Xem nhanh: Ngày 411 chiến dịch, Nga lấn tới ở Bakhmut; Ukraine có dễ bù đắp tổn thất phản công?

Xem nhanh: Ngày 411 chiến dịch, Nga lấn tới ở Bakhmut; Ukraine có dễ bù đắp tổn thất phản công?

11/04/2023 23:17 GMT+7

Về tình hình chiến sự tại điểm nóng giao tranh ác liệt nhất ở Ukraine hiện nay là thành phố Bakhmut, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ trong bản tin cập nhật mới nhận định rằng Nga tiếp tục đạt được tiến bộ ở Bakhmut, nhưng cũng đang chịu thương vong đáng kể trong quá trình giao tranh.

ISW viết: "Hình ảnh định vị địa lý đăng vào ngày 9 và ngày 10.4 cho thấy các lực lượng Nga đã đạt được các bước tiến nhỏ về phía tây bắc Khromove (2 km về phía tây Bakhmut), ở phía tây nam Bakhmut và phía bắc Sacco i Vanzetti (15 km về phía bắc Bakhmut)".

Như quý vị đã biết, Nga và Ukraine đều đang dồn lực vào trận chiến ở Bakhmut. Kyiv nói rằng trận chiến ở Bakhmut là chìa khóa để kìm hãm và bào mòn lực lượng của Moscow ở mặt trận miền đông.

Trong khi đó, kiểm soát Bakhmut có thể mở đường cho quân đội Nga tiếp tục tấn công tuyến phòng thủ của Ukraine ở thành phố Chasiv Yar gần đó, và tiếp tục gây áp lực lên hai thành phố trọng yếu ở tỉnh Donetsk là Kramatorsk và Sloviansk.

Dù tuyên bố xem Bakhmut là một pháo đài cần cố thủ càng lâu càng tốt, nhưng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 5.4 đã úp mở đề cập khả năng rút quân khỏi Bakhmut khi nói rằng Kyiv sẽ đưa ra các quyết định "tương ứng" nếu lực lượng của họ trong thành phố có nguy cơ bị Nga bao vây.

Về phía Nga, một quan chức thân Nga ở Donetsk mới đây thông báo đã đến thăm Bakhmut và lực lượng Nga đã kiểm soát 75% thành phố này.

Mỹ đang cố gắng hàn gắn các rạn nứt vừa xuất hiện trong quan hệ với các đồng minh chủ chốt, sau khi các tài liệu mật của Lầu Năm Góc bị rò rỉ cho thấy Washington đã theo dõi một số quốc gia thân thiện, bao gồm cả Hàn Quốc và Israel.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 11.4 đã nói chuyện với người đồng cấp Hàn Quốc khi các quan chức ở Seoul bác bỏ khả năng văn phòng tổng thống có thể là nguồn rò rỉ về việc Hàn Quốc bán vũ khí cho Mỹ.

Vụ rò rỉ nghiêm trọng này cũng không tránh khỏi ảnh hưởng đến cuộc xung đột đang diễn ra tại Nga, khi có những tài liệu đánh giá sức mạnh quân sự của Nga và Ukraine, trong đó có đề cập việc thiếu trầm trọng đạn dược phòng không của Ukraine.

Đài CNN ngày 10.4 dẫn lời một nguồn tin thân cận với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay nước này đã phải thay đổi một số kế hoạch quân sự sau khi hàng chục tài liệu của Lầu Năm Góc bị rò rỉ.

Cũng liên quan đến vụ rò rỉ nghiêm trọng này thì theo tờ The Washington Post, các tài liệu cho thấy Ai Cập đang lên kế hoạch bí mật cung cấp tên lửa và đạn dược cho Nga.

Theo tờ báo, một tài liệu đề ngày 17.2 có ghi nội dung tóm tắt cuộc nói chuyện giữa Tổng thống Abdel Fatah El-Sisi và các quan chức quân sự cấp cao của Ai Cập. Theo tài liệu, ông Sisi chỉ đạo các quan chức giữ bí mật cho việc sản xuất và vận chuyển tên lửa để "tránh các vấn đề của phương Tây", đồng thời cũng đề cập đến kế hoạch cung cấp đạn pháo và thuốc súng cho Nga.

