Xem nhanh: Ngày 377, Nga, Ukraine nêu lý do giành giật Bakhmut; không quân Nga còn lợi thế gì?

Xem nhanh: Ngày 377, Nga, Ukraine nêu lý do giành giật Bakhmut; không quân Nga còn lợi thế gì?

08/03/2023 23:35 GMT+7

Người sáng lập công ty quân sự tư nhân Wagner Yevgeny Prigozhin hôm nay 8.3 cho biết các tay súng của ông đã kiểm soát hoàn toàn phần phía đông của Bakhmut (Ukraine).

Trong một bản ghi âm được đưa lên ứng dụng nhắn tin Telegram, ông Prigozhin nói: “Mọi thứ ở phía đông sông Bakhmutka hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của Wagner".

Hiện chưa có thông tin về phản ứng của Moscow cũng như Kyiv đối với tuyên bố trên của ông Prigozhin.

Ngày hôm qua 8.3, ông Prigozhin cho biết có khoảng 12.000-20.000 quân Ukraine vẫn tiếp tục bảo vệ thành phố. Giới lãnh đạo Ukraine dường như vẫn muốn cố thủ đến cùng tại Bakhmut nhằm theo đuổi chiến lược bào mòn lực lượng Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 6.3 cho rằng thành phố Bakhmut ở miền đông Ukraine chỉ có "giá trị biểu tượng hơn là chiến lược" và việc Ukraine rút khỏi đây sẽ "không tạo ra nhiều thay đổi với cục diện cuộc chiến".

Nhiều chuyên gia và quan chức phương Tây cũng có nhận định tương tự. Họ cho rằng Ukraine nên rút các đơn vị khỏi Bakhmut để bảo tồn lực lượng cho các chiến dịch phản công tương lai, thay vì chịu tổn thất trước sức ép tấn công dữ dội của Nga.

Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thẳng thừng bác bỏ phương án này. Trong cuộc phỏng vấn với đài CNN ngày 7.3, ông Zelensky cho hay sẽ có nhiều rủi ro nếu Nga giành được Bakhmut.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) hôm 7.3 cho biết việc Ukraine bảo vệ Bakhmut đang buộc Nga phải tham gia vào một trận chiến tiêu hao để giành lấy một thành phố mà về bản chất không quan trọng về mặt chiến lược.

Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Volodymyr Zelensky, tuyên bố các lữ đoàn Ukraine phòng thủ ở Bakhmut đã cầm chân được đối phương tại khu vực ngoại ô thành phố, củng cố vị trí phòng thủ của họ ở những khu vực thuận lợi. Ông cũng khẳng định Bakhmut là "thao trường" thực tế nhất để rèn luyện hàng chục nghìn binh sĩ Ukraine, chuẩn bị cho đợt phản công có thể diễn ra vào mùa xuân.

Giới chức Ukraine cũng cho rằng việc cố thủ Bakhmut giúp họ có thêm thời gian chờ nhận các vũ khí hiện đại hơn từ phương Tây, trong đó có xe tăng chủ lực và hỏa tiễn tầm xa, nhằm giành lợi thế về hỏa lực trên chiến trường.

Cái giá phải trả của Ukraine ở thành phố vùng Donetsk này chắc chắn cũng không nhỏ. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm 7.3 nói thương vong mà Ukraine hứng chịu trong tháng 2, thời điểm chiến sự ở Bakhmut leo thang, là hơn 11.000 người.

Trang Al Jazeera dẫn lời nhà sử học Nikolay Mitrokhin, thuộc Đại học Bremen (Đức), bình luận rằng Bakhmut là trung tâm tuyến phòng thủ thứ hai của lực lượng Ukraine ở Donbass. Tuy nhiên, tầm quan trọng này đã giảm đi đáng kể sau khi lực lượng Nga kiểm soát được Soledar và một số làng xung quanh Bakhmut.

Trong khi đó, theo ông Mitrokhin, kiểm soát được Bakhmut sẽ giúp lực lượng Nga có cửa mở quan trọng để áp sát tuyến phòng thủ thứ ba của Ukraine.

Ông dự đoán rằng mục tiêu kế tiếp của Nga sau Bakhmut có thể sẽ là Chasiv Yar. Tuy nhiên, các lực lượng Nga sau đó khó lòng tiếp cận được vùng ngoại ô hai thành phố chiến lược Kostiantynivka và Kramatorsk trước giữa tháng 5. Hai thành phố này nằm cách Bakhmut 27-55 km về phía tây.

Và trong thời gian đó, chắc chắn Ukraine cũng sẽ không chịu ngồi yên chống đỡ thụ động mà họ sẽ mở chiến dịch phản công đã lên kế hoạch lâu nay, với sự hỗ trợ đắc lực của nhiều vũ khí mới từ phương Tây.

