Bệnh tay chân miệng nặng gia tăng, nhiều bệnh viện thiếu thuốc điều trị

25/06/2023 04:11 GMT+7

Tại ĐBSCL, số ca bệnh tay chân miệng nặng ở trẻ em gia tăng đáng ngại, trong khi nguồn thuốc đặc trị đã cạn kiệt, gây nhiều khó khăn cho công tác điều trị và thiệt thòi cho bệnh nhân.

Chiều 24.6, ghi nhận của PV Thanh Niên tại khoa Nhiễm, Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP.Cần Thơ (nơi tiếp nhận bệnh nhi cả ĐBSCL), số lượng bệnh nhi bị tay chân miệng (TCM) đang nằm viện điều trị đã lên tới 103 ca, tăng 23 ca so với tuần trước. Đáng ngại là số ca nặng nhập viện tại BV này tăng đột biến so với năm 2022. Cụ thể, từ đầu năm đến nay có 9 ca độ 3, độ 4; trong đó có 5 ca phải chuyển lên tuyến trên ở TP.HCM, 2 ca độ 4 tử vong. Trong khi đó, cả năm 2022 chỉ có 8 ca TCM độ 3, không có ca tử vong.

Bệnh tay chân miệng nặng gia tăng, nhiều bệnh viện thiếu thuốc điều trị - Ảnh 1.

Bác sĩ BV Nhi đồng TP.Cần Thơ thăm khám bệnh nhi mắc tay chân miệng

ĐÌNH TUYỂN

Cũng theo thống kê tại BV Nhi đồng TP.Cần Thơ, hơn 6 tháng đầu năm nay, số ca TCM điều trị nội trú tại BV này đã lên tới 834 ca. Bác sĩ (BS) Phước Thịnh, trực tại khoa Nhiễm của BV, cho biết hiện tại mỗi ngày có từ 20 - 25 ca mắc mới nhập viện. Vì thế, BV phải kê thêm giường ngoài hành lang để bệnh nhi nằm điều trị, việc phải nằm ghép là khó tránh khỏi.

Cũng theo BS Phước Thịnh, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn thuốc điều trị TCM Immunoglobulin thanh toán theo BHYT đã cạn kiệt, do hết thầu và vẫn đang phải chờ làm thủ tục đấu thầu. BV đã phải tìm nguồn thuốc của bên thứ 3 để điều trị cho bệnh nhân. Nhiều trường hợp bệnh nhi nặng buộc phải truyền thuốc, BV phải giải thích cho gia đình bệnh nhi về việc họ phải tốn thêm chi phí để điều trị mà lẽ ra BHYT sẽ thanh toán cho họ.

Hơn 11.000 ca mắc, 7 ca tử vong do bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng do EV71 dễ gây biến chứng não

Hai nhóm tác nhân gây bệnh TCM thường gặp là Coxsackievirus A16 (CA16) và Enterovirus 71 (EV71). Trong khi các trường hợp nhiễm CA16 thường biểu hiện bệnh nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà, thì EV71 gây bệnh nặng hơn với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn và có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

6 tháng đầu năm nay, BV Nhi T.Ư (Hà Nội) tiếp nhận hơn 1.200 trẻ mắc bệnh TCM đến khám với gần 500 trẻ phải nhập viện điều trị, trong số đó có 20 - 30% trường hợp nhiễm chủng EV71.

Có 2 biến chứng thường gặp với bệnh TCM là biến chứng thần kinh và biến chứng suy hô hấp, suy tuần hoàn. Tuy nhiên, năm nay các BS tiếp nhận nhiều trẻ biến chứng thần kinh hơn, trong đó điển hình nhất là viêm não.

Nhận biết sớm bệnh TCM ở trẻ: Bệnh thường bắt đầu với triệu chứng sốt, kém ăn, khó chịu và đau họng. Từ 1 - 2 ngày sau khi bị sốt, các nốt mụn lở xuất hiện trong miệng gây đau rát. Ban đầu là những nốt phồng rộp màu đỏ và thường phát triển thành các vết loét. Các vết loét này chủ yếu ở trên lưỡi, lợi và bên trong má. Trẻ có thể có phát ban không ngứa xuất hiện trong 1 - 2 ngày với các tổn thương màu đỏ phẳng hoặc gồ lên, một số kèm theo bọng nước. Phát ban thường tập trung nhiều trong lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân; cũng có thể xuất hiện ở mông và/hoặc ở cơ quan sinh dục. Tuy nhiên, bệnh nhi cũng có thể không có triệu chứng điển hình hoặc có thể chỉ bị phát ban hoặc loét miệng.

