Xem nhanh: Ngày 433 chiến dịch, Mỹ nói Ukraine cần thắng để có hòa bình; Nga lo thiếu vũ khí?

Xem nhanh: Ngày 433 chiến dịch, Mỹ nói Ukraine cần thắng để có hòa bình; Nga lo thiếu vũ khí?

03/05/2023 23:26 GMT+7

Vào đêm ngày 2, rạng sáng 3.5, quân đội Nga lại tiến hành một vụ tập kích quy mô lớn bằng tên lửa hành trình và máy bay không người lái (UAV) cảm tử nhằm vào khu vực thủ đô Kyiv cùng nhiều vùng lãnh thổ khác của Ukraine. Và đây đã là trận tập kích đêm vào thủ đô Ukraine lần thứ ba trong 6 ngày.

Bộ Tư lệnh Không quân Ukraine cho biết lực lượng của họ đã phá hủy 21/26 UAV của Nga.

Theo chính quyền quân quản vùng thủ đô Kyiv, toàn bộ các UAV của Nga tham gia tấn công thành phố này đã bị bắn hạ. Tuy nhiên, thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất vẫn được ghi nhận tại nhiều khu vực khác tại Ukraine.

Tại khu vực Kropyvnytskyi, UAV Nga đã đánh trúng một kho chứa nhiên liệu. Ở Dnipro, một tòa nhà của chính quyền địa phương đã bị hư hỏng nặng. Các vụ tấn công này không để lại hậu quả về người.

Trong khi đó, trong bối cảnh Kyiv sắp sửa mở chiến dịch phản công, ngoại trưởng Mỹ nhận định rằng con đường nhanh nhất để Ukraine có được hòa bình là thành công trên chiến trường.

Ukraine và phương Tây gần đây nhiều lần đề cập đến chiến dịch phản công quy mô lớn nhằm giành lại các khu vực Nga đang kiểm soát. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 21.4 nhận định Ukraine "có thể giành lại thêm nhiều khu vực nữa" trong đợt phản công. Tuy nhiên, chính quyền Kyiv hiện giữ kín thông tin về thời điểm và cách thức tiến hành phản công.

Đại sứ Ukraine tại Anh Vadym Prystaiko mới đây cho biết chưa bắt đầu chiến dịch phản công một phần do điều kiện thời tiết không thuận lợi.

Trả lời phỏng vấn đài Sky News ngày 2.5, Đại sứ Prystaiko nói: "Đầu tiên, chúng tôi không báo hiệu cho phía Nga biết khi nào chúng tôi bắt đầu. Thứ hai, thời tiết hiện tại không phù hợp để xe tăng hạng nặng di chuyển" vì địa hình Ukraine thường lầy lội vào mùa xuân.

Ông Prystaiko cho biết Ukraine đã tiếp nhận 98% những gì nước này đề nghị hỗ trợ cho đợt phản công, trong bối cảnh các đồng minh phương Tây tiếp tục cam kết ủng hộ Kiev.

Vị đại sứ nói Ukraine sẽ cố gắng thực hiện “đợt phản công mang tính đột phá”, nhưng lưu ý rằng mọi người đang đặt quá nhiều hy vọng vào chiến dịch.

Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley cho rằng các lực lượng Kyiv đã có đủ năng lực để phản công nhờ có sự trợ giúp của các đồng minh phương Tây. Cũng trong bài phỏng vấn này, ông Milley đã đưa ra dự đoán về cuộc xung đột Nga-Ukraine trong năm nay.

Dù là người nhà binh nhưng Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley nhiều lần nhận định rằng chiến sự Nga - Ukraine cần được giải quyết trên bàn đàm phán.

Hồi tháng 3, ông cảnh báo: "Rất khó để Ukraine đẩy lùi mọi quân nhân Nga bằng biện pháp quân sự. Họ sẽ phải trả cái giá rất đắt về người và của". Tướng Milley tin rằng các nhà ngoại giao từ nhiều quốc gia sẽ là những người chấm dứt chiến sự Nga - Ukraine, tìm ra cách để hai nước quay trở lại bàn đàm phán.

Còn phía Nga dự báo ra sao về thời điểm phản công của Ukraine?

Hãng tin TASS của Nga ngày 2.5 dẫn lời một sĩ quan về hưu của lực lượng ly khai ở tỉnh Luhansk của Ukraine cho biết Kyiv có thể phát động tấn công vào ngày 9.5, tức ngày kỷ niệm chiến thắng phát xít ở Nga.

