Xem nhanh: Mỹ cảnh báo Nga về hạt nhân, Ukraine sẽ sớm có thêm tin vui?

03/10/2022 22:46 GMT+7

Các lực lượng Ukraine đã đạt được một số đột phá tại tỉnh Kherson ở miền nam và giành quyền kiểm soát một số khu định cư, theo một quan chức của chính quyền do Nga hậu thuẫn. Kherson là một trong 4 tỉnh của Ukraine mà Nga đã tuyên bố sáp nhập tuần trước.

Ông Vladimir Saldo, người đứng đầu chính quyền tỉnh Kherson, thừa nhận rằng "tình hình căng thẳng". Ông cho hay Ukraine đã đạt được đột phá tại khu vực Dudchany ở bờ tây sông Dnieper.

Các quan chức Ukraine đã luôn kín tiếng về quy mô cuộc phản công của họ ở miền nam, nhưng các blogger quân sự Nga cho hay xe tăng Ukraine đang tiến dọc bờ sông Dnieper.

Trước đó, trong bài phát biểu hàng đêm ngày 2.10, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay Kyiv không chỉ giành được thành công quân sự ở Lyman mà còn ở Kherson. Ông nói các lực lượng Ukraine đã giải phóng các khu định cư Arkhanhelske và Myrolyubivka tại tỉnh miền nam.

Nhà lãnh đạo Ukraine cam kết sẽ giành lại thêm những khu vực ở Donbass sau khi kiểm soát được thị trấn quan trọng Lyman. Ông tuyên bố: “Trong tuần này, có thêm những lá cờ Ukraine đã giương trên Donbass. Sẽ có thêm nữa trong vòng 1 tuần”.

Hôm 3.10, Điện Kremlin nói sẽ tham vấn với cư dân sống tại hai vùng Ukraine mà Nga vừa sáp nhập là Kherson và Zaporizhzhia về vấn đề xác định ranh giới vùng. Cho đến nay Nga chưa kiểm soát được toàn bộ lãnh thổ của bất kỳ vùng nào trong số 4 vùng mới sáp nhập.

Tuy nhiên, quy trình sáp nhập vẫn đang tiếp diễn. Hôm nay quốc hội Nga sẽ xem xét các dự luật và hiệp ước liên quan đến vấn đề này.

Ở một diễn biến khác, 9 quốc gia thành viên NATO mới đây đã có cuộc nhóm họp liên quan đến vấn đề kết nạp Ukraine vào khối. Các nước này đã bày tỏ sự ủng hộ và kêu gọi đồng minh gia tăng viện trợ quân sự cho Kyiv.

Trong tuyên bố chung, tổng thống của Cộng hòa Czech, Estonia, Latvia, Lithuania, Bắc Macedonia, Montenegro, Ba Lan, Romania và Slovakia nói: “Chúng tôi hết sức ủng hộ quyết định của Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Bucharest năm 2008 liên quan đến tư cách thành viên tương lai của Ukraine”.

Cần lưu ý là trong danh sách 9 quốc gia vừa lên tiếng ủng hộ Ukraine gia nhập NATO kể trên chưa xuất hiện những thành viên quan trọng nhất của khối như Mỹ, Anh, Đức hay Pháp.

Tuy nhiên, đại diện Mỹ và NATO cho đến nay vẫn khẳng định sự ủng hộ hết lòng dành cho Ukraine trong cuộc xung đột. Trong một biểu hiện mới nhất, sau khi Điện Kremlin đưa ra những thông điệp úp mở về khả năng dùng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 2.10 nói lời đe dọa của nga là “nguy hiểm và liều lĩnh". Ông Stoltenberg nói khối NATO đã cảnh báo Nga rằng sẽ có hậu quả nghiêm trọng nếu hành động đó xảy ra.

