Xử lý rác thải F0 ở Hà Nội: Chất thải nguy hại bị thu gom lộn xộn

16/03/2022 08:01 GMT+7

Do chưa có hợp đồng với đơn vị thu gom rác thải F0, rác thải y tế nguy hại nên nhiều địa phương tại Hà Nội hiện nay vẫn đang thu rác thải của người mắc Covid-19 chung với rác thải sinh hoạt, khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh ngày càng lớn.

Túi rác thải F0 màu vàng này là của một hộ gia đình có người nhiễm Covid-19 tại một tòa chung cư thuộc phường Mỹ Đình 1 (Q.Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội).

Chỉ trước đó ít phút, túi rác này còn được chủ nhà bọc lót cẩn thận, phân loại rồi xịt cồn khử khuẩn để riêng nhưng ngay sau đó lại bị thu gom chung với rác sinh hoạt.

Công nhân môi trường trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đang thu rác thải F0 chung với rác thải sinh hoạt.

Nguyễn bắc

Người thu gom giúp là một thành viên tổ Covid-19 cộng đồng của tòa nhà. Xịt cồn cẩn thận, phân loại kỹ càng theo đúng hướng dẫn của UBND phường.

Theo phương án 01 của TP.Hà Nội, rác thải sẽ được thu gom vào túi đựng chất thải lây nhiễm màu vàng, buộc chặt miệng túi và được phân loại để thu gom riêng. Quy định là vậy nhưng thực tế, thì quá trình thu gom lại được thực hiện như thế này. Như vậy, các công đoạn phân loại rác F0, xịt cồn khử khuẩn để ngăn chặn dịch bệnh lây lan là không còn ý nghĩa.

Các hộ dân phường Mỹ Đình 1 có F0 đã phân loại và khử khuẩn theo hướng dẫn của UBND phường.

Nguyễn Bắc

Bây giờ tôi lên trên này để thu gom rác của các nhà đang bị cách ly Covid-19. Chia làm 2 túi, túi đen là để rác bình thường còn túi vàng tôi để phía ngoài để nhân viên thu gom rác người ta nhặt riêng ra. Bao giờ cũng để 2 túi riêng biệt 2 màu. Cũng phải xịt khuẩn các thứ, phải tự mua cái xịt khuẩn này để xịt rồi bê theo cầu thang bộ đi xuống. Tất nhiên là cũng lo ngại nhưng bây giờ không ai làm thì mình trong tổ Covid-19 mình phải đi làm thôi.

Chúng tôi làm hết khả năng thôi, cũng đeo găng tay, xịt khuẩn rồi lên nhà cũng phải vệ sinh cá nhân lại. Tôi thấy cũng an toàn rồi, tuyệt đối thì chưa vì khẩu trang này cũng không phải xịn của y tế. Các thiết bị tự mình sắm thôi. Những người quét rác thì họ chỉ nhận rác ở tầng 1 thôi. Người ta không lên từng nhà một nên chúng tôi phải cắt cử người ra làm, trong tổ Covid-19 cộng đồng này”, ông Đỗ Hiếu Học, tổ Covid-19 cộng đồng phường Mỹ Đình 1 cho biết.

Theo thông tin từ UBND phường Mỹ Đình 1, mỗi ngày trên địa bàn phường có thêm 200 – 300 ca mắc Covid-19. Số lượng người mắc Covid-19 ngày càng nhiều nên việc thu gom riêng rác thải F0 như trước đây là không thể thực hiện được nếu không có một đơn vị chuyên nghiệp trong việc thu gom rác thải y tế.

“Đối với công tác thu gom rác thải F0 thì cũng là một vấn đề phường rất hết sức coi trọng.

Đến thời điểm này thì quả thật là số lượng F0 trên địa bàn phường nói riêng và TP Hà Nội nói chung là rất nhiều. Vì vậy, việc thu gom riêng là chưa được thực hiện. Chúng tôi vẫn hướng dẫn người dân công tác phân loại, khử khuẩn. Khi mang túi rác của các F0 ra ngoài phân biệt bằng túi nilon màu vàng xịt khuẩn, khử khuẩn, mang ra trước cửa nhà để đúng giờ quy định để thu gom. Còn đơn vị thu gom hiện giờ vẫn đang là thu gom chung với rác thải sinh hoạt”, bà Lưu Mai Huyền, Phó Chủ tịch UBND phường Mỹ Đình 1 chia sẻ.

Đã hơn 2 tháng kể từ khi Hà Nội áp dụng phương án 01 về hướng dẫn thu gom rác thải, các phường thuộc Q.Nam Từ Liêm đều chưa có đơn vị chuyên thu gom rác thải y tế của các hộ gia đình có F0. Việc thu gom này hiện đang do đơn vị môi trường Urenco 7 thực hiện, trộn chung với rác thải sinh hoạt.

Công nhân môi trường quận Nam Từ Liêm lo lắng về nguy cơ nhiễm bệnh từ rác thải.

Nguyễn Bắc

Không biết được đâu là rác Covid-19, đâu là rác không có Covid-19. Bởi vì để chung túi như này thì làm sao được. Chúng tôi không thể phân biệt được. Cứ thế này mà làm thôi, dân bỏ bao nhiêu thì làm bấy nhiêu. Không ai thông báo cả, cũng không biết nhà ai có Covid-19 cả. Chúng tôi rất là lo lắng. Bởi vì, chị em chúng tôi là lao động chính trong nhà. Làm thế này thì không biết túi nào là F0, túi nào là không F0, không biết đằng nào mà lần. Trước tiên là lo cho mình, thứ hai là gia đình mình bị lây nhiễm. Đấy, công việc nó là như thế.

Trước kia nhà có F0 thì họ dán cái biển đỏ ở trước cửa là từng hộ đó là F0 thì bọn tôi còn tránh xa, 2 – 3 hôm thì mình vào nhà lấy rác ở trước cổng 1 lần. Bây giờ thì hầu như nhà nào cũng như nhà nào, vào đều hết cả”, một công nhân vệ sinh môi trường quận Nam Từ Liêm chia sẻ.

Trang bị của những công nhân này chỉ có khẩu trang vải, găng tay cao su. Dù đã đeo đến 2 lớp khẩu trang nhưng nỗi lo nhiễm bệnh vẫn luôn thường trực. Họ phải tiếp xúc với rác thải F0 nguy hại hằng ngày, hằng giờ mà không có áo bảo hộ, khẩu trang y tế hay găng tay bảo hộ trong khi việc thu gom rác thải nguy hại trong bối cảnh F0 bùng nổ ở Hà Nội vẫn đang bị bỏ ngỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.