4.500 tỉ đồng tăng vốn điều lệ VNCB đi về đâu?

17/01/2018 08:38 GMT+7

Các luật sư đã thẩm vấn đại diện Ngân hàng Xây dựng - CB Bank (VNCB sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại với giá 0 đồng) về việc 4.500 tỉ đồng tăng vốn điều lệ cho VNCB nay đã đi về đâu?

Ngày 16.1, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử vụ án “cố ý làm trái…” xảy ra tại các ngân hàng: Sacombank, BIDV, TPBank đối với Phạm Công Danh (52 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP xây dựng VN - VNCB, nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh - gọi tắt Tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (58 tuổi, nguyên Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch HĐTD Sacombank), Phan Huy Khang (45 tuổi, nguyên Tổng giám đốc Sacombank) và 43 đồng phạm, gây thiệt hại cho VNCB hơn 6.126 tỉ đồng.
Các luật sư (LS) đã thẩm vấn đại diện Ngân hàng Xây dựng - CB Bank (VNCB sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại với giá 0 đồng) về việc 4.500 tỉ đồng tăng vốn điều lệ cho VNCB nay đã đi về đâu? Liên quan khoản tiền này, bị cáo Danh đề nghị CB Bank hoặc NHNN trả lại cho bị cáo để khắc phục hậu quả vụ án.
Trả lời câu hỏi của các LS, đại diện CB Bank khẳng định từ ngày 14.2.2014 - 26.7.2014 (ngày khởi tố vụ án - PV), có khoảng 80.000 tỉ đồng đi vào tài khoản VNCB tại Sở Giao dịch NHNN. Đến cuối ngày 26.7.2014, có khoảng 81.000 tỉ đồng đi ra khỏi tài khoản VNCB, trong đó có 4.500 tỉ đồng tăng vốn điều lệ. Vì dòng tiền đi vào, đi ra quá lớn nên khi đã hòa chung thì không thể tính được 4.500 tỉ đồng sử dụng vào đâu. Hơn nữa, khi chốt sổ cuối năm 2014, VNCB chỉ còn khoảng 34 tỉ đồng thì cũng không ai tính được trong 34 tỉ đồng này có bao nhiêu thuộc số tiền 4.500 tỉ đồng trên.
“Toàn bộ số tiền trên là VNCB sử dụng, không phải cá nhân ông Danh sử dụng?”, LS hỏi; đại diện CB Bank trả lời: “Đúng vậy. VNCB sử dụng nhưng Danh lúc đó vẫn là Chủ tịch HĐQT của VNCB”. LS: “Theo nguyên tắc, khi NHNN không đồng ý tăng vốn điều lệ cho VNCB thì VNCB phải trả lại 4.500 tỉ đồng cho 22 cá nhân và 3 pháp nhân đại diện cho ông Danh đã gửi tiền vào?”; CB Bank: “Đến thời điểm này, không có câu chuyện những người này đòi lại tiền khoản tiền đấy (4.500 tỉ đồng - PV)”.
Do trả lời của đại diện CB Bank rằng “không thể tính được 4.500 tỉ đồng đã sử dụng vào khoản nào” khác với hồ sơ vụ án giai đoạn 1 khi chính CB Bank giải trình, cung cấp tài liệu với cơ quan điều tra về đường đi của dòng tiền 4.500 tỉ đồng, nên các LS của bị cáo Danh đề nghị HĐXX xem xét tài liệu, chứng cứ để thu hồi tiền về, hoặc cấn trừ thiệt hại trong giai đoạn này.
Trong diễn biến khác, được HĐXX triệu tập đến tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, ông Đặng Văn Thảo (trước đây là thành viên Thanh tra giám sát Ngân hàng VNCB) thừa nhận có cuộc họp yêu cầu VNCB tăng vốn điều lệ vào ngày 8.11.2013. “Sau đó, NHNN có thông báo sau cuộc họp. Thông báo có nhiều nội dung, trong đó có nội dung Tổ giám sát yêu cầu VNCB khẩn trương tăng vốn điều lệ theo nghị quyết đại hội cổ đông. Vì nếu không tăng vốn điều lệ thì nguy cơ VNCB phá sản”, ông Thảo nói.
Trước đó, vào ngày 12.1, trình bày trước HĐXX, hai bị cáo Phạm Công Danh và Phan Thành Mai khai tại cuộc họp ngày 8.11.2013 do lãnh đạo cơ quan thanh tra giám sát nhà nước chủ trì, NHNN yêu cầu VNCB phải tăng vốn điều lệ VNCB từ 3.000 tỉ đồng lên 7.500 tỉ đồng. Dù Danh nêu tại cuộc họp là VNCB đang rất khó khăn nên xin chia nhỏ các gói tăng vốn điều lệ nhưng NHNN không đồng ý. Danh cho rằng vì bị NHNN thúc ép nên dẫn đến hành vi phạm tội.
Ông Trần Bắc Hà nhập cảnh Singapore ngay trước ngày phiên tòa bắt đầu
Trước khi vào phần thẩm vấn, chủ tọa Phạm Lương Toản thông báo theo biên bản làm việc giữa thư ký tòa và người được ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV) ủy quyền là ông Nguyễn Hồng Dân vào sáng cùng ngày, ông Dân đã nộp cho HĐXX toàn bộ tài liệu liên quan đến khám chữa bệnh của ông Hà tại Singapore, có hợp pháp hóa Lãnh sự VN tại Singapore. Tài liệu ghi nhận ông Hà nhập cảnh Singapore ngày 7.1 và sẽ được HĐXX photocopy gửi đến đại diện Viện KSND TP.HCM.
Ngoài ra, văn phòng LS Trần Hải Đức (Đoàn LS TP.HCM) nộp đơn giới thiệu LS văn phòng tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Hà tại phiên tòa theo yêu cầu của ông này. Tuy nhiên, phiếu yêu cầu LS của ông Hà không thể hiện rõ việc mời LS có phải là ý chí của ông Hà hay không, nên chủ tọa không đồng ý đơn giới thiệu LS bảo vệ cho ông Hà của văn phòng LS trên.
Ông Trần Bắc Hà là người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án này, được Viện KSND tối cao đề nghị HĐXX điều tra công khai tại tòa về hành vi vi phạm cho vay tại BIDV, nếu có cơ sở thì xử lý theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, ông Hà có đơn xin xét xử vắng mặt vì đang điều trị bệnh tại Singapore.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.