Bộ lạc bí ẩn và cái chết của du khách Mỹ

24/11/2018 07:20 GMT+7

Một trong những bộ lạc bí ẩn nhất thế giới trở thành tâm điểm chú ý của dư luận sau cái chết của một thanh niên Mỹ.

Theo tờ India Today ngày 23.11, nhà chức trách Ấn Độ đang hết sức đau đầu tìm cách thu hồi thi thể của du khách Mỹ gốc Hoa John Allen Chau, sống ở bang Washington, bị sát hại khi đặt chân đến đảo Bắc Sentinel thuộc quần đảo Andaman và Nicobar. Nằm trong vịnh Bengal thuộc đông bắc Ấn Độ Dương, hòn đảo này là nơi cư trú của bộ lạc Sentinel, được cho là sống biệt lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài trong nhiều thế kỷ qua.
[VIDEO] Nhà truyền giáo Mỹ bị thổ dân bộ lạc thời đồ đá sát hại
Cảnh sát trưởng Dependera Pathak, chịu trách nhiệm quản lý quần đảo Andaman và Nicobar, cho hay bất chấp lệnh cấm của chính quyền lẫn cảnh báo nguy hiểm, Chau đã thuê ngư dân địa phương chở mình đến đảo Bắc Sentinel hôm 16.11 với giá 325 USD (7,6 triệu đồng) nhằm mục đích truyền giáo. Khi đến cách đảo khoảng 800 m, người thanh niên 27 tuổi tự lái ca nô vào bờ. Tuy nhiên, một số thổ dân đã xuất hiện và hạ sát anh bằng cung tên. AFP dẫn lời nhân chứng khai họ đã thấy thổ dân cột dây vào thi thể Chau và kéo đi. Lực lượng an ninh Ấn Độ cho biết thêm thi thể nạn nhân được nhìn thấy vùi dưới cát hôm 20.11 và đến nay vẫn còn nằm ở đó.
Theo sĩ quan Deepak Yadav thuộc Cơ quan Điều tra hình sự Ấn Độ, nhà chức trách đang tìm mọi cách để thu hồi thi thể nhưng “đây là tình huống cực kỳ khó vì còn phụ thuộc vào bộ lạc cũng như thủ tục pháp lý”. Hiện cảnh sát đang tham vấn các nhà nhân chủng học và chuyên gia về chính sách người thiểu số để tìm giải pháp. Ngoài ra, nhà chức trách đã bắt giữ 5 ngư dân, 1 người bạn của Chau và 1 hướng dẫn viên địa phương vì đến hòn đảo khi chưa được cấp phép.
Bộ lạc bí ẩn  và cái chết của du khách Mỹ
Chau đăng ảnh lên Instagram lúc đi thuyền đến “đảo cấm” Ảnh: Instagram John Chau

Do bộ lạc Sentinel sống hoàn toàn biệt lập và rất thù địch với người bên ngoài nên hiện không có thống kê dân số chính thức trên đảo, chỉ ước tính từ 50 - 150 người. Sau thảm họa sóng thần ở Ấn Độ Dương vào năm 2004, thổ dân Sentinel đã cố dùng cung tên bắn hạ trực thăng của lực lượng tuần duyên Ấn Độ đến tìm cách đánh giá mức độ thiệt hại ở đây. Năm 2006, thổ dân Sentinel cũng đã sát hại 2 ngư dân Ấn Độ khi thuyền họ bị đứt neo trôi dạt vào đảo.
Theo giới chuyên gia, tổ tiên người Sentinel có thể đã di cư từ châu Phi đến đảo Bắc Sentinel vào khoảng 50.000 năm trước và hầu như không có bất cứ tiếp xúc nào với thế giới bên ngoài. Họ sống nhờ sản vật trên đảo cũng như đánh cá. Những cộng đồng khác sống trên các đảo thuộc Andaman và Nicobar cũng không bao giờ đến gần hòn “đảo cấm”.
“Chúng tôi không biết họ có bao nhiêu người và nói ngôn ngữ gì”, AP dẫn lời Chủ tịch Viện Ngôn ngữ Ấn Độ Anvita Abbi cho hay. Ngoài ra, do sống biệt lập quá lâu nên người Sentinel không có khả năng miễn dịch với những bệnh phổ biến như cúm và sởi. “Họ không có khả năng miễn dịch với bất cứ thứ gì. Bệnh thông thường như cúm cũng có thể giết chết họ”, theo Giáo sư P.C. Joshi tại Đại học Delhi (Ấn Độ). Chính vì thế, luật pháp Ấn Độ quy định người tộc Sentinel không thể bị khởi tố vì bất cứ tội gì và mọi liên lạc hay đặt chân lên đảo đều là bất hợp pháp, trừ khi được cấp phép đặc biệt. Thậm chí, việc tự ý quay phim và chụp ảnh người Sentinel cũng bị cấm với án phạt lên tới 3 năm tù giam, theo BBC.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.