Vườn cao su của ông giáo về hưu

14/12/2023 15:00 GMT+7

Hơn 10 năm trước, khi rời quê lên TP.HCM học đại học thì huyện Tân Châu, Tây Ninh của tôi bắt đầu rục rịch thay những cánh đồng mía, mì thành những rừng cao su bạt ngàn...

Phía sau nhà tôi, đất không rộng lắm. Thế nhưng vì nghe cao su đang được giá nên ba tôi, một ông giáo về hưu, cũng tranh thủ dọn cỏ và phủ lên mảnh đất ấy hơn 100 cây cao su. Ba hy vọng một ngày nào đó vườn cao su sẽ giúp gia đình đổi đời, có cuộc sống tốt hơn.

Toàn cảnh TP.Tây Ninh từ trên cao

Toàn cảnh TP.Tây Ninh nhìn từ trên cao

Nguyễn Nhật Tường

Thỉnh thoảng tôi cập nhật tin tức qua lời kể của ba cùng vô số việc khác mà đứa xa nhà như tôi không thể hình dung hết. Nào là, "dạo này cây cao su cao như vầy" hay "hôm nay ba đi bón phân cho cây"... Ba còn nói: "Nếu sau này đến lúc cạo mủ, giá cao su vẫn 'nóng' như hiện nay thì cả vùng sẽ 'ngon lành'".

Thế nhưng sau 5 năm, sau những mùa mưa nắng, một số cây đã chết hoặc bị gió quật gãy, chỉ còn những cây đủ mạnh mẽ ở lại vươn mình lớn lên, thẳng tắp, cứng cáp. Đó là lúc ba tôi có thể bắt đầu thu hoạch mủ. Nhưng buồn thay, khi nhà tôi và bà con đang bước vào giai đoạn háo hức gặt hái thành quả thì nghe đâu cao su đã rớt giá hơn một nửa vì ảnh hưởng từ phía thương nhân Trung Quốc.

Tuy vậy, ba vẫn kiên trì giữ lại đám cao su dù giá có thấp hơn so với mong đợi. Khi đó tôi nhận ra rằng nhờ có vườn cao su, nhờ sự chịu khó học hỏi của ba mà nhà tôi có những cải thiện về cuộc sống. Dù không bằng nhiều người nhưng đủ có những đầu tư về việc học tốt cho hai đứa con.

Những năm ra trường đi làm, tôi có thời gian về thăm nhà nhiều hơn. Chứng kiến những gì ba làm tôi mới thấm thía hết vất vả mà ba chưa bao giờ kể qua. Trước đó, tôi cũng chỉ cảm nhận rằng, nhờ có ba, có vườn cao su xanh um kia mà chị em tôi mới có cuộc sống đủ đầy hơn.

Rồi ba kể ba thuê 2 thanh niên nam và nữ ở trong xóm để cạo mủ. Vì ít được học hành, họ lấy công việc cạo mủ cao su làm nghề mưu sinh. Công việc thường bắt đầu vào lúc 2-3 giờ sáng, thời gian được cho là cây cao su cho ra mủ nhiều nhất. Vì cuộc sống, hai bạn trẻ ấy không màng đến sức khỏe của mình, thậm chí là nguy hiểm vì thời tiết vào giữa khuya thường lạnh giá, sương đêm buông xuống có thể đổ bệnh. Mỗi lần nhận tiền từ ba, hai bạn trẻ đều cảm ơn ba tôi đã trao cơ hội việc làm, để có kinh tế ổn định lo cho cả gia đình. Nhưng tôi lại không nghĩ thế, gia đình tôi thầm cảm ơn hai bạn trẻ vì đã phụ ba một tay.

Vườn cao su của ông giáo về hưu - Ảnh 3.

Cao su mùa thay lá

Hoàng Giáp

Những lúc về nhà, tôi thường dậy sớm theo mẹ làm việc lặt vặt trong nhà. Vì vậy, mà tôi cũng chứng kiến được nghề "thầm lặng" mà lâu nay ba làm từ khi ông về hưu, đó là chở mủ cao su đi bán. Tôi cứ ngỡ ba chỉ chăm sóc vui cho vườn cây ăn trái với vài cây mít, cây xoài quanh nhà nên tôi chưa bao giờ hình dung ba tôi bận rộn và cực nhiều như thế.

Chỉ cần dậy sớm, không nhìn thấy ba là tôi biết ba đã đi trút mủ mà những thợ cao lúc khuya để đem đi giao cho các đại lý thu mua. Khi mặt trời dần lên cao, tôi thấy bóng dáng ba về ngay cổng, phía trước là chiếc xe máy cũ kĩ, theo sau là chiếc thùng sắt chở những thùng nhựa rỗng sau khi đã giao mủ cho đại lý.

Nhìn thấy mái đầu ba bạc trắng, trong bộ quần áo đã sờn vai nhiều năm, dáng đi chầm chậm, dắt xe vào trong sân, tôi thấy thương ba vô cùng. Tôi biết giá cao su đã xuống nhiều nhưng không biết hiện tại đang ở mức nào. Tôi loáng thoáng nghe được ba tính toán với mẹ, hôm nay được bao nhiêu ký rồi quy ra độ mủ và được bao nhiêu tiền sau khi trừ đi tiền công trong ngày. Đúng vậy, sức hút của cây cao su ngày nay đã giảm thật rồi. Nhưng, tôi tin rằng tình yêu của ba dành cho đám cao su kia vẫn luôn tràn đầy và thật đáng trân trọng biết bao.

Cuối tuần, tôi lại về thăm nhà. Và cũng như bao lần khác, tôi sẽ mon men ra sau nhà, đứng nhìn ngắm vườn cao su, cao vút, vượt hơn tôi gấp nhiều lần. Trải qua mấy chục năm, hình ảnh cây cao su với bao mùa thay lá sẽ mãi là hình ảnh thân thiết với nhà tôi, cũng như bà con vùng quê. Vì dù sao, nhờ đó mà cuộc sống của biết bao gia đình được cải thiện, và còn một phần tạo việc làm cho những người có số phận kém may mắn, phải đi làm công, làm thuê ở vùng đất đầy nắng và gió này.

Vườn cao su của ông giáo về hưu - Ảnh 1.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.