WHO cảnh báo chưa thể xem Covid-19 như cúm

13/01/2022 20:30 GMT+7

WHO vừa đưa ra cảnh báo rằng vẫn còn quá sớm để các nước có thể xem Covid là một căn bệnh đặc hữu như bệnh cúm, bởi vì vẫn còn quá nhiều điều chưa chắc chắn liên quan sự lây lan của biến thể Omicron .

Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge nói hôm 11.1 Omicron đang trên đà lây nhiễm cho hơn một nửa dân số châu Âu trong 2 tháng tới.

Trong tuần đầu tiên của năm 2022, châu Âu thông báo đã có hơn 7 triệu ca nhiễm mới, tăng gấp đôi chỉ trong 2 tuần.

Đã có 50 trong tổng số 53 quốc gia ở châu Âu và Trung Á ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể Omicron.

Được các nhà khoa học ở Nam Phi phát hiện lần đầu tiên vào tháng 11.2021, biến thể Omicron đã nhanh chóng lan rộng ra nhiều nước và hiện đã có mặt ở ít nhất một phần ba các quốc gia trên thế giới.

Covid-19 vẫn còn cần thời gian để được xem là một bệnh đặc hữu.

ẢNH: VNCDC.

Một số nghiên cứu đã cho thấy người nhiễm biến thể Omicron sẽ ít nguy cơ phải nhập viện như biến thể Delta.

WHO sau đó đã cảnh báo rằng vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để khẳng định điều này.

Tuy nhiên, một số chính phủ châu Âu và trên thế giới đã bắt đầu xem xét khả năng xem Covid-19 như một bệnh đặc hữu.

Ngày 10.1, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nói có thể đã đến lúc cần nhìn nhận Covid theo một cách khác, xem như bệnh cúm do khả năng gây chết người của Covid-19 đã giảm xuống.

Ngày 9.1, hãng tin Sky News dẫn lời Bộ trưởng Giáo dục Anh Zahawi bày tỏ hy vọng rằng "nước Anh sẽ là một trong những nền kinh tế lớn đầu tiên cho thế giới thấy cách chuyển đổi trạng thái từ đại dịch sang bệnh đặc hữu".

Hôm 11.1, Tiến sĩ Anthony Fauci, Trưởng cố vấn y tế tổng thống Mỹ, cũng thừa nhận việc xóa sổ Covid-19 là điều “phi thực tế” và dự báo biến thể Omicron sẽ lây nhiễm cho tất cả mọi người.

Ông cũng cho rằng Mỹ đang tiếp cận ngưỡng có thể sống chung với Covid-19 và coi nó như loại bệnh có thể kiểm soát được.

Tuy nhiên, cũng hôm 11.1, bà Catherine Smallwood, quan chức cao cấp của WHO tại Châu Âu, đã cảnh báo không nên coi virus này là bệnh đặc hữu.

Bà nói: “Còn rất nhiều điều chưa chắc chắn và một loại virus đang phát triển khá nhanh đang đặt ra những thách thức mới cho chúng ta. Chúng ta chắc chắn chưa đến mức có thể gọi nó chỉ là bệnh đặc hữu”.

Theo ông Kluge, 26 quốc gia ở châu Âu báo cáo rằng cứ mỗi tuần có hơn 1% dân số của họ đang nhiễm Covid-19. Ông cũng khuyến cáo hạn chế đi lại giữa các quốc gia nhằm giúp hệ thống y tế của họ không bị quá tải.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.