Vua Duy Tân và cuộc khởi nghĩa ở Trung kỳ

04/02/2023 07:32 GMT+7

Sách Khởi nghĩa vua Duy Tân qua hồ sơ lưu trữ (do DTBooks và NXB Đà Nẵng vừa ấn hành) với trọng tâm chính là bản dịch toàn văn và công bố có chọn lọc những tài liệu lưu trữ, nhằm giải quyết hay thảo luận một số vấn đề liên quan đến cuộc khởi nghĩa ở Trung kỳ mà lâu nay vẫn còn nhiều quan điểm chưa thống nhất.

Đầu tháng 5.1916, sau một thời gian chuẩn bị và tuyển mộ thêm lực lượng, cuộc khởi nghĩa Duy Tân năm 1916 nổ ra ở Trung kỳ dưới ngọn cờ quy tụ của vua Duy Tân và hai yếu nhân là Thái Phiên, Trần Cao Vân.

Giữa đệ nhất thế chiến, trong bối cảnh nước Pháp liên tiếp bại trận và ngày càng lún sâu, xứ Đông Dương thuộc Pháp cũng bị cuốn vào cuộc chiến với hàng loạt sự việc chính quyền thực dân Pháp đàn áp, bóc lột, vơ vét tài nguyên, tăng cường bắt lính ở Đại Nam, xứ thuộc địa phải "cung cấp cho chính quốc [Pháp] đến mức tối đa nhân lực, vật lực và tài lực".

Vua Duy Tân và cuộc khởi nghĩa ở Trung kỳ   - Ảnh 1.

Vua Duy Tân (ngồi giữa)

P. Dieulefils

Bấy giờ, nhân khi một số lính tập bản xứ đang tập trung ở Huế và Đà Nẵng chuẩn bị gửi sang Pháp tham chiến ở châu Âu, vua Duy Tân yêu cầu Thái Phiên và Trần Cao Vân chọn thời điểm khởi sự sớm hơn, phải là rạng sáng ngày 3.5.1916 thay vì ngày 8.5.1916 như dự tính ban đầu. Tín hiệu cho cuộc khởi nghĩa sẽ phát ra vào lúc 1 giờ 30 sáng ngày 3.5.1916, đồng loạt ở Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Dưới áp lực của vua Duy Tân, cộng thêm lực lượng cách mạng đang trong quá trình tổ chức còn khá mỏng, thiếu vũ khí. Tại Quảng Ngãi do bại lộ, vì chưa cân nhắc thấu đáo tương quan lực lượng hai bên nên cuộc khởi nghĩa nhanh chóng bị dập tắt, các lãnh tụ cuộc khởi nghĩa, và cả vua Duy Tân, bị bắt, điều tra, thẩm vấn và xét xử kể từ ngày 7.5.1916.

Đối với chính quyền thực dân Pháp, sự kiện hoàng đế nước Đại Nam tham gia cuộc nổi dậy là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng, toàn bộ hồ sơ về cuộc khởi nghĩa này được người Pháp định danh dưới các tên gọi "Cuộc biến loạn ở Trung kỳ" hay "Triều đình An Nam - Cuộc mưu loạn ở Huế. Cuộc đào thoát và sự phế truất hoàng đế Duy Tân", hiện đang được lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia Hải ngoại Pháp (Aix-en Provence).

Cuốn sách Khởi nghĩa vua Duy Tân qua hồ sơ lưu trữ (do Lưu Anh Rô và Nguyễn Trương Đàn dày công sưu tầm và biên soạn) với trọng tâm chính là dịch toàn văn và công bố có chọn lọc các tài liệu lưu trữ này, nhằm giải quyết hay thảo luận một số vấn đề quan trọng liên quan đến cuộc khởi nghĩa mà bấy lâu vẫn còn nhiều quan điểm chưa thống nhất.

Vua Duy Tân và cuộc khởi nghĩa ở Trung kỳ   - Ảnh 2.

Bìa sách Khởi nghĩa vua Duy Tân qua hồ sơ lưu trữ, DTBooks và NXB Đà Nẵng ấn hành 2023

Nguyễn Quang Diệu

SỬ LIỆU LÊN TIẾNG…

Lâu nay, cuộc khởi nghĩa năm 1916 thường gắn liền với tên tuổi của chí sĩ Thái Phiên và Trần Cao Vân, tuy nhiên, từ bản khai của các nhân vật tham gia cuộc khởi nghĩa và báo cáo liên quan, chúng ta hiểu rằng để kết nối được hai chí sĩ với vua Duy Tân, nhằm tạo dựng tính chính danh cho cuộc khởi nghĩa, cũng cần nhắc đến hai yếu nhân khác ít được đề cập là Tôn Thất Đề và Nguyễn Quang Siêu. Cùng nhau và mỗi người một việc, họ chính là lực lượng nòng cốt và chính yếu. Khi cuộc khởi nghĩa thất bại, các bản án ngay sau đó được chính quyền thực dân và chính phủ Nam triều tuyên, bốn con người ái quốc này bị đưa ra pháp trường xử tử vào ngày 17.5.1916.

