Xung đột Nga-Ukraine đã thay đổi thế giới như thế nào?

13/06/2022 14:33 GMT+7

Nga đưa quân vào Ukraine đã hơn 100 ngày. Cuộc chiến tại một quốc gia có chủ quyền ở châu Âu trong 80 năm đã để lại nhiều dấu ấn với những tác động lan ra trên toàn thế giới .

Khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine vào ngày 24.2, đây là cuộc xung đột quy mô lớn đầu tiên ở châu Âu kể từ Thế chiến II, nằm ngoài sức tưởng tượng của nhiều người và gây ra nhiều tác động bất ngờ khắp thế giới.

Dòng người tị nạn khổng lồ

Kể từ khi Nga đưa quân vào, khoảng 6,8 triệu người đã di tản khỏi Ukraine, cùng với ít nhất 7,7 triệu người khác phải sơ tán đến nơi khác ở trong nước.

Theo Cơ quan Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), sau khi di tản sang các nước láng giềng, ít nhất 3 triệu người đã tiếp tục cuộc hành trình đến một nơi khác. Ba Lan là nước đón số lượng người tị nạn Ukraine lớn nhất, với trên 3,6 triệu người.

reuters

Khủng hoảng lương thực

Ukraine chiếm 15% lượng ngô và 10% lúa mì toàn cầu, sản xuất khoảng một nửa lượng dầu hướng dương trên thế giới. Xung đột đã cắt đứt các hoạt động xuất khẩu nói trên, trong khi Nga bị cáo buộc đang phong tỏa các cảng tại biển Đen của Ukraine.

Điều này gây ảnh hưởng lớn đến các nước phụ thuộc vào nhập khẩu ngũ cốc và dầu ăn của Ukraine, chẳng hạn như Ai Cập và Ấn Độ. Tuy nhiên, các hiệu ứng gợn sóng còn lan rộng hơn nhiều.

An ninh năng lượng

Vào tháng 3, Ủy ban châu Âu đã vạch ra ý định xóa bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2030, cũng như có kế hoạch cắt giảm đáng kể 2/3 việc sử dụng khí đốt của Nga vào cuối năm 2022.

reuters

Tuy nhiên, những điều nói trên không thể diễn ra nhanh chóng. Và nhu cầu cao đối với các nguồn năng lượng không phải của Nga đã khiến giá cả tăng vọt.

Tăng giá và lạm phát

Giá thực phẩm nói chung đang tăng vọt. Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), đo lường sự thay đổi hàng tháng về giá của một số hàng hóa lương thực, đã đạt mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 3.2022.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, lạm phát đã tăng hơn gấp đôi trên toàn thế giới trong năm nay kể từ tháng 3.2021. Tại khu vực đồng tiền chung châu Âu, lạm phát đã chạm mức kỷ lục vào tháng 5, lên tới 8,1%.

reuters

NATO phục hưng

Tổ chức NATO từng suy thoái đến mức Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào năm 2019 nói NATO đã chết não. Thế nhưng xung đột ở Ukraine đang khiến liên minh quân sự mạnh nhất thế giới này giành lại vai trò trung tâm.

NATO đã cung cấp vũ khí và thiết bị cho Ukraine, nhưng từ chối yêu cầu của Tổng thống Volodymyr Zelensky về việc áp đặt vùng cấm bay trên lãnh thổ nước này. Hiện tại, NATO vẫn đang tiếp tục can dự vào chiến sự một cách gián tiếp, tránh không gây ra Chiến tranh thế giới thứ ba.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.