Chân dung Thủ khoa Nghĩa qua những tư liệu mới phát hiện:

Bước quan lộ của cụ Thủ khoa

14/12/2023 07:21 GMT+7

Các nhà nghiên cứu tiểu sử cụ Thủ khoa có quan điểm khá khác nhau về chức vụ đầu tiên mà cụ được nhận sau kỳ thi năm 1835.

Nguyễn Văn Nghĩa nói rằng: Sau khi đậu Cử nhân không lâu, "cụ được chiếu chỉ sai đi nhậm chức tri-huyện ở phủ Phước-long, tỉnh Biên-hòa". Nhưng Lương Văn Lựu và Nguyễn Văn Hầu đều cho biết cụ từng được giữ lại làm tập sự ở bộ Lễ. Điều này khá phù hợp với các sử liệu triều Nguyễn về việc thu dùng các học trò tham dự khoa thi năm đó.

Hành tẩu ở bộ Lễ

Đại Nam hội điển sự lệ chép rằng năm đó (1835), vua Minh Mạng ban dụ cho bộ Lễ, bảo họ nói với các Cử nhân vừa thi rớt kỳ thi Hội rằng: "Đã là Hương cống đáng nên ở lại Kinh mà học tập chính sự để nhà nước dùng, không được đem lòng chán bỏ, toan lo sự an nhàn, có ý phụ công gây dựng, nên do bộ Lại sai họ làm Hành tẩu 6 bộ, để cho kịp thời gia sức". Điều thú vị là Trực Thần Nguyễn Trung Ngôn (1943) có kể lại rằng lúc vào chầu vua Minh Mạng, cụ Thủ khoa có xin được về học lại, "đến khoa sau ra ứng thí rồi sẽ lãnh tước phục triều đình". Vua Minh Mạng cho rằng cụ có ý không muốn phục vụ mình nên bắt tội và bắt cụ "giữ ngự điền" trong ba ngày, rồi mới cho vinh quy. Tuy nhiên, Nguyễn Trung Ngôn còn dẫn lời cụ đốc Trương - "một danh Nho đồng thời với cụ Thủ khoa" - nói rằng lúc ở Huế, vì có giọng tốt nên cụ Thủ khoa được cử xướng lễ trên đàn Nam Giao. Kỳ thi Hội diễn ra vào mùa hạ trong khi lễ tế Giao diễn ra vào mùa xuân. Vì vậy, nếu cụ Thủ khoa có xướng lễ Nam Giao thật thì chí ít phải đợi đến đầu năm 1836 mới có dịp. Điều này khiến ta nghĩ rằng cụ phải ở lại Huế và đã làm việc ở bộ Lễ, đúng như hai ngài Lương Văn Lựu và Nguyễn Văn Hầu cho biết.

Bước quan lộ của cụ Thủ khoa - Ảnh 1.

Tranh minh họa vua Minh Mạng trong ấn phẩm của người Pháp năm 1835

Tư liệu

Cũng theo lời cụ đốc Trương, trong cuộc lễ Nam Giao đó, đến lượt lễ thứ nhì, cụ Thủ khoa lại xướng nhầm thành "sơ hiến lễ" (dâng lễ lần thứ nhất). Vua Minh Mạng nghe thấy thì liếc mắt trách móc Thượng thư bộ Lễ. Cụ Thủ khoa biết mình nhầm, liền xướng luôn "sơ hiến lễ … dĩ thành, thỉnh hành á hiến lễ" (dâng lễ lần thứ nhất … đã xong, xin tiến hành dâng lễ lần thứ hai). Vua Minh Mạng sau đó đã thưởng cho cụ một nén vàng "về cái tài bạt-thiệp".

Việc dùng Cử nhân làm Hành tẩu đã có từ năm 1820. Thời Minh Mạng, chưa có quy định về niên hạn giữ chức vụ ấy. Năm 1834, vua Minh Mạng ra lệnh cho Hành tẩu được hưởng hằng tháng 1 quan tiền, 1 phương gạo. Hành tẩu là bước đệm cho các Cử nhân tiến vào quan trường, nếu làm tốt sẽ được đề cử giữ những chức vụ khác. Một con đường khác là được gửi về các địa phương để giúp việc với tư cách là "hậu bổ" (chờ bổ nhiệm). Khi nào chức Tri huyện, Huyện thừa có khuyết thì địa phương sẽ chọn họ "quyền thự" (tạm giữ) các chức ấy, rồi sau một thời gian sẽ tiến hành đánh giá kết quả công việc để cân nhắc cho người ấy "thực thụ" chức vụ.

