Khởi nghĩa vua Duy Tân qua hồ sơ lưu trữ

Vai trò Trần Cao Vân, Thái Phiên, Lâm Nhĩ, Nguyễn Siêu

14/03/2023 07:26 GMT+7

Các nghiên cứu trước đây đưa ra nhiều giả thuyết không thống nhất về số lần và địa điểm tổ chức các lần hội nghị để phát động cuộc khởi nghĩa vua Duy Tân năm 1916.

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng có 3 lần họp: Lần thứ nhất diễn ra vào tháng 2.1914 tại Đà Nẵng; Lần thứ hai họp tại Huế (Phú Xuân) vào tháng 9.1915; Lần thứ ba cũng tại Huế, vào tháng 2.1916.

Trong nhóm ý kiến này, dù thống nhất có 3 lần hội nghị song lại cho rằng hội nghị lần đầu là diễn ra ở nhà ông Đoàn Bổng tại Huế; hội nghị thứ hai diễn ra ở chợ Cầu Cháy (Quảng Ngãi), lần thứ ba do sự thúc giục của vua Duy Tân nên lực lượng khởi nghĩa quyết định họp tại Huế. Loại ý kiến thứ hai cho là có 2 lần: một tại nhà ông Đoàn Bổng ở đường Đông Ba (Huế), hai là tại chợ Cầu Cháy (Quảng Ngãi). Loại ý kiến thứ ba không nói rõ có mấy lần hội nghị, mà chỉ nhắc đến một lần hội nghị tại chợ Cầu Cháy. Vậy thực tế có mấy hội nghị?

Tài liệu lưu trữ cho thấy có tất cả 3 hội nghị và lần thứ ba có tính quyết định được tổ chức tại Đà Nẵng.

Vai trò Trần Cao Vân, Thái Phiên, Lâm Nhĩ, Nguyễn Siêu - Ảnh 1.

Nhà thờ Thái Phiên tại làng Nghi An (TP.Đà Nẵng)

TƯ LIỆU CỦA LƯU ANH RÔ

Hội nghị thứ nhất Kỳ bộ Trung kỳ tại Huế, tháng 9.1915, khi nhận được thư Lê Ngung giục khởi nghĩa ngay, Thái Phiên liền tổ chức một cuộc họp tại nhà ông Đoàn Bổng (Huế), do ông trực tiếp chủ trì, với các yếu nhân của các tỉnh: Thái Phiên, Trần Cao Vân, Đỗ Tự, Phan Thành Tài (Quảng Nam), Lê Ngung, Nguyễn Thụy, Lê Triết, Nguyễn Công Mậu, Nguyễn Công Phương (Quảng Ngãi), Đoàn Bổng (Thừa Thiên), Nguyễn Chánh (Quảng Bình).

Tại hội nghị này, Kỳ bộ thống nhất rằng: Tình hình xây dựng lực lượng cách mạng chỉ mới tương đối vững ở hai tỉnh Nam - Ngãi, các nơi khác còn yếu, cơ sở còn mỏng. Quân Pháp tuy đại bại ở chính quốc, nhưng ở đây lực lượng vẫn còn mạnh, nhất là ở Huế và Đà Nẵng. Vì vậy, cần hoãn thời điểm khởi nghĩa một thời gian nữa để xây dựng, củng cố lực lượng.

Tháng 2.1916, Hội nghị lần thứ hai được tổ chức tại Huế nhằm kiểm điểm tình hình chuẩn bị khởi nghĩa, thông qua chương trình kiến quốc, ban bố kế hoạch khởi nghĩa. Hội nghị phân công Thái Phiên trực tiếp chỉ huy tấn công kinh thành Huế, có sự trợ lực của Lê Cơ, Lê Cảnh Vận. Tôn Thất Đề và Nguyễn Quang Siêu sẽ đốc suất lính thân binh, thị vệ trấn giữ Hoàng thành. Nguyễn Đình Trứ, Hà Lại, Phạm Thành Chương… sẽ công phá Trấn Bình đài. Lê Cảnh Hàn, Đặng Khánh Khải, Trần Đại Trinh… sẽ huy động lính tập và có một đội quân cảm tử của 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi sẽ quay súng chiếm Tòa Khâm sứ Trung kỳ. Trần Cao Vân sẽ hộ giá vua Duy Tân…

