Xem nhanh: Chiến dịch Nga ngày 216, Ukraine phản đối trưng cầu dân ý, chuyên gia đoán kịch bản hạt nhân

28/09/2022 23:31 GMT+7

Tỉnh trưởng Kharkiv Oleh Syniehubov ngày 27.9 thông báo lực lượng Ukraine đã giải phóng làng Kupiansk-Vuzlovyi ở tả ngạn sông Oskil.

Ông Syniehubov cho biết thêm lực lượng Nga chỉ còn kiểm soát khoảng 6% diện tích của tỉnh Kharkiv, theo tờ Kyiv Independent. Cuộc phản công trong tháng này của Ukraine tại Kharkiv đã giúp nước này giành lại nhiều vùng lãnh thổ.

Trong bản tin cập nhật hôm nay, Bộ Quốc phòng Anh nhận định Nga tăng cường phòng thủ ở miền đông Ukraine, trong bối cảnh lực lượng Ukraine đang tiến đến Luhansk.

Theo Bộ Quốc phòng Anh, trong vài ngày qua lực lượng Ukraine tăng cường hoạt động ở khu vực đông bắc, đạt được những bước tiến nhỏ trên ít nhất hai hướng về phía đông sông Oskil và Siverskyi Donets, nơi Nga củng cố tuyến phòng Nga sau đợt phản công của Kiev hồi đầu tháng 9. Giao tranh cũng tiếp tục diễn ra ở tỉnh Kherson, và tình báo Anh cho rằng "lực lượng Nga ở hữu ngạn sông Dnieper vẫn dễ bị tổn thương".

Trong khi đó, theo Bộ Quốc phòng Anh thì Nga vẫn “tiếp tục nỗ lực tiến đến gần thành phố Bakhmut cho dù đang đối mặt với áp lực nghiêm trọng ở sườn phía bắc và phía nam".

Nga chưa bình luận về báo cáo của Bộ Quốc phòng Anh.Khi trả lời phỏng vấn trên điện thoại hôm nay, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng chiến dịch quân sự ở Ukraine sẽ tiếp tục ít nhất là đến khi giúp “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” tự xưng kiểm soát được hết lãnh thổ.

Phát ngôn này được đưa ra sau khi vùng ly khai Donetsk cùng 3 vùng khác ở Ukraine hoàn thành và công bố kết quả trưng cầu dân ý về việc tách khỏi Ukraine và gia nhập Nga. Những cuộc trưng cầu dân ý này đã bị nhiều phía lên án và bác bỏ, nhưng cũng đang khiến nguy cơ cuộc xung đột ở Ukraine leo thang đến mức sử dụng vũ khí hạt nhân trở thành đáng lo hơn bao giờ hết.

Giới quan chức EU, NATO ngay lập tức đã lên án các cuộc trưng cầu dân ý về gia nhập Nga ở 4 vùng Ukraine là "bất hợp pháp" với kết quả kiểm phiếu "giả mạo".

Quan chức phụ trách chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell viết trên Twitter rằng "Liên minh châu Âu lên án việc tổ chức 'cuộc trưng cầu dân ý' bất hợp pháp cũng như kết quả giả tạo". Ông nói: "Đây là hành động vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Ukraine".

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nói rằng các cuộc trưng cầu dân ý ở 4 vùng Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson đã được dàn dựng, và kết quả không được công nhận.Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 27.9 gọi các cuộc bỏ phiếu do Nga tổ chức tại các vùng Ukraine do Moskva kiểm soát là "sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế" và "bất hợp pháp".

Ngày 27.9, Đại sứ Trương Quân, Trưởng phái đoàn thường trực của Trung Quốc tại LHQ, nói cách tiếp cận của Bắc Kinh trong việc giải quyết vấn đề Ukraine vẫn nhất quán và rõ ràng.Ông Trương khẳng định: “Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia phải được tôn trọng”.

Tuy nhiên, trước việc Mỹ kêu gọi HĐBA lên án những cuộc trưng cầu dân ý do Nga tổ chức tại các vùng lãnh thổ đang kiểm soát, nhà ngoại giao này cho rằng, tình trạng đối đầu theo khối, cô lập chính trị, các biện pháp trừng phạt sẽ chỉ dẫn tới bế tắc.