Khi được hỏi về các tài liệu, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Ai Cập, Đại sứ Ahmed Abu Zeid, nói rằng "lập trường của Ai Cập ngay từ đầu dựa trên cơ sở không can dự vào cuộc khủng hoảng này và cam kết duy trì khoảng cách bình đẳng với cả hai bên, đồng thời khẳng định sự ủng hộ của Ai Cập đối với hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế".

Ông nói Ai Cập tiếp tục “thúc giục cả hai bên chấm dứt hành động thù địch và đạt được giải pháp chính trị thông qua đàm phán".

Tờ The Washington Post dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết theo những gì vị này biết được thì Ai Cập đã không cung cấp vũ khí cho Nga.

The Washington Post lưu ý rằng Ai Cập là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Trung Đông và là nước nhận viện trợ chính của Mỹ.

Một thông tin quan trọng khác cũng được tiết lộ trong sự cố rò rỉ tin tình báo Mỹ là khả năng Ukraine sẽ cạn kiệt tên lửa phòng không vào tháng 5.

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal đã đến Canada trong một chuyến công du chính thức, trong đó ông sẽ tìm kiếm nguồn cung cấp đạn dược và xe bọc thép cho cuộc phản công sắp tới, tờ Globe and Mail đưa tin.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo, ông Shmyhal nói ông hy vọng Canada sẽ cung cấp nhiều viện trợ quân sự hơn.

Ông Shmyhal cho biết Ukraine cần xe bọc thép hạng nặng và nhiều đạn cho lựu pháo và xe tăng. Thủ tướng Ukraine nhấn mạnh những hỗ trợ quân sự như vậy là “cực kỳ quan trọng” đối với cuộc phản công dự kiến sắp xảy ra của các lực lượng Kyiv.

Ukraine dự kiến sẽ tiến hành một cuộc phản công để giành lại lãnh thổ ở phía nam và phía đông của đất nước từ các lực lượng Nga trong những tuần sắp tới.

Thế nhưng trong những ngày gần đây, quân đội Ukraine đang phải dè xẻn đạn dược, dù vẫn phải bắn hơn 7.000 quả đạn mỗi ngày. Tình hình khó khăn đến mức mà ở có đơn vị pháo binh của Ukraine đã phải giảm lượng pháo kích từ vài chục quả đạn mỗi ngày, xuống còn vài quả đạn.

Trong khó khăn, thì Ukraine vẫn đang nhận được hàng tỉ USD hỗ trợ an ninh từ phương Tây để tiếp tục đương đầu Nga. Như mới trong tuần trước thì Lầu Năm Góc đã công bố gói hỗ trợ quân sự mới trị giá 2,6 tỉ USD cho Ukraine.

Ông Michael Kofman, giám đốc Chương trình Nghiên cứu Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân (Mỹ), nhận định vũ khí của phương Tây đã được đưa vào Ukraine trong nhiều tháng và quân đội Ukraine hiện đang tích lũy sức mạnh để tung ra các cuộc phản công trong mùa xuân và có thể là cả mùa hè.

Tuy nhiên, sau cuộc phản công tiếp theo đó thì các đồng minh và đối tác của Kyiv có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc bù đắp lại những hao hụt trong kho vũ khí của Ukraine. Và thậm chí các lực lượng Ukraine có thể sẽ lâm vào tình cảnh “giật gấu vá vai” để duy trì năng lực đối đầu Nga.

Theo đại diện Liên minh châu Âu của Ba Lan hôm 11.4, hơn 11 triệu người tị nạn Ukraine đã đến Ba Lan kể từ đầu xung đột.

Khoảng 87% những người vượt biên là phụ nữ và trẻ em.

Vào đầu tháng 4, Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) báo cáo rằng chỉ có hơn 10,6 triệu người đã vượt biên.

Điều này có nghĩa là gần 400.000 người đã đi từ Ukraine đến Ba Lan trong tuần trước.

UNHCR cho biết hiện có hơn 1,5 triệu người tị nạn Ukraine sống ở Ba Lan và hơn 3,5 triệu người tị nạn Ukraine sống ở các nước châu Âu khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.