Washington - Bắc Kinh giữa căng thẳng trên không trung

13/02/2023 07:10 GMT+7

Những diễn biến gần đây tại bắc Mỹ cho thấy Mỹ và Trung Quốc liên tục "đụng độ" trên không, phản ánh giai đoạn căng thẳng mới trong quan hệ song phương và buộc Lầu Năm Góc đánh giá lại năng lực bảo vệ không phận.


Cuối tháng trước, một camera gắn vào kính viễn vọng Subaru (Nhật Bản) trên đỉnh núi cao nhất tiểu bang Hawaii là Mauna Kea đã chụp được cảnh tượng kỳ lạ: một bức màn gồm những chấm nhỏ tia laser màu xanh buông xuống bầu trời đêm của tiểu bang Mỹ. Bức màn ánh sáng xuất hiện ngày 28.1, trùng vào ngày Mỹ phát hiện khinh khí cầu do thám của Trung Quốc ở ngoài khơi Alaska, theo báo Stars and Stripes ngày 11.2.

Washington - Bắc Kinh giữa căng thẳng trên không trung - Ảnh 1.

Bức màn các chấm nhỏ màu xanh bên trên bầu trời Hawaii hôm 28.1

TL

Chuyện gì đã xảy ra ở Hawaii?

Khi ấy, Đài thiên văn Quốc gia Nhật Bản (NAOJ), đơn vị sở hữu camera, cập nhật trên tài khoản YouTube rằng chùm tia laser đến từ thiết bị ATLAS của vệ tinh ICESat-2 thuộc Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA). Đến ngày 6.2, NAOJ cập nhật thông tin mới: NASA xác nhận vệ tinh của họ không phóng bức màn tia laser xanh bên trên bầu trời Hawaii. Đài thiên văn Nhật Bản dẫn lời tiến sĩ Alvaro Ivanoff làm việc cho NASA tính toán được nhiều khả năng vệ tinh Daqi-1 của Trung Quốc đứng sau vụ việc.

Daqi-1 được phóng hồi tháng 4 năm ngoái, mà theo Trung Quốc là vệ tinh theo dõi môi trường khí quyển. Chưa có thông tin chính thức từ Trung Quốc, nhưng sự xuất hiện của bức màn tia laser bên trên bầu trời tiểu bang Hawaii diễn ra vào thời điểm khinh khí cầu do thám của Bắc Kinh đang gây xôn xao dư luận Mỹ.

Ngày 10.2, người phát ngôn John Kirby của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ thông báo không quân nước này vừa xuất kích F-22 bắn hạ một vật thể chưa xác định trong phạm vi không phận Mỹ ở ngoài khơi bang Alaska. Reuters dẫn lời chuẩn tướng Patrick Ryder, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, bổ sung vật thể trên di chuyển ở độ cao 12.192 m, bị bắn rơi ở phía đông bắc Alaska, gần biên giới Canada. Quân đội Mỹ đang tìm kiếm xác vật thể này để phân tích.

Trong quá khứ, không ít lần khinh khí cầu xuất hiện trên bầu trời khắp năm châu, từ Mỹ La tinh, Nam Mỹ, Đông Nam Á, Đông Á và châu Âu. Tuy nhiên, nếu dựa trên thông tin chính thức, chưa có nước nào quyết định bắn rơi khinh khí cầu của Trung Quốc như Mỹ.

Mỹ chia sẻ thông tin về khinh khí cầu của Trung Quốc cho 40 quốc gia

Hệ thống phòng thủ tầm cao

Trước khi xuất kích F-22 hôm 10.2, Bộ Chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ (NORAD) đã phát hiện vật thể chưa xác định từ ngày 9.2 và theo dõi bằng radar trên mặt đất. Vật thể bị bắn hạ ở độ cao trên 12.000 m, còn trong trường hợp đầu tiên, ngày 4.2 tên lửa AIM-9X Sidewinder bắn trúng khinh khí cầu Trung Quốc ở độ cao khoảng 18.000 m. Như vậy, vệ tinh hoặc khinh khí cầu di chuyển ở độ cao nào thì các nước có quyền bắn hạ vì lý do xâm phạm không phận?

Ngày 11.2, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết đã chỉ đạo bắn rơi một vật thể chưa xác định xâm phạm không phận nước này. "Tôi đã ra lệnh bắn hạ một vật thể chưa xác định xâm phạm không phận Canada. NORAD đã bắn rơi vật thể bên trên bầu trời Yukon. Máy bay Canada và Mỹ cùng xuất kích và một máy bay F-22 Mỹ bắn trúng mục tiêu". Đây là lần thứ 3 trong vòng 1 tuần máy bay Mỹ bắn rơi một vật thể bên trong không phận Bắc Mỹ, thuộc quyền kiểm soát của NORAD.

Chuyên san nguồn mở Inquiries Journal phục vụ nghiên cứu của giới học giả đã đề cập một nguyên tắc cơ bản của luật hàng không quốc tế: mỗi quốc gia có chủ quyền hoàn toàn và xuyên suốt đối với không phận bên trên lãnh thổ, bao gồm không phận trên lãnh hải. Nguyên tắc này đã được khẳng định dứt khoát trong nhiều hiệp ước quốc tế, bao gồm Công ước Paris về Quy định Hàng không năm 1919, Công ước Chicago về Hàng không dân dụng quốc tế năm 1944.

Nói về phạm vi, không phận được cho chấm dứt ở điểm khí quyển tiếp giáp với không gian vũ trụ bên ngoài. Đa số chuyên gia nhất trí rằng không gian bắt đầu từ điểm khi mà các lực kéo trên quỹ đạo mạnh hơn lực khí động học. Theo chuyên san National Geographic, trong khi các chuyên gia cho rằng phạm vi không gian bắt đầu ở độ cao 100.000 m, Không quân Mỹ, NASA và các cơ quan khác của Mỹ lại chọn độ cao 80.000 m khi phê duyệt các chuyến bay vào quỹ đạo trái đất.

F-22 Mỹ dùng loại tên lửa nào bắn nổ khinh khí cầu Trung Quốc?

Về năng lực bảo vệ không phận của các nước, điều này tùy thuộc vào năng lực của không quân mỗi nước. Chẳng hạn, trong vụ bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc hôm 4.2, tướng Glen VanHerck, người đứng đầu NORAD và Bộ Tư lệnh miền Bắc của Mỹ (USNORTHCOM), cho biết chiếc tiêm kích F-22 di chuyển ở độ cao 17.670 m trước khi khai hỏa tên lửa AIM-9X Sidewinder về phía mục tiêu khoảng 18.000 m.

Đến nay vẫn chưa có thông tin về năng lực của các nước như Trung Quốc trong việc bảo vệ không phận, dù đa số các dòng máy bay chiến đấu chỉ hoạt động tối đa ở độ cao khoảng 13.700 m, theo trang The Conversation. Về năng lực diệt vệ tinh, hiện chỉ có Mỹ, Trung Quốc và Nga được cho đã phát triển loại vũ khí này, với Trung Quốc lần đầu tiên bắn hạ vệ tinh của mình vào năm 2007, kế đến là Mỹ vào năm 2008.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.