Chân dung Thủ khoa Nghĩa qua những tư liệu mới phát hiện

Cụ Thủ khoa và binh biến thành Phan Yên

13/12/2023 07:29 GMT+7

Trong lúc cụ Thủ khoa ngóng đợi khoa thi kế tiếp vào năm 1834 thì giữa năm 1833, cuộc binh biến nổ ra ở thành Phan Yên rồi nhanh chóng lan khắp Lục tỉnh Nam Kỳ. Tỉnh Biên Hòa là nơi thất thủ kế tiếp. Vào cuối tháng 5 âm lịch (1833), quân nổi dậy chiếm được tỉnh lỵ.

Trong cuộc biến loạn Phan Yên

Các quan địa phương Biên Hòa nhận được viện binh từ tỉnh Bình Thuận gửi tới. Đầu tháng 6 âm lịch (1833), họ đánh bật quân nổi dậy và tái chiếm tỉnh lỵ Biên Hòa. Quân nổi dậy phản công vào cuối tháng 6, một lần nữa đánh bại quân triều đình và chiếm đóng tỉnh lỵ. Làng Mỹ Chánh nơi cụ Thủ khoa trọ học nằm ngay cạnh con đường hành quân qua lại của quân nổi dậy. Cụ Thủ khoa đã sớm có lựa chọn cho bản thân, không tách mình khỏi biến động của thời cuộc mà đã sớm lăn xả vào đó.

Tháng 7 âm lịch (1833), viện binh triều đình của đạo Thảo Nghịch Hữu tướng quân từ Huế kéo vào, tiến chiếm lại khu vực dịch trạm Biên Long của tỉnh Biên Hòa (nay là khu vực thị xã Bà Rịa). Trong lúc chờ tích tụ binh lực để tấn công tỉnh lỵ, tướng quân Phan Văn Thúy cùng các Tham tán Trương Minh Giảng, Hoàng Đăng Thận tìm cách bắt liên lạc với các lực lượng ở miền Tây Nam Kỳ. Theo Khâm định tiễu bình lưỡng kỳ nghịch phỉ phương lược chính biên, họ đã phái Thị vệ Tôn Thất Duyên đi cùng Tú tài Bùi Hữu Nghĩa, nhiệm tử (cách gọi con quan được tập ấm) Lê Bá Hùng theo đường biển đi Vĩnh Long và Định Tường. Họ mang theo 4 đạo chỉ dụ do bộ Binh sao lục. Trong đó, 2 đạo chỉ dụ nói về việc Lê Duy Lương (người mà Lê Văn Khôi tuyên bố tôn phò) đã bị quân triều đình bắt; 2 đạo khác nói về việc cho phép tàn quân của Tổng đốc Long Tường là Lê Phúc Bảo được lập công chuộc tội.

Cụ Thủ khoa và binh biến thành Phan Yên - Ảnh 1.

Thành Phan Yên trong bản đồ của Dayot

Tư liệu

Thực ra bấy giờ Lê Phúc Bảo đã bị quân nổi dậy bắt đưa về thành Phan Yên. Tình hình ở miền Tây có nhiều thay đổi. Trung quân Thái Công Triều của quân nổi dậy đã làm phản biến, đưa quân từ Châu Đốc tấn công ngược về Phan Yên. Các tỉnh Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên đã được lực lượng dân binh địa phương chiếm lại. Tổng đốc An Hà là Lê Đại Cang từ Cao Miên đã quay về, tổ chức lại bộ máy cai trị và đưa quân tới hướng Phan Yên tiếp viện cho Thái Công Triều.

Tú tài Bùi Hữu Nghĩa cùng Thị vệ Tôn Thất Duyên, nhiệm tử Lê Bá Hùng nhanh chóng bắt liên lạc được với các quan ở miền Tây. Ba người thu thập 4 tờ tư văn của Tổng đốc An Hà là Lê Đại Cang, Án sát Vĩnh Long là Doãn Uẩn, thự phủ Định Tường là Tô Trân, Án sát Định Tường là Ngô Bá Tuấn, và tờ tư văn của Thái Công Triều. Trong đó, các quan viên này thông báo tình hình các tỉnh bị thất thủ, nhưng đã chiếm lại được; Lê Đại Cang, Ngô Bá Tuấn và Thái Công Triều đã lần lượt tiến đánh Phan Yên.