Trẻ mắc TCM được đánh giá là nặng khi có các biểu hiện sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt; mệt mỏi, không chơi, bỏ ăn, ngủ nhiều, lơ mơ; giật mình nhiều (từ 2 lần trở lên trong 30 phút); vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc ở tay, chân; thở nhanh, thở bất thường: ngưng thở, thở nông, rút lõm ngực, khò khè; run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng.

Do bệnh TCM chuyển biến nhanh, khó lường nên khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng, từ đó kịp thời điều trị.

Nam Sơn

Tương tự, ở Đồng Tháp, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh này cũng đã ghi nhận 902 ca mắc TCM từ đầu năm đến nay, trong đó có 1 ca tử vong. Còn tại An Giang, khoảng 1 tháng nay, số ca mắc TCM tăng nhanh với 90 ca mới mỗi tuần, vượt ngưỡng dự báo dịch. Tổng cộng từ đầu năm, tỉnh An Giang đã ghi nhận 600 ca mắc TCM, trong đó có 1 bệnh nhi TCM chuyển từ Đồng Tháp qua An Giang đã tử vong.

Ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế An Giang, cho biết: "Hiện nay, cũng như nhiều địa phương khác, An Giang chủ yếu thiếu thuốc hỗ trợ điều trị bệnh TCM nặng Immunoglobulin, dự kiến đến đầu tháng 7.2023 mới có thuốc. Sở đã yêu cầu các đơn vị y tế rà soát các nguồn lực, củng cố hoạt động điều trị và dự trù thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư y tế đảm bảo kịp thời thu dung, điều trị người bệnh TCM".

Sở Y tế nói về dự báo TP.HCM thiếu thuốc điều trị bệnh tay chân miệng

Khẩn trương phòng chống tay chân miệng, sốt xuất huyết

Theo Viện Pasteur TP.HCM, đối với dịch bệnh TCM, từ đầu năm 2023 đến nay, 20 tỉnh, thành phía nam đã có hơn 11.000 ca mắc và 7 ca tử vong.

Riêng tại TP.HCM, từ đầu năm đến nay đã có 3.432 ca mắc TCM. Hiện tại, các BV trên địa bàn TP đang điều trị 184 ca, 100% số ca mắc có độ tuổi dưới 6 tuổi. Trong số này có 16 ca nặng (8 ca tại BV Nhi đồng 1, 2 ca tại BV Nhi đồng 2, 6 ca tại BV Nhi đồng Thành phố), trong đó có 1 ca có địa chỉ tại TP.HCM.

Về sốt xuất huyết, tính từ đầu năm 2023 đến nay, 20 tỉnh, thành phía nam có hơn 25.000 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 6 ca tử vong. Tại TP.HCM, từ đầu năm đến nay đã có 8.485 ca mắc sốt xuất huyết nhập viện điều trị. Các BV tại TP đang điều trị 109 ca, trong đó có 14 ca nặng (6 ca có địa chỉ tại TP.HCM), 1 ca đang thở máy xâm lấn.

Theo thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, các địa phương khi đã có kế hoạch, nếu chưa hoặc đang trình phê duyệt, đề nghị tham mưu UBND tỉnh khẩn trương phê duyệt kinh phí để triển khai hoạt động phòng, chống dịch một cách chủ động.  

Duy Tính

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, thông thường, một bệnh nhi cân nặng 10 kg, nếu mắc TCM tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh (từ độ 2b nhóm 2 trở lên) sẽ phải truyền 1 - 2 liều thuốc đặc hiệu như Phenobarbital, Immunoglobulin. Mỗi liều truyền là 5 lọ thuốc, với chi phí gần 30 triệu đồng. Trong lúc chờ các địa phương làm thủ tục đấu thầu, gia đình bệnh nhi đang chịu nhiều thiệt thòi khi phải gánh chi phí thuốc điều trị trên. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.