Cựu giám đốc CIA David Petraeus có giải thích rõ ràng hơn về việc này. Ông nói nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine thì đó không phải tình huống kích hoạt Điều 5 về phòng thủ tập thể của liên minh, bởi Ukraine không phải thành viên NATO. Tuy nhiên nếu bụi phóng xạ lan sang các nước NATO, đồng nghĩa một cuộc tấn công nhằm vào thành viên của khối và Điều 5 có thể được kích hoạt. Và khi đó, Mỹ và đồng minh sẽ hủy diệt lực lượng Nga ở Ukraine và đánh chìm hạm đội biển Đen.

Điện Kremlin ngày 3.10 cho biết Nga theo đuổi cách tiếp cận cân bằng" trong vấn đề vũ khí hạt nhân và không hành xử dựa trên cảm xúc.

Khi được hỏi về bình luận của ông Ramzan Kadyrov, lãnh đạo Cộng hòa Chechnya thuộc Nga, rằng nên dùng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết ông Kadyrov có quyền nói lên ý kiến ​​của mình, nhưng cách tiếp cận của Nga trong vấn đề quân sự không nên dựa trên cảm tính, theo Reuters.

Liên quan đến vấn đề hạt nhân thì nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzia vẫn là điểm nóng suốt vài tháng qua. Lực lượng Nga hiện kiểm soát nhà máy lớn nhất châu Âu này nhưng nhân viên vận hành vẫn là người Ukraine. Trong thời gia qua, hai bên cáo buộc nhau pháo kích vào khu vực nhà máy, gây nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân.Các vụ nã pháo đã dẫn đến những lời kêu gọi phi quân sự hóa khu vực xung quanh cơ sở điện hạt nhân này.

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia thuộc tỉnh Zaporizhzhia của Ukraine, là một trong 4 vùng mà Nga tuyên bố sáp nhập vào lãnh thổ vào ngày 30.9 sau các cuộc trưng cầu dân ý.

Ngay sau đó, Chủ tịch Petro Kotin của công ty năng lượng nhà nước Ukraine Energoatom ngày 1.10 cho biết lực lượng Nga đã bắt Tổng giám đốc nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia Ihor Murashov. Ông Kotin nói rằng ông Murashov là người chịu trách nhiệm chính và duy nhất cho sự an toàn hạt nhân và phóng xạ tại nhà máy Zaporizhzhia, do đó, việc bắt giữ gây đe dọa đến sự an toàn hoạt động tại nhà máy điện hạt nhân lớn nhất của Ukraine cũng như của châu Âu.

Khi nhận định về những thành quả gần đây trên chiến trường của lực lượng Ukraine, Bộ trưởng quốc phòng Lloyd Austin lý giải rằng, kỹ năng của các quân nhân Ukraine và việc triển khai một các có chiến lược vũ khí do Mỹ và NATO cung cấp - đặc biệt là hệ thống hỏa lực phóng loạt HIMARS - đã đóng góp vào diễn biến trên.

Ông Austin tin rằng Ukraine “đang có tiến triển” tại vùng Kherson và đã có “thay đổi động lực trên chiến trường”.

Ông cho rằng Ukraine đã sử dụng các tổ hợp vũ khí hiện đại HIMARS và theo đúng cách để tấn công vào tuyến hậu cần, trung tâm chỉ huy và kiểm soát khiến năng lực của quân Nga bị sụt giảm. Khi được hỏi lý do Mỹ không cấp vũ khí tầm xa hơn cho Ukraine, ông Austin nói rằng ông vẫn duy trì thông tin liên lạc với phía Kiev và tin rằng Washington đang viện trợ những khí tài rất hiệu quả trên chiến trường.

Ông Austin khẳng định Mỹ sẽ "tiếp tục viện trợ cho người Ukraine".

Vào tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã tuyên bố rằng “khi nào Ukraine còn cần" thì Mỹ vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine. Kể từ tháng 2, Mỹ đã viện trợ quân sự khoảng 16,2 tỉ USD cho Ukraine. Thế nhưng, một số nhà phân tích tỏ ra e dè hơn về khả năng Washington có thể thực hiện lời hứa đồng hành cùng Ukraine đến cùng trong cuộc xung đột kéo dài.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.