Trong khi đó, Liên Hợp Quốc tuyên bố duy trì "cam kết" đối với "toàn vẹn lãnh thổ" của Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định Kyiv sẽ bảo vệ công dân của mình ở các khu vực do Nga kiểm soát và gọi các cuộc trưng cầu dân ý là "trò hề", đồng thời nhận định các số liệu trưng cầu đã được định sẵn từ trước.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thì cho biết các cuộc bỏ phiếu có ý nghĩa pháp lý và "cũng sẽ dẫn tới tác động về an ninh", hàm ý việc Nga cảnh báo sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ các vùng lãnh thổ này.

Và giữa tình hình căng thẳng này, thì tại châu Âu lại xảy ra một diễn biến gây quan ngại khác, đó là việc các tuyến khí đốt Nord Stream chạy dưới biển Baltic bất ngờ rò rỉ nghiêm trọng. Những phỏng đoán ban đầu đang nghiêng về khả năng đây là hậu quả của hành động phá hoại cố ý.

Theo một tạp chí của Đức, từ cách đây nhiều tuần Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ, tức CIA, đã cảnh báo Đức về nguy cơ đường ống Nord Stream sẽ bị tấn công.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm nay nói những tuyên bố cho rằng Nga có thể đứng sau nghi vấn phá hoại các đường ống khí đốt là “ngốc nghếch”. Ông nói vụ việc cần được điều tra, và hiện chưa rõ lịch sửa chữa các đường ống này.

Ông cũng nói thêm rằng Moscow nhận thấy doanh thu tăng vọt ở các công ty Mỹ cung cấp khí đốt cho châu Âu.

Cũng cần lưu ý là vụ rò rỉ này không ảnh hưởng nhiều đến nguồn cung khí đốt cho châu Âu, vì công ty Nga Gazprom đã đóng đường ống Nord Stream 1 vào tháng 8, còn đường ống Nord Stream 2 đã bị các nước phương Tây chặn không cho hoạt động trong loạt cấm vận áp đặt lên Nga.

Phát biểu trên kênh kênh NBC News ngày 27.9, Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau nói trong kịch bản Nga sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine, NATO chắc chắn sẽ đáp trả, dù không bằng vũ khí hạt nhân.

Ngoại trưởng Ba Lan nói: "Theo như chúng tôi hiểu, ông Putin đang đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Ukraine song không tấn công NATO. Có nghĩa là NATO nên đáp trả theo cách thông thường".

"Tuy nhiên, đáp trả sẽ tàn khốc. Tôi cho rằng đây là thông điệp rõ ràng mà NATO đang gửi đến Nga".

Thưa quý vị, sau các cuộc trưng cầu dân ý về gia nhập Nga được tổ chức ở 4 vùng lãnh thổ Ukraine, chính quyền Kyiv đã kêu gọi phương Tây tăng mạnh hỗ trợ quân sự cho nước này.

Bộ Ngoại giao Ukraine trong thông báo hôm nay 28.9 viết: "Chúng tôi đề nghị EU, NATO và G7 lập tức gia tăng hơn nữa áp lực lên Nga, bao gồm áp thêm lệnh trừng phạt cứng rắn, và tăng đáng kể viện trợ quân sự cho Kyiv".

Phía Ukraine kêu gọi phương Tây cung cấp "xe tăng, máy bay chiến đấu, xe bọc thép, pháo tầm xa, hệ thống phòng không, phòng thủ tên lửa". Kyiv cũng kêu gọi "tất cả quốc gia và tổ chức trên thế giới lập tức lên án hành động phi pháp của Nga tại các vùng lãnh thổ nước này kiểm soát ở Ukraine, tăng cường cô lập Moscow".

Theo hãng tin Reuters, Mỹ đang chuẩn bị cho một gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine trị giá lên đến 1,1 tỉ USD. Gói viện trợ này dự kiến sẽ bao gồm tổ hợp pháo phản lực phóng loạt HIMARS và đạn dược, các hệ thống radar và chống UAV, cùng với linh kiện, hỗ trợ huấn luyện và kỹ thuật.

Trong khi đó, ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine vẫn cố gắng hoạt động trong tình hình khó khăn, và cũng đã đạt được những thành tựu đáng kể. Nếu chúng ta còn nhớ thì hồi tháng 4, Ukraine tuyên bố rằng một soái hạm Nga đã phát nổ do trúng tên lửa Neptune do Ukraine sản xuất. Và gần đây, Ukraine đã mang đến một triển lãm quốc phòng ở Ba Lan những loại vũ khí đã giúp Kyiv chống lại quân Nga, trong đó có tên lửa Neptune.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.