Trong mắt phần lớn các nhân vật chủ chốt của chính phủ Nam triều lúc bấy giờ, hành động của vua Duy Tân đã phạm tội đại nghịch, "là sự vong ân bội nghĩa đối với chính phủ bảo hộ [Pháp]". Về phần mình, Toàn quyền Đông Dương Roume và thuộc cấp rất thận trọng khi bắt vua Duy Tân cũng như ứng xử trong quá trình giam giữ vị hoàng đế. Ngoài ra, tài liệu lưu trữ cũng cho biết người Pháp muốn tranh thủ sự việc này để bãi bỏ chế độ vương triều Nguyễn nhưng họ phải từ bỏ ý định sau khi thăm dò thái độ các vị thượng thư.

Dưới sự thúc ép của Tôn Nhơn phủ và Phủ Phụ chính, việc điều tra và hỏi cung được người Pháp ráo riết thực hiện, sau đó họ giao cho chính phủ Nam triều phần việc xét xử, tuyên án. Ngày 18.5.1916 được chọn làm lễ đăng quang của vua Khải Định, trước đó quyết định truất phế vua Duy Tân được kết luận trong cuộc họp ngày 10.5.1916, vì vậy việc thi hành án tử đối với bốn yếu nhân của cuộc khởi nghĩa là Thái Phiên, Trần Cao Vân, Tôn Thất Đề và Nguyễn Quang Siêu phải diễn ra sớm hơn, báo cáo cho biết vào lúc 16 giờ 30 ngày 17.5 tại bãi chém An Hòa (Huế).

Trong báo cáo của Sogny (ngày 6.5.1916) về việc bắt giữ vua Duy Tân, đã thuật lại đoạn vua Duy Tân từ chối lên xe người Pháp đã bố trí và chọn cách đi bộ, có nhiều nhóm người tụ tập trên đường Ngài về, trong đó có nhóm của Hội đồng Tôn Nhơn phủ. Sogny kể, một thành viên cấp cao của Hội đồng hạ dù chào hai ông Tây đi trước vua Duy Tân, nhưng khi thấy nhà vua thì ông ta vẫn giương dù và nhìn vua với vẻ dửng dưng.

Sau khi đi ngang qua ông này, vua hỏi người tùy tùng: "Tên mô đó?" Người tùy tùng cho biết đó là thành viên cấp cao của Tôn Nhơn phủ. Vua lại hỏi: "Người nớ tên chi?" Sogny chua thêm một câu, rằng "mọi lời bình luận sẽ là vô nghĩa, từ sự khôi hài và khinh bỉ của nhà vua thể hiện qua hai câu ngắn ngủi này"…

Cũng từ các hồ sơ lưu trữ, hậu thế thấy được quy mô, và công tác tổ chức có bài bản của cuộc khởi nghĩa cũng như số lượng lớn người tham gia từ Quảng Ngãi cho đến Quảng Trị. Đồng thời, là sự bi thương khi số người tham gia bị xử trảm, lưu đày biệt xứ (kể cả vua Duy Tân), lao động khổ sai không hề nhỏ, như ở Quảng Ngãi trong số 186 người bị bắt giữ có 72 người bị kết án với 10 án tử hình; hoặc ở Quảng Nam có 155 người bị bắt và kết án với 5 án tử hình...

Phong phú, đa dạng và có giá trị khảo cứu, hồ sơ lưu trữ cuốn sách quý mang đến cho độc giả cái nhìn rộng hơn về cuộc khởi nghĩa năm 1916, góp thêm tư liệu để đi tìm câu trả lời thỏa đáng, và tỉnh táo, cho các câu hỏi: lý do tại sao phát động cuộc khởi nghĩa sớm hơn so với dự kiến, giờ phát động cuộc khởi nghĩa là mấy giờ, các chiếu chỉ được ban hành và có bao nhiêu hội nghị chuẩn bị khởi nghĩa, sự can dự của Việt Nam Quang Phục hội và vai trò của hội như thế nào, những người nào được gặp vua Duy Tân và ở địa điểm nào?…

Tác phẩm còn góp phần soi tỏ một đoạn sử bi thương của dân tộc, giúp đưa ra ánh sáng và tôn vinh nhiều nhân vật lâu nay bị lịch sử lãng quên, khơi gợi tinh thần yêu nước và mang đến nhiều bài học lịch sử sâu sắc cho hậu thế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.