Chân dung Thủ khoa Nghĩa qua những tư liệu mới phát hiện

Cụ Thủ khoa Nghĩa… tên gì?

11/12/2023 07:11 GMT+7

"Đồng Nai có bốn rồng vàng. Lộc họa, Lễ phú, Sang đàn, Nghĩa thi". Người thứ tư trong số bốn rồng vàng đó chính là cụ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Tài hoa và đức hạnh của cụ đã lưu dấu trên đất Nam Kỳ, với bao tên đường, tên trường học. Nhưng tiểu sử cụ vẫn còn nhiều điều chưa được hậu thế biết đến, hoặc còn lẫn lộn trong màn sương mờ giữa truyền khẩu và chính sử.

Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa tự là Nghi Chi, hiệu là Liễu Lâm chủ nhơn, sinh năm Đinh Mão (1807), niên hiệu Gia Long thứ sáu, ở làng Bình Thủy, H.Vĩnh Định (nay thuộc TP.Cần Thơ). Những thông tin cơ bản đó về tiểu sử của cụ Thủ khoa Nghĩa chắc mọi người đều dễ dàng tra cứu được. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ: liệu ta có đọc đúng tên cụ hay chăng?

Cụ Thủ khoa Nghĩa… tên gì ? - Ảnh 1.

Gia Định báo năm 1868 đăng về việc thực dân Pháp phóng thích Bùi Hữu Ngãi

TƯ LIỆU

Sử liệu VN thời phong kiến viết bằng chữ Hán. Một chữ Hán thường khi lại có nhiều âm đọc, ví dụ: Huỳnh - Hoàng, Phúc - Phước, Vũ - Võ, Chu - Châu, An - Yên, Bình - Bằng... Chữ Hán là văn tự tượng hình, khi chuyển sang chữ Quốc ngữ là văn tự ký âm, rõ ràng sẽ có một độ chênh nhất định. Người dịch thuật chỉ đành làm theo trái tim mách bảo, hoặc đưa ra những quy tắc nhất định bằng cách chọn âm đọc theo vùng miền. Như tên bà vợ quan Thượng công Lê Văn Duyệt, sử ghi là 杜氏忿 , phiên âm là Đỗ Thị Phẫn. Nhưng các thành viên Ban Quý tế trong sách Kỷ niệm 200 năm sanh nhựt Đức Tả quân và 50 năm thành lập Hội Thượng công Quý tế ấn hành năm 1964 lại chủ trương nên đọc theo giọng miền Nam là "Đỗ Thị Phận" mới đúng. Lại nữa, thời Tây Sơn có một Đô đốc tên 鄧進暕, nhưng sử gia lại tranh biện với nhau xem nên phiên âm theo như cách con cháu trong dòng họ ấy gọi là "Đặng Tiến Đông", hay theo sách từ điển mà gọi là "Đặng Tiến Giản". Tên phố Đặng Tiến Đông ngày nay là theo cách gọi trong dòng họ Đặng. Các bậc tiền bối đã đề xuất như thế thì chúng ta cũng chỉ biết như thế, chứ chưa có cách nào biện biệt được.

Cụ Thủ khoa Nghĩa… tên gì ? - Ảnh 2.

Quốc triều hương khoa lục ghi chép về cụ Thủ khoa

TƯ LIỆU

May mắn là đến khoảng thế kỷ 17 trở về sau, bắt đầu xuất hiện những văn bản viết bằng chữ Quốc ngữ. Nhờ đó, ta biết được âm đọc của một số nhân danh và địa danh thời đó nên chọn dùng âm nào mới đúng. Ví dụ như tên phủ 長安 ở Ninh Bình xưa, theo từ điển thì đọc là phủ Trường An. Các nhà dịch thuật văn bản lịch sử thường đọc là phủ Trường Yên. Nhưng căn cứ vào bảng kê địa danh do Bento Thiện viết hồi năm 1653 thì phủ đó phải gọi là phủ Tràng An mới đúng. Lại như tên tỉnh 潘安 mà sử sách hiện nay hay dịch là Phiên An, nhưng trong từ điển của giáo sĩ Taberd in năm 1838 cũng như trong An Nam đại quốc họa đồ đính kèm sách ấy đều ghi là Phan Yên. Nhiều báo chí châu Âu xuất bản những năm đó cũng đều đọc là Phan Yên. Nhưng tên tỉnh 安江 cùng thời thì các nguồn tài liệu đã nói ở trên lại đọc là An Giang. Cùng một chữ 安, trên cùng địa bàn Nam Kỳ lục tỉnh mà lúc đọc An, lúc đọc Yên.

Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa cũng là một trường hợp như thế. Quốc triều hương khoa lục chép tên chữ Hán của cụ là 裴有義, phiên âm là Bùi Hữu Nghĩa. Nhưng Ca trù thể cách của Paulus Của in năm 1907 lại có chép bài "văn Thủ khoa Ngải tế vợ". Trong loạt bài báo Lữ thứ vấn đáp hí sự năm 1921, khi nhắc đến tác giả tuồng Kim thạch kỳ duyên, Nguyễn Kim Đính cũng gọi ông là "Thủ-khoa Ngải". Người miền Nam lại có thói quen đọc chữ Nghĩa là chữ Ngãi. Cụ Thủ khoa sinh vào thời Gia Long, mất vào thời Tự Đức, tên cụ hẳn phải đọc là Bùi Hữu Ngãi mới đúng.

Ngày nay chúng ta còn giữ được một tư liệu giúp minh xác vấn đề này. Gia Định báo số ra ngày 15.4.1868 có đăng mẩu tin: "Quan Nguyên soái tha hai người khỏi tù là Bùi-hữu Ngãi, sáu mươi mốt tuổi, ở làng Bình Thủy (Sa Đéc), Bùi hữu Lộc, năm mươi bảy tuổi, cũng ở một làng". Không khó để nhận ra Bùi Hữu Ngãi sáu mươi mốt tuổi (tức sinh năm 1807) ở làng Bình Thủy (bấy giờ thuộc về hạt Sa Đéc) chính là Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Đây là văn bản hiếm hoi, rất quý, giúp chúng ta biết được phải gọi đúng tên cụ là gì.

Chúng ta không biết từ bao giờ người ta đổi gọi cụ là Bùi Hữu Nghĩa. Từ năm 1909, Nguyễn Liên Phong in cuốn Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca đã gọi cụ là Bùi Hữu Nghĩa. Năm 1936, trên báo Tân Văn có bài báo của Phan Văn Thiết phỏng vấn người em vợ cụ Thủ khoa. Người em vợ này xưng tên là Lưu Văn Tàu, 69 tuổi (tức sinh năm 1867), bấy giờ đang sống trên một chiếc ghe đậu ở một con mương gần cầu Ngã Tư, Chợ Mới, Bình Thủy. Trong bài báo thuật lại cuộc phỏng vấn, Phan Văn Thiết và Lưu Văn Tàu đều gọi cụ là Bùi Hữu Nghĩa. Điều còn băn khoăn là ông Lưu Văn Tàu xưng: "Lúc ngài ở Tịnh-biên tôi còn nhỏ lắm, không biết chi… Sau khi ngài về Bình-thũy (Thủy - NV) ít lâu, lúc ấy tôi được 14-15 tuỗi (tuổi - NV), khi tôi theo ngài mà học". Có điều, nếu đúng thật Lưu Văn Tàu năm đó 69 tuổi thì khi cụ Thủ khoa về Bình Thủy, ông này chỉ mới 1 - 2 tuổi mà thôi. Lúc cụ Thủ khoa ở Tịnh Biên, ông Lưu Văn Tàu còn chưa ra đời. Khi cụ Thủ khoa mất (1872), Lưu Văn Tàu mới được 5 tuổi. Từ đó về sau, hẳn ít người còn nhắc tên húy cụ Thủ khoa. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.