Từ Phước Long sang Trà Vinh

Nguyễn Văn Nghĩa lại nói rằng chức vụ đầu tiên của cụ Thủ khoa sau khi thi đỗ là "nhậm chức tri huyện ở phủ Phước-long, tỉnh Biên-hòa", ít lâu sau lại được "thuyên bổ đi trấn-nhậm phủ Trà-vang (Trà-vinh), tỉnh Vĩnh-long". Nguyễn Trung Ngôn thì cho biết chức vụ đầu tiên của cụ là tri phủ Phước Long. Ông giải thích: "Nhờ tài cao học rộng, được triều-đình để ý, bước đầu tiên cụ đã vượt bực (lẽ ra thì cụ chỉ được bổ tri-huyện)". Vì thanh liêm, chính trực, luôn chống đối với kẻ bề trên, nên chỉ ít lâu sau cụ bị gièm pha, "phải truất xuống chức tri huyện và thuyên bổ đi trấn huyện Trà-vang, tỉnh Long-hồ (bây giờ là Trà-vinh) dưới quyền quan tổng-đốc Trương-văn-Uyển và bố-chánh Truyện". Lời của Nguyễn Trung Ngôn khá khó tin, vì việc bổ một Cử nhân làm Tri phủ là trái với thông lệ. Tri phủ là chức quan trọng, khi khuyết thường chọn người từng làm Tri huyện để bổ nhiệm. Quốc triều hương khoa lục chỉ ghi nhận cụ "làm quan Tri huyện". Không loại trừ việc cụ nhận chức ở Phước Long chỉ là thí sai hoặc quyền thự Tri huyện, mà chức Tri huyện ở Trà Vinh mới là thực thụ.

Đại Nam thực lục có một ghi chép xác nhận thời điểm cụ làm Tri huyện ở Trà Vinh. Tháng mười năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), sách này chép: "Tỉnh Vĩnh Long có đạo trưởng người Tây dương gọi là Phó giám mục Đô-ni-my-cô ẩn nấp ở huyện Tân Minh (địa hạt tỉnh Vĩnh Long) bị quan quân bắt được, sai giải giao bộ Hình trị tội. Lãnh binh Nguyễn Văn Phương, Tri huyện Trà Vinh Bùi Hữu Nghĩa, vì có công bắt được, đều được thưởng ngân tiền Phi Long hạng lớn". Đây chính là vụ bắt giữ Giám mục Dominique Lefèbvre (1810 - 1865) ngày 31.10.1844. Giám mục Lefèbvre bị trục xuất sang Singapore vào năm 1845, nhưng sau đó nhanh chóng quay trở lại Nam kỳ.

Từ mốc 1844, lần giở lại lịch sử thì thấy, tháng 3 nhuận năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), Tri huyện Trà Vinh là Huỳnh Hữu Quang - người bạn đỗ cùng khoa với cụ Thủ khoa - tử trận trong một trận giao chiến với quân nổi dậy Lâm Sâm. Phải đến tháng 6 âm lịch cùng năm, quân triều đình mới tái chiếm huyện Trà Vinh. Như vậy, cụ Thủ khoa chỉ có thể nhận chức Tri huyện ở đó từ nửa cuối năm 1841 trở về sau. Không rõ cụ giữ chức vụ đó đến khi nào. Chỉ thấy Đại Nam thực lục vào cuối tháng chạp năm Tự Đức thứ 5 (1852) chép việc một Tri huyện Trà Vinh khác là Phan Đắc Thông bị bãi chức. Theo các truyền khẩu, cụ Thủ khoa rời chức Tri huyện Trà Vinh không phải vì đổi công tác khác, mà vì dính vào một vụ rắc rối lớn. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.