hoàng thượng thì Đội Siêu bảo sẽ báo nhà vua và mọi việc sẽ liên lạc sẽ thông qua Tôn Thất Đề, "Trần Cao Vân yêu cầu tôi hết lòng giúp sức trong việc chuyển đạt các thông tin trên. Tôi vui vẻ chấp nhận những lời yêu cầu của ông".

Chính Trần Cao Vân cũng xác quyết rằng, ông "liên lạc với Hoàng thượng qua người trung gian là Đội Siêu và ông Thị vệ". Tôn Thất Đề cũng đã xác nhận ông chính là người dàn xếp để Thái Phiên, Trần Cao Vân gặp vua Duy Tân sau khi nhận thấy Trần Cao Vân "là một nhà đại thông thái và cũng là nhà đoán việc tài tình. Ông ấy thông minh không khác gì Khổng Minh, được biết tới như một quân sư".

Tôn Thất Đề kể việc dàn xếp cuộc gặp mặt giữa Thái Phiên (tức Huỳnh Anh), Trần Cao Vân với vua Duy Tân như sau: "Ba ngày sau, Đội Siêu bảo tôi là ông Vân muốn gặp vua để trình bày kế hoạch. Tôi đi xin phép vua cho ông Vân gặp, vua bảo không được đưa ông Vân vào cung.

Tôi tìm Đội Siêu hỏi ý kiến, Đội Siêu bảo phải ngụy trang họ làm người đi câu đến bờ hồ Hòa Bình, sau đó thỉnh vua đến đó". Cần nhớ rằng, thực dân Pháp quản lý vua Duy Tân rất chặt, mọi biểu hiện của nhà vua đều không qua mắt được các vị đại thần và bộ máy chỉ điểm của Pháp, vì vậy người lái xe cho vua Duy Tân luôn là người do người Pháp chọn, khó có chuyện lực lượng khởi nghĩa có thể thay lái xe này bằng một người khác theo ý của mình.

Có hay không nhân vật đặc biệt Phạm Hữu Khánh ? - Ảnh 2.

Cổng thành La Qua (Quảng Nam) - trọng điểm tấn công của cuộc khởi nghĩa

Cũng cần nói thêm, không hề có bất kỳ thông tin nào trong hồ sơ lưu trữ cho thấy có sự diện kiến, bàn "quốc sự" giữa vua Duy Tân cùng các ông Khóa Bảo, Cử Sụy, Nguyễn Cửu Trị, Lê Đình Dương. Suốt cuộc khởi nghĩa chỉ duy nhất một lần vua Duy Tân gặp Thái Phiên, Trần Cao Vân tại hồ Hòa Bình do sự dàn xếp của Nguyễn Quang Siêu và Tôn Thất Đề mà thôi.

Về truyền ngôn chuyến đi Cửa Tùng mà "lái xe Khánh" "dâng kế sách cứu quốc", được Tôn Thất Đề khai như sau: "Khi đi nghỉ mát ở Cửa Tùng, Đức vua lệnh cho tất cả tùy tùng cùng thề giữa trời đất là phải trung thành với Ngài, rằng "Trẫm biết, đây là việc hệ trọng có nhiều bất trắc, nguy cơ. Nhưng các ông phải tận dụng mọi khả năng để thực hiện kế hoạch của Trẫm?". Đức vua nói: "Trẫm là Thiên tử nhưng Trẫm không có quyền lực gì, Trẫm rất đau khổ và bất bình về điều này. Trẫm muốn tranh thủ một cuộc đi dạo để trốn vào núi tìm gặp những người trung thành và có khả năng thực hiện những kế hoạch của Trẫm".

Rồi Đức vua khuyên chúng tôi ẩn nấp gần đường bộ nơi xe của Ngài thường đi qua để nhảy lên xe, trốn cùng Ngài. Ngài còn khuyên chúng tôi khi trốn thì mang hết tiền theo. Chúng tôi tỏ ý không nghe theo dự mưu ấy. Chúng tôi tâu xin Đức vua thận trọng và kiên cường hơn… Chúng tôi nhận thấy Đức vua không ngừng nghĩ về kế hoạch của Ngài. Thường Ngài bảo chúng tôi tập trận…". Cũng trong chuyến đi đó, nhà vua đã ban hành một chiếu chỉ kêu gọi dân chúng hưởng ứng cuộc khởi nghĩa, rồi buộc vào chân một số chim để thả bay đi.

Như vậy không hề có một nhân vật nào tên Khánh, là lái xe của vua Duy Tân làm liên lạc, kết nối giữa nhà vua và các yếu nhân của phong trào. Thực tế cũng cho thấy, bức điện mật do Toàn quyền Đông Dương đồng ý thi hành án tử đối với các lãnh tụ phong trào chỉ có 4 người: Thái Phiên, Trần Cao Vân, Nguyễn Quang Siêu, Tôn Thất Đề, không hề có thêm một người nào tên là Khánh như một số tài liệu trước đây đã đề cập.

(còn tiếp) 

(Trích Khởi nghĩa vua Duy Tân qua hồ sơ lưu trữ - DT Books và NXB Đà Nẵng xuất bản)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.