Cụ Thủ khoa và binh biến thành Phan Yên - Ảnh 2.

Sách viết về tiểu sử cụ Thủ khoa do Nguyễn Văn Nghĩa soạn, in năm 1936

Tư liệu

Đầu tháng 8 âm lịch (1833), Tôn Thất Duyên, Bùi Hữu Nghĩa và Lê Bá Hùng quay lại quân thứ Biên Hòa để báo cáo. Lúc này các Tham tán Trương Minh Giảng, Hoàng Đăng Thận đã chiếm lại Biên Hòa và đóng quân ở bến đò Bình Đồng trên hướng đường cái quan dẫn tới Phan Yên. Nhận được tin báo do nhóm cụ Thủ khoa đem về, đồng thời công tác chuẩn bị đã xong, họ liền vượt sông, tiến về vây bức thành Phan Yên.

Chúng ta không còn biết được thông tin gì về hoạt động của cụ Thủ khoa trong giai đoạn kế tiếp. Nhưng báo cáo của các quan lại bao vây Phan Yên nói rằng có nhiều sĩ nhân Gia Định tham gia giúp các việc giấy tờ ở quân thứ. Năm 1834 đáng lý là năm có khoa thi Hương, nhưng vì tình hình chiến sự nên trường thi Gia Định không tổ chức được. Sĩ tử Gia Định phải phụ thí (thi nhờ) ở trường thi tại Huế, nhưng chỉ có vài người có điều kiện lặn lội xa xôi đến thế.

Đỗ Thủ khoa và thi Hội

Sau khi đánh bại quân nổi dậy, chiếm lại thành Phan Yên, vua Minh Mạng quyết định tổ chức một trường thi riêng cho tỉnh Gia Định vào tháng 2 năm Ất Mùi (1835). Quốc triều hương khoa lục cho biết khoa này trường Gia Định có 9 người thi đỗ. Người đỗ đầu là Bùi Hữu Ngãi, người Bình Thủy, huyện Vĩnh Định. Tám người còn lại là Nguyễn Văn Viện, Hồ Văn Quang, Đỗ Chí Thành, Lý Phong, Trần Vân Long, Nguyễn Duy Nhứt, Lê Hưng Nhơn và Huỳnh Hữu Quang.

Người em vợ của cụ Thủ khoa là Lưu Văn Tàu năm 1936 có kể lại: "Ngài cũng hay nói việc trước cho tôi nghe. Như hồi thi rồi, người ta xướng danh ngài đầu hết, ngài nói ngài nghe, mà ngài không thèm lên tiếng, cố ý đễ (để - NV) cho người ta kêu nhiều lần cho thiên hạ biết tên. Ngài nói với tôi rằng người ta kêu "Long-tuyền Bùi-hữu-Nghĩa" thì chắc ngài là người Long-tuyền".

Cố học giả Nguyễn Văn Hầu nói cụ Thủ khoa từng đi thi Hội, nhưng không đỗ. Trực Thần Nguyễn Trung Ngôn cũng nói sau khi đỗ Giải nguyên kỳ thi Hương thì "năm sau" cụ ra Huế thi Hội nhưng không đỗ. Chữ "năm sau" là không đúng, vì kỳ thi Hội được tổ chức vào tháng 5 âm lịch cùng năm (1835). Cụ Thủ khoa chắc đã tham dự kỳ thi này. Đại Nam hội điển sự lệ quyển 106, mục "Thi Hội không đỗ" năm 1835 còn ghi lại chỉ dụ của vua Minh Mạng bảo bộ Lễ khuyên các sĩ tử thi rớt "từ Trần Văn Gia đến Huỳnh Hữu Quang cả thảy 20 người" nên ở lại bộ "học tập chính sự", trừ Lý Phong xin về nuôi mẹ thì cho về. Trần Văn Gia đỗ thi Hương trường Thừa Thiên năm 1834; Lý Phong, Huỳnh Hữu Quang cùng đỗ trường Gia Định với cụ Thủ khoa. Họ đều theo lệ thi Hương xong thì thi Hội. Chắc cụ Thủ khoa cũng theo lệ ấy. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.