Trong một thông tin có liên quan, trang The Kyiv Independent hôm nay đưa tin Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Valerii Zaluzhnyi đã gặp 4 nhà lãnh đạo quân sự của các nước phương Tây vào ngày 7.3.

Cụ thể, ông Zaluzhnyi đã gặp Tư lệnh Bộ Chỉ huy các chiến dịch đồng minh của NATO Christopher Cavoli, Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Anh Tony Radakin, Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Ba Lan Rajmund Andrzejczak, và Tư lệnh Nhóm hỗ trợ an ninh Ukraine, trung tướng lục quân Mỹ Antonio Aguto.

Tổng tư lệnh Zaluzhnyi cho hay trong cuộc gặp nói trên, ông đã thông báo về tình hình trên chiến trường, đặc biệt là xung quanh Bakhhmut. Họ cũng thảo luận về việc cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm cả vũ khí và đạn dược.

Một vụ nổ sâu trong lòng biển vào tháng 9.2022 đã khiến cả hai đường ống dẫn khí đốt Nord Stream của Nga đã bị hư hại, dẫn đến rò rỉ khí đốt nghiêm trọng ngoài khơi đảo Bornholm của Đan Mạch.

Hồi tháng 2 năm nay, nhà báo điều tra kỳ cựu Seymour Hersh nói rằng các thợ lặn của hải quân Mỹ với sự giúp đỡ của Na Uy đã đặt chất nổ trên các đường ống Nord Stream dưới biển Baltic vào tháng 6.2022 và kích nổ ba tháng sau đó.

Nhà Trắng ngay sau đó cũng đã phủ nhận báo cáo trên.

Cho đến nay, các cuộc điều tra vẫn đang diễn ra nhưng chưa đi đến kết luận cuối cùng. Mới đây, một nhóm báo chí Đức sau quá trình tìm hiểu đã hé lộ một manh mối quan trọng cho cuộc điều tra.

Báo Washington Post của Mỹ hôm 7.3 dẫn các nguồn tin giấu tên trong giới tình báo và ngoại giao phương Tây cho hay các điều tra viên vụ nổ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream đã phát hiện dấu hiệu cho thấy một nhóm ủng hộ Ukraine từng bàn về khả năng tấn công đường ống này trước khi xảy ra vụ nổ hồi tháng 9.2022.

Nhóm thân Ukraine này sau đó có thể đã tiến hành vụ tấn công. Tuy nhiên, giới chức phương Tây cho rằng dường như Tổng thống Volodymyr Zelensky và các quan chức ở Kiev không liên quan tới sự việc này.

Trước các thông tin trên, theo The Guardian, Điện Kremlin hôm 7.3 cho rằng đây là một nỗ lực của thủ phạm nhằm đánh lạc hướng dư luận.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng đây là cách Mỹ "nhồi thông tin" cho truyền thông nhằm cản trở một cuộc điều tra quốc tế.

Ông Peskov đồng thời kêu gọi các nước góp vốn trong dự án Nord Stream nên kiên quyết yêu cầu một cuộc điều tra khẩn cấp và minh bạch.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine hôm 8.3 nhắc lại tuyên bố Kyiv không liên quan đến vụ phá hoại đường ống Nord Stream ở biển Baltic.

Từ khi Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự ở nước láng giềng, các nước phương Tây đã áp đặt lên Nga một loạt lệnh cấm vận khắt khe chưa từng có. Tuy nhiên, điều bất ngờ là bất chấp nỗ lực từ phương Tây nhằm gây áp lực lên Moscow để chấm dứt chiến sự, khối tài sản của giới tỉ phú Nga vẫn tăng lên.

Một quan chức quốc phòng Hàn Quốc hôm 8.3 cho hay chính phủ Hàn Quốc đã phê duyệt giấy phép xuất khẩu cho Ba Lan vào năm ngoái, nhờ đó Ba Lan có thể cung cấp cho Ukraine pháo tự hành Krab.

Là sản phẩm của Ba Lan nhưng lựu pháo tự hành Krab được chế tạo bằng cách kết hợp khung gầm pháo tự hành K9 Thunder của Hàn Quốc, tháp pháo thuộc BAE Systems của Anh, pháo Nexter Systems 155mm của Pháp và hệ thống kiểm soát hỏa lực của Ba Lan.

Reuters bình luận tiết lộ này là lần đầu tiên Hàn Quốc xác nhận đã chính thức đồng ý, ít nhất là gián tiếp, về việc cung cấp các thành phần vũ khí cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga.

Lập trường của chính phủ Hàn Quốc đến nay là không chuyển các hệ thống vũ khí cho Ukraine.

Sau khi Nga bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24.2.2022, Ba Lan đã gửi 18 pháo tự hành Krab tới Ukraine vào tháng 5 và hai nước đã ký đơn đặt hàng thêm hàng chục chiếc, theo Reuters.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.