Ngoài ra, có nhiều cuộc gặp mặt trao đổi, thảo luận tại Quảng Nam, khi thì ở nhà của Thái Phiên, khi thì ở nhà Lâm Nhĩ. Thái Phiên khai rằng, thượng tuần tháng 2.1916, ông và Trần Cao Vân quyết định triệu tập các ông Phan Thành Tài, Phạm Thành Chương, Trương Bá Huy, Lâm Nhĩ để thông báo tình hình quốc tế và trong nước, truyền đạt ý muốn của vua Duy Tân: "Khi những người đó đến, tôi thông báo cho họ biết những tin tức mà các người Trung Hoa đã truyền đạt, tôi cũng nói rõ ý muốn của Nhà vua về việc khôi phục Vương quốc, để mọi người cùng bàn định và sắp đặt kế hoạch hưởng ứng khởi nghĩa". Xin lưu ý rằng, thời gian năm sau 1910, Thái Phiên đã chuyển về ở nhà vợ kế là Trần Thị Băng, người làng Quang Châu (nay thuộc xã Hòa Châu, H.Hòa Vang) không còn ở làng Nghi An nữa (nay thuộc Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng). Vì vậy, trong các tài liệu mới ghi "ở nhà Thái Phiên" chính là nhà bà Băng - vợ ông.

Hội nghị lần thứ ba có tính quyết định của cuộc khởi nghĩa, được tổ chức tại nhà Tú tài Đỗ Tự, ở làng Miếu Bông, vào ngày 27.4.1916. Về cuộc họp này, Phan Thành Tài thuật lại rằng: "Vào ngày đó tại nhà Tú Tự có buổi lễ ăn mừng nhà mới (nhà lầu) có mặt ngài Trần Cao Vân, Tú Kiền làng Du Nghĩa, phủ Thăng Bình, Tú Diễn làng Tiên Đõa, cùng phủ, Lê Thùy ở Tam Kỳ, Tú Phương, Tú Huy ở làng Phước Am phủ Thăng Bình, Phó Bẽm và 4 - 5 người nữa tôi không rõ tên. Vì buổi ăn mừng nhà mới quá đông người, nên sau bữa tiệc một người của Thông Phiên đến tin là chuyển cuộc họp đến nhà Thông Phiên. Khi trời bắt đầu tối, Hương Thùy cùng với tôi đi đến nhà Thông Phiên. Đến nơi, tôi đã thấy có Trần Cao Vân. Đêm hôm đó, Thông Phiên, Trần Cao Vân, Hương Thùy và tôi đều tập trung vào việc tổ chức nhân sự, chọn mẫu cờ, làm ấn, may đồng phục, về kế hoạch tổ chức lập pháp, các luật lệ dân sự, quân luật và dự tính việc chi tiêu cho các cánh quân". Chính điều này nên hồ sơ mật thám Pháp gọi đây là "Bộ tham mưu khởi nghĩa" hoặc "Bộ tham mưu của Thái Phiên".

Bản báo cáo của Khâm sứ Trung kỳ Trigon cho biết: "Trong đêm 27.4, tại làng Miếu Bông, tỉnh Quảng Nam, đã tiến hành một cuộc họp lớn của những người đồng mưu. Tại cuộc họp này, đã phổ biến chiếu chỉ của Nhà vua gửi quan lại ba miền kêu gọi phát động cuộc chiến đấu, tổng khởi nghĩa lấy tên là "NGHĨA" (của những người trung thành), vào đêm ngày 2 rạng ngày 3 tháng tư (âm lịch) - tức đêm ngày 3 rạng sáng ngày 4 tháng 5 năm 1916.

Chiếu chỉ này cũng bổ nhiệm 4 nhân vật cao cấp như sau: Trần Cao Vân - Cố vấn tối cao, người bảo vệ Nhà vua, phụ trách về quân sự; Thái Phiên - Phụ tá Cố vấn tối cao, phụ trách kinh tế, tài chính; Lâm Nhĩ - Thống chế; Nguyễn Siêu - Tổng quản kinh đô và Hoàng cung. Cũng tại cuộc họp này, đã nêu ra những phương hướng cơ bản về tổ chức một Nhà nước mới, gồm có ba Hội đồng: Hội đồng quân sự, Hội đồng tài chính và Hội đồng hành chính". (còn tiếp) 

(Trích Khởi nghĩa vua Duy Tân qua hồ sơ lưu trữ - DT Books và NXB Đà Nẵng xuất bản)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.