Chuyên gia: Kỳ vọng sớm có vắc xin tay chân miệng, sốt xuất huyết tại Việt Nam

Lê Cầm
Lê Cầm
01/07/2023 13:49 GMT+7

Theo các chuyên gia, hằng năm các bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, sốt xuất huyết luôn có tỷ lệ mắc bệnh cao, nhiều ca nặng tử vong và chi phí điều trị tốn kém.

Gánh nặng bệnh tật do bệnh truyền nhiễm

Theo Sở Y tế TP.HCM, trong tuần qua, số ca bệnh tay chân miệng trên địa bàn thành phố tiếp tục tăng nhanh, số ca mắc bệnh và nhập viện đều tăng gấp đôi so với trung bình 4 tuần trước. Bước vào mùa mưa, số ca mắc và nhập viện do bệnh sốt xuất huyết cũng bắt đầu gia tăng. Trong nửa đầu năm 2023, miền Nam ghi nhận 25.000 ca sốt xuất huyết và 7 ca tử vong do bệnh tay chân miệng, trong đó 5 ca tử vong xác định do virus EV71, còn 2 ca tử vong trên biến chứng lâm sàng chưa có kết quả.

Đã có 6 ca tử vong do sốt xuất huyết ở phía nam

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, tuy năm nay, số ca bệnh tay chân miệng không tăng nhiều như năm trước nhưng tỷ lệ chuyển biến nặng tăng lên.

“Nếu năm trước số ca bệnh nặng chỉ chiếm 1% trên tổng số mắc thì năm nay, tỷ lệ này dao động từ 3 - 5%. Có những ca bệnh diễn tiến rất nhanh, có những trường hợp mới sáng đi khám, chiều đã suy hô hấp tuần hoàn, phải lọc máu, thở máy”, bác sĩ Tiến chia sẻ.

Trong những ngày gần đây số ca sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng tăng lên. Trong 20 trẻ mắc bệnh thì có 4 trẻ phải nằm trong phòng hồi sức tích cực, lọc máu và thở máy.

Chuyên gia: Kỳ vọng sớm có vắc xin tay chân miệng, sốt xuất huyết tại Việt Nam - Ảnh 1.

Bé 6 tháng tuổi bị sốc sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố

M.T

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM, cho biết qua hàng chục năm làm việc tại khoa Nhiễm ông đã chứng kiến rất nhiều ca bệnh nặng do bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, sốt xuất huyết gây ra. Chi phí để điều trị một ca bệnh là rất tốn kém, nhiều hơn so với thuỷ đậu, sởi.

"Không có cách nào khác để giải quyết vấn đề này ngoài vắc xin. Hiện các nước lân cận đều đã có vắc xin tay chân miệng, sốt xuất huyết nhưng tại Việt Nam vẫn chưa có. Tôi rất mong chờ", ông Khanh chia sẻ tại tọa đàm Bảo quản vắc xin an toàn - Bạn biết gì về vắc xin tổ chức ngày 29.6 vừa qua.

Mong sớm có vắc xin

Theo PGS.TS Phạm Quang Thái, Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Hà Nội), thời gian gần đây bệnh tay chân miệng gia tăng, việc đưa vắc xin phòng ngừa cũng là phù hợp. Tuy nhiên ông kỳ vọng các đơn vị vắc xin dịch vụ có thể sớm đưa vắc xin về Việt Nam. Còn đối với chương trình tiêm chủng mở rộng thì hiện còn rất nhiều khó khăn.

Chuyên gia: Kỳ vọng sớm có vắc xin tay chân miệng, sốt xuất huyết tại Việt Nam - Ảnh 2.

Bác sĩ khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 chăm sóc bệnh nhi mắc tay chân miệng

NHẬT THỊNH

Đối với vắc xin sốt xuất huyết, theo ông Thái trước đây từng có một loại do hãng dược Pháp sản xuất. Tuy nhiên, khi đánh giá thì vắc xin này không đạt miễn dịch ổn định, không sinh miễn dịch với tất cả chủng virus dengue, cụ thể là tuýp 2.

Theo ông Thái, một loại vắc xin sốt xuất huyết mới cũng đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng tại Nhật Bản. Đây là vắc xin triển vọng, ông kỳ vọng có nhiều khả năng sẽ được phê duyệt.

ThS.BS Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết dân số tại TP.HCM đông nhất cả nước, do đó số ca bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng hàng năm cũng ở con số rất cao. Do đó công tác phòng chống những bệnh này trong cộng đồng luôn duy trì thường xuyên và liên tục, đặc biệt trong những đợt cao điểm của bệnh.

Hiệu quả của vắc xin là rất lớn trong phòng bệnh và giảm mức độ nặng nếu chẳng may mắc bệnh. Bà cũng ủng hộ có vắc xin mới phòng bệnh truyền nhiễm sẽ được Bộ Y tế cấp phép. Đồng thời tăng cường, giám sát công tác tiêm chủng trong các chương trình tiêm chủng, đảm bảo an toàn.

Bà Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc cung ứng Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, cho biết hiện trên thế giới có rất nhiều loại vắc xin mà Việt Nam chưa có, điều này cũng rất thiệt thòi cho người dân. Ngoài ra, một loại vắc xin trước khi được đưa ra thị trường thương mại phải trải qua rất nhiều giai đoạn nghiên cứu, thử nghiệm khác nhau.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng là một trong các quốc gia ưu tiên trên bản đồ vắc xin. Đối với vắc xin sốt xuất huyết và tay chân miệng đang được xem xét.

Đặc biệt, tại cuộc họp trực tuyến khẩn với 20 tỉnh, thành phố phía nam về phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng ngày 23.6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết vừa có tin mừng là đã có công ty sản xuất vắc xin phòng bệnh tay chân miệng gửi hồ sơ đăng ký đến Cục Quản lý dược. Hy vọng từ nay đến cuối năm vắc xin này được cấp phép.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.