Xúc động hình ảnh những ông bố vùng cao đưa con đi thi: 'Mong con học giỏi'

Lê Hoài Nhân
Lê Hoài Nhân
29/06/2023 15:00 GMT+7

Nhiều phụ huynh vùng cao Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị gác lại việc nương rẫy, mượn ít tiền, băng đèo vượt núi… về phố đưa con đi thi.

Ngày 29.6, thí sinh cả nước bước vào ngày thi thứ hai kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. 

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Thanh Niên tại điểm thi Trường THPT chuyên Quốc Học (TP.Huế), nhiều phụ huynh ở các huyện vùng cao như Nam Đông, A Lưới có con học Trường THPT Dân tộc nội trú đã đến từ sớm để động viên con.

Khổ cũng khổ rồi, nhất định phải về cùng con

Khi thí sinh bắt đầu làm bài thi, bên ngoài nhiều phụ huynh chọn những bóng cây trong công viên Lê Lợi để ngồi chờ, trò chuyện "giết thời gian". Trong đó có nhóm phụ huynh của học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú.

Xúc động hình ảnh những ông bố vùng cao đưa con đi thi: 'Mong con học giỏi' - Ảnh 1.

Nhiều phụ huynh vùng cao chờ con đi thi tại Trường THPT chuyên Quốc học

LÊ HOÀI NHÂN

Ông Hồ Đức Hồng (51 tuổi, ở xã A Bung, H.Đakrông, Quảng Trị) tâm sự, từ chiều 27.6, ông đã mượn xe máy và 500.000 đồng của người quen để vượt hơn 100 km về TP.Huế, động viên con gái đi thi.

Về thành phố, hành trang ông Hồng mang theo chỉ chiếc ba lô với bộ áo quần, một ít đồ ăn sáng. Để bớt tốn chi phí, ông Hồng xin ở lại cùng con tại ký túc xá của Trường THPT Dân tộc nội trú.

"Gia đình tôi có 5 cháu, thuộc hộ nghèo nên chưa có đứa nào được đi học đại học. Dịp này tôi đưa con gái thứ 3 đi thi, cũng chỉ động viên con chứ chưa tính được gì", ông Hồng bộc bạch.

Nghe ông Hồng nói, ông Pơ Loong Non (51 tuổi, ở xã Lâm Đớt, H.A Lưới, Thừa Thiên-Huế) tiếp chuyện rằng, 4 giờ sáng nay ông cũng đã vượt gần 100 km về xuôi để đưa con gái đi thi.

Xúc động hình ảnh những ông bố vùng cao đưa con đi thi: 'Mong con học giỏi' - Ảnh 2.

Ông Pơ Loong Non vượt xe máy hơn 100 km từ sáng sớm về thành phố để động viên con đi thi

LÊ HOÀI NHÂN

Trong bộ đồ bạc màu, ông Non lấy ra từ túi 200.000 đồng, kể đây là số tiền ông mang theo để đổ xăng, ăn uống. Chiều nay, ông Non lại trở về với núi, kịp việc nương rẫy sáng mai.

"Con gái tôi học giỏi, được nhà nước cho về thành phố học nội trú nên không tốn kém đồng nào. Khổ cũng khổ rồi, nên khi con gái đi thi thì mình xuống phố để động viên con. Tôi không biết chữ, vì vậy rất muốn con đi học ngành sư phạm, nhưng chắc không thể vì không có tiền", ông tâm sự.

Của ít lòng nhiều

Gần trưa, một người đàn ông với thân hình gầy gò, hớt hải chạy đến điểm trường này để đón con. Ngồi bần thần một lúc, ông giới thiệu là Kiên Văn Mừng (45 tuổi, trú tại xã Hương Hữu, H.Nam Đông, Thừa Thiên-Huế).

Hôm 26.6, vợ chồng ông đang trên đường về phố động viên con đi thi thì vợ ông đau ruột thừa, phải chuyển vào bệnh viện Trường ĐH Y Dược Huế cấp cứu.

Xúc động hình ảnh những ông bố vùng cao đưa con đi thi: 'Mong con học giỏi' - Ảnh 3.

Ông Mừng từ bệnh viện đến điểm thi để kịp đón con gái

LÊ HOÀI NHÂN

Số tiền 1 triệu đồng mang theo định mua thêm bánh, sữa cho con, nay đã đóng hết vào viện phí. Ông Mừng nhịn ăn, mua một ít mì gói cho con gái ăn sáng. "Trong người tôi chỉ còn hơn 100.000 đồng, để dành cho con gái ăn uống, có sức mà thi chứ tôi thì nhịn cũng chả sao", ông Mừng thật thà nói.

Nghe xong câu chuyện, chị Lê Thị Nữ (44 tuổi, H.Nam Đông, một trong những phụ huynh đưa con đi thi) tâm sự với phóng viên Báo Thanh Niên: "Bây giờ tôi góp một ít, rồi kêu gọi quanh đây mỗi người một ít để giúp ông Mừng".

Xúc động hình ảnh những ông bố vùng cao đưa con đi thi: 'Mong con học giỏi' - Ảnh 4.

Bà Nữ trao số tiền vừa quyên góp được cho ông Mừng

LÊ HOÀI NHÂN

Rất nhanh chóng, ai cũng đứng dậy, của ít lòng nhiều san sẻ khó khăn cùng ông Mừng. Nhận được số tiền gần 500.000 đồng từ những người xa lạ, ông Mừng rưng rưng: "Tôi rất xúc động và biết ơn mọi người rất nhiều. Trưa nay tôi sẽ đưa cháu đi ăn thật ngon, sáng nay nó ăn mì gói thấy thương quá".

Xúc động hình ảnh những ông bố vùng cao đưa con đi thi: 'Mong con học giỏi' - Ảnh 5.

Ông Mừng đến đón con gái sau giờ thi

LÊ HOÀI NHÂN

Không riêng ông Mừng, trong nhóm phụ huynh này, hầu hết họ đều làm nương rẫy nên mỗi người một cảnh khó khăn. Tuy vậy, điểm chung của họ đều rất thương con, mong con học giỏi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.