Xem nhanh: Ngày 390 chiến dịch, Nga đe dọa Avdiivka; Ukraine được Mỹ, châu Âu hứa thêm đạn, tên lửa

Xem nhanh: Ngày 390 chiến dịch, Nga đe dọa Avdiivka; Ukraine được Mỹ, châu Âu hứa thêm đạn, tên lửa

La Vi: Kịch bản. Cẩm Tú: MC. Dựng: Thanh Nguyên. Quay: Thanh Hải.
21/03/2023 23:33 GMT+7

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 20.3 đã đến Moscow và bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước theo lời mời của Tổng thống Vladimir Putin. Ngay sau đó, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc thảo luận không chính thức.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay ra thông cáo dẫn lời những lời phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc gặp không chính thức với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin ngày 20.3.

Theo thông cáo này, Chủ tịch Trung Quốc nói: "Về vấn đề Ukraine, các tiếng nói vì hòa bình và lẽ phải đang gia tăng. Hầu hết các nước ủng hộ giảm căng thẳng, sẵn sàng đàm phán hòa bình và phản đối đổ dầu vào lửa. Lịch sử cho thấy các cuộc xung đột cuối cùng đều phải giải quyết thông qua đối thoại và đàm phán".

Ông Tập khẳng định: "Trung Quốc tin rằng càng có nhiều khó khăn thì càng cần phải duy trì không gian cho hòa bình. Vấn đề càng gay gắt, việc không từ bỏ nỗ lực đối thoại càng quan trọng. Trung Quốc sẽ tiếp tục giữ vai trò xây dựng trong nỗ lực thúc đẩy giải pháp chính trị".

Trong ngày hôm nay 21.3, hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc dự kiến có cuộc hội đàm chính thức, khi Tổng thống Putin cho biết ông sẵn sàng thảo luận về các đề xuất của Trung Quốc về cuộc xung đột ở Ukraine.

Chuyến đi của ông Tập tới Moscow được xem là nỗ lực của Bắc Kinh để khẳng định mình là một nhà hòa giải tiềm năng cho cuộc xung đột ở Ukraine.

Trong khi đó, phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby hôm 20.3 kêu gọi Chủ tịch Tập gây sức ép lên Tổng thống Putin để chấm dứt chiến sự. Ông Kirby nói một lệnh ngừng bắn - tức là một quan trọng trong đề xuất hòa bình của Trung Quốc được công bố vào tháng trước - sẽ là không đủ.

Trong bối cảnh này, ông Andrii Yusov, người phát ngôn của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine, hôm 20.3 cho biết Ukraine hiện chưa có bằng chứng về việc Trung Quốc cấp vũ khí cho Nga. Theo ông Yusov, thông tin về việc cung cấp súng trường hoặc thiết giáp của Trung Quốc cho Nga đang được kiểm tra, nhưng hiện chưa có bằng chứng hợp tác nào giữa hai nước được ghi nhận.

Trong khi đó, Kyiv trong hôm 20.3 đã nhận được tin vui từ các đồng minh của mình.

Theo Viện nghiên cứu Chiến tranh (ISW), các lực lượng Nga đã đạt được những bước tiến nhỏ xung quanh Bakhmut.

ISW cho biết một nguồn tin của Nga tuyên bố vào hôm 18.3 rằng lực lượng Wagner đã kiểm soát khoảng 70% Bakhmut kể từ ngày 17.3.

Đến ngày 19.3, kênh tổng hợp tin tức của Nga Readovka cho biết giao tranh diễn ra xung quanh Sân vận động Avangard.

Theo đoạn video định vị được công bố cùng ngày, các lực lượng Ukraine đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga ở phía tây nam Bakhmut.

Các nguồn tin của Nga cho rằng lực lượng Wagner đã vượt sông Bakhmutka vào ngày 20.3. Tuy nhiên, lãnh đạo Wagner đã đưa ra một cảnh báo khá nghiêm trọng về cuộc phản công sắp tới của Ukraine

Và trong bối cảnh giao tranh vẫn diễn ra khốc liệt ở Bakhmut, quân đội Ukraine lo ngại rằng họ có nguy cơ phải đối mặt với một Bakhmut thứ hai.

Thông tấn xã Tass của Nga ngày 20.3 dẫn lời ông Vladimir Rogov, quan chức thân Nga ở Zaporizhzhia, cho biết quân đội Ukraine ở khu vực này đã tạm ngừng sử dụng đạn pháo chính xác và máy bay không người lái (UAV) tự sát. Theo ông Rogov, điều này cho thấy Ukraine dường như đang tích lũy vũ khí trước một cuộc phản công tiềm tàng tại khu vực.