Theo ông Andrey Marochko, người từng phục vụ trong lực lượng dân quân của Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LPR) tự xưng, thời tiết thuận lợi vào cuối tuần này sẽ giúp các đơn vị vũ trang của Ukraine khai thác tối đa hiệu quả của vũ khí được phương Tây cung cấp.

Hãng TASS dẫn lời ông Marochko cho biết: "Nhiều khả năng đối phương sẽ cố gắng phủ bóng đen lên các hoạt động kỷ niệm Ngày Chiến thắng".

Trong bối cảnh Kyiv đã sẵn sàng cho cuộc phản công, xuất hiện nhiều thông tin cho rằng Nga đang chịu áp lực lớn về vũ khí cho chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Hãng tin Reuters cho biết một cơ sở dự trữ nhiên liệu gần một cây cầu quan trọng ở khu vực Krasnodar phía tây nam của Nga đã bốc cháy vào đầu ngày 3.5.

Không có báo cáo ban đầu về thương vong.

Veniamin Kondratyev, thống đốc Krasnodar, cho biết ngọn lửa bùng phát ở làng Volna, thuộc khu hành chính Temryuk. Làng này nằm gần cây cầu Crimea, nối đất liền Nga với bán đảo Crimea.

Vụ việc xảy ra sau khi một cuộc tấn công bằng UAV đã làm cháy một cơ sở dự trữ nhiên liệu của Nga tại cảng Sevastopol của Crimea vào cuối tuần trước. Moscow đã cáo buộc Kyiv đứng sau vụ việc.

Cũng trong hôm nay, giới chức Nga thông báo bắt 7 người liên quan cơ quan tình báo Ukraine đang âm mưu tấn công khủng bố ở Crimea.

Theo Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB), những người này thuộc mạng lưới tình báo thuộc Tổng cục tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine, âm mưu tấn công nhằm vào quan chức cấp cao và khủng bố ở Crimea.

Theo FSB, mục tiêu của nhóm nghi phạm là lãnh đạo chính quyền Crimea Sergey Aksyonov, chủ tịch nghị viện Crimea Vladimir Konstantinov cùng các quan chức khác và hạ tầng vận tải ở bán đảo. FSB cáo buộc ông Roman Mashovets, phó chánh văn phòng tổng thống Ukraine, đứng sau sự việc.

Giới chức Ukraine chưa bình luận về cáo buộc từ FSB.

Hôm 2.5, Moscow đã triệu đại biện Ba Lan Jacek Sladewski để "phản đối mạnh mẽ" việc Warsaw mới đây tịch thu trường học của đại sứ quán Nga.

Bộ Ngoại giao Nga cũng chỉ trích Ba Lan về việc nước này liên tục bơm vũ khí cho Ukraine.

Đại diện của Moscow cũng nói với đại biện Ba Lan rằng Warsaw đang theo đuổi chính sách "không có chuẩn mực đạo đức", khi "phá hủy một cách có hệ thống" các đài tưởng niệm chiến tranh của Liên Xô ở Ba Lan và "làm sai lệch" lịch sử của Thế chiến II.

Các quan chức và cảnh sát Ba Lan ngày 29.4 phá cửa rồi xông vào trường trung học do đại sứ quán Nga điều hành tại Warsaw. Đây là ngôi trường dành cho con của các nhân viên ngoại giao Nga. Ba Lan tuyên bố tịch thu cơ sở và ngôi trường sẽ thuộc về "tòa thị chính Warsaw".

Nga nói các hành động của Ba Lan "vi phạm trắng trợn" Công ước Vienna về Quan hệ Ngoại giao năm 1961 và xâm phạm tài sản ngoại giao của Nga.

Điện Kremlin ngày 2.5 cáo buộc Đức gia tăng "can dự trực tiếp và gián tiếp" vào xung đột Ukraine. Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, vũ khí do Đức cung cấp đã được sử dụng ở khu vực Donbass của Ukraine, nơi Nga đã đơn phương sáp nhập năm ngoái, Reuters đưa tin.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz một ngày trước cho biết Đức, giống như các quốc gia thành viên NATO khác, đã luôn nhấn mạnh yêu cầu vũ khí mà nước này cung cấp cho Ukraine không được sử dụng để chống lại lãnh thổ Nga.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.