Ông Rogov nói: "Khi phản công, Ukraine sử dụng hệ thống pháo phản lực lực phóng loạt HIMARS, lựu pháo M777, đạn dẫn đường, UAV tự sát. Đối phương đang có một số lượng khá lớn những vũ khí này nhưng lại đang sử dụng chúng một cách hạn chế".

Ông Rogov cũng cho biết Ukraine đang tiến hành các cuộc tấn công thăm dò nhằm tìm hiểu về phòng tuyến của Nga ở khu vực.

Ông dự đoán một kịch bản phản công trong đó Ukraine có thể sẽ tấn công chính xác và đồng loạt vào các vị trí quan trọng như sở chỉ huy, kho đạn, địa điểm triển khai vũ khí của Nga, nhằm mở đường cho thiết giáp và xe tăng Kyiv tiến lên.

Về phía Ukraine, Bộ tổng tham mưu quân đội nước này hôm 20.3 cho biết trọng tâm tấn công của Nga vẫn là ở các khu vực Liman, Bakhmut, Avdiivka, Marinka và Shakhtar.

Còn Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết một vụ nổ ở Crimea đã phá hủy nhiều tên lửa hành trình Kalibr mà Nga định trang bị cho các tàu thuộc Hạm đội biển Đen.

Đại tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, hôm 20.3 đã đưa ra một số nhận định và dự đoán về tình hình xung đột Nga - Ukraine trong năm 2023.

Theo ông Milley, cả 2 phe Nga và Ukraine sẽ khó đạt được mục đích quân sự và chính trị của mình trước khi năm 2023 kết thúc. Về Ukraine, tướng Milley cho rằng quân đội của Tổng thống Volodymyr Zelensky sẽ chưa thể đẩy lùi toàn bộ lực lượng Nga ra khỏi lãnh thổ. Với Nga, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ nhận định Moscow "sẽ không thể đạt được tất cả các mục tiêu chính trị" trong năm nay.

Ông Milley giải thích trong tình huống hiện tại, “cả 2 phe sẽ không thể đạt được mục tiêu của mình thông qua biện pháp quân sự. Tình huống này sẽ kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định".

Chuyển sang một thông tin khác thì thủ tướng Nhật Bản hôm nay 21.3 đang trên đường đến Kyiv trong một chuyến thăm bất ngờ.

Ông Kishida và ông Zelensky dự kiến sẽ thảo luận về sự hỗ trợ của Nhật Bản đối với việc tái thiết Ukraine. Tokyo đã cùng với Mỹ và các nước khác áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, khiến Điện Kremlin thêm Nhật Bản vào danh sách các quốc gia “không thân thiện”.

Trong bối cảnh Nhật Bản sẽ đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 5 năm nay, ông Kishida trước đó chịu áp lực khi vẫn chưa đến thăm Kyiv.

Thủ tướng Kishida đã cam kết sử dụng chức vụ chủ tịch G7 của mình để thúc đẩy giải trừ hạt nhân, trong bối cảnh lo ngại rằng Nga không loại trừ việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine.

Theo hãng tin AP, Nga có kế hoạch tổ chức một cuộc họp không chính thức của Hội đồng Bảo an LHQ vào đầu tháng 4 về tình hình thực tế của số trẻ em Ukraine được đưa đến Nga.

Vấn đề này đã thu hút sự chú ý sau khi Tòa hình sự Quốc tế (ICC) hôm 17.3 phát lệnh bắt giữ tổng thống Nga Vladimir Putin, người mà họ cáo buộc có tội ác chiến tranh phạm tội ác chiến tranh vì đưa bất hợp pháp hàng trăm trẻ em ra khỏi Ukraine.

Đại sứ Liên Hợp Quốc của Nga Vassily Nebenzia trong một cuộc họp báo hôm 20.3 cho biết Moscow đã lên kế hoạch cho cuộc họp của hội đồng từ lâu trước khi ICC đưa ra thông báo vào hôm 17.3. Nga giữ chức chủ tịch luân phiên của hội đồng vào tháng 4.

Ông Nebenzia cũng tuyên bố khi đảm bảo đủ điều kiện an toàn, Nga sẽ đưa các em nhỏ này trở về Ukraine.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.