Một Bù Đăng thương nhớ, nhớ thương

13/12/2023 09:00 GMT+7

Tôi sinh ra ở huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước (được tách ra từ tỉnh Sông Bé cũ), sống ở đó với gia đình trong căn nhà tranh xập xệ khoảng 3 năm thì mẹ chuyển công tác về lại quê nhà Tiền Giang dạy học.

Ký ức của tôi về nơi ấy không quá nhiều nhưng mỗi lần tôi quay lại chốn này đều mang trong lòng những cảm xúc khó tả.

Đặc sản cơm lam của đồng bào S'tiêng

Đặc sản cơm lam của đồng bào S'tiêng (trong một dịp lễ tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo, huyện Bù Đăng, Bình Phước)

CTV

Bù Đăng là một huyện miền núi. Phía đông có vị trí tiếp giáp với tỉnh Lâm Đồng, phía bắc giáp với tỉnh Đắk Nông, phía nam giáp Đồng Nai và phía tây bắc giáp với huyện Phước Long. Bù Đăng là huyện có diện tích lớn nhất ở Bình Phước với hơn 1.500 km2, bao gồm 15 xã và 1 thị trấn. Khí hậu nơi đây được chia thành hai mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô.

Đến với Bù Đăng vào tháng 3, 4 sẽ được có cơ hội chiêm ngưỡng những vườn hoa cà phê nở trắng xóa, vào tháng cuối năm thì sẽ nhìn thấy những bông hoa dã quỳ vàng rực dưới ánh nắng mặt trời. Nơi đây còn có những thác nước đẹp, những cánh rừng cao su bạt ngàn, có một phần diện tích của Vườn quốc gia Cát Tiên và tiếng chày giã gạo quanh ánh lửa hồng của người dân trên sóc Bom Bo hào hùng thuở nào.

Ngày xưa Bù Đăng nghèo lắm, những năm cuối thế kỷ 20, nhiều nhà còn ăn bo bo thay cơm mà. Tôi được sinh ra vào khoảng thời gian đó nên thiếu thốn trăm bề. Được cái ăn cái mặc cũng nhờ vào đồng lương ít ỏi từ nghề giáo viên của mẹ. Những ngày tháng đó ba tôi ít ra rẫy hơn để ở nhà thay mẹ chăm sóc tôi.

Gia đình tôi may mắn vì có những người hàng xóm tốt bụng giúp đỡ, cứ vài ba hôm có cô chú qua nhà cho bánh, sữa, trái cây, nhu yếu phẩm. Rồi họ tranh nhau bồng tôi dỗ dành. Qua lời kể của mẹ, tôi như được nâng niu nhất cái chốn này lúc ấy, bởi lẽ họ yêu con nít, yêu tiếng cười của trẻ thơ mỗi sớm mai thức giấc.

Do chỉ ở tạm vài năm để mẹ công tác nên nhà tôi không có sắm vô tuyến để xem, nếu không có hàng xóm qua chơi thì buồn não nuột.

Được cái, không khí trong lành vô cùng vì xung quanh là rừng cao su bạt ngàn, gần đó có con suối nhỏ chảy qua mang hơi nước phả vào nhà mát rượi. Mẹ kể lại lúc ấy nghèo khó, thô sơ, nhưng người dân chân chất thật thà, hàng xóm láng giềng rau cháo có nhau. Thêm nữa, mẹ còn có tôi, có ba và những học trò nhỏ vùng sâu thì chẳng có lý do gì khiến mẹ phải chán nản cái vùng "đất cày lên sỏi đá" này. Những kỷ niệm đẹp đẽ như vậy có đi xa cũng chỉ mãi nhớ về chứ không thể nào quên lãng được.

Năm tôi lên 7, ba có đưa tôi quay lại Bù Đăng, những người hàng xóm xưa cũ còn ở đó, tôi được dịp chào hỏi họ và được tặng những món đồ chơi bé bé xinh xinh…

Thế rồi thời gian qua đi, Bù Đăng hôm nay thay da đổi thịt từng ngày. Tôi có dịp quay lại đây, thấy mọi thứ khác trước rất nhiều - một nhịp sống mới đầy hứa hẹn. Những người hàng xóm của tôi thuở xưa đã di cư đến nơi khác lập nghiệp, để lại đây những vùng đất trống đang được quy hoạch lên thành dự án mới.

Không còn ai ở nơi đây biết đến tôi để nhận ra được cái thằng bé đã từng sống, từng hít thở cái bầu không khí trong lành này suốt hơn hai mươi năm qua biền biệt... Chắc có lẽ người không nhớ nhưng rừng nhớ, đất nhớ và chính bản thân tôi cũng đang hướng về nơi chôn rau cắt rốn của mình.

Chợt có tiếng gà trưa văng vẳng bên tai "Ò... ó… o...", một cơn gió nhẹ mang theo hương rừng thoảng qua. Nắng cười khúc khích rồi chạy lăn tăn trên những tán cây, nhánh lá. Tôi dựng chống chân xe máy của mình lại rồi ngồi xuống, ngả lưng dưới một bóng râm, hít thở thật sâu vào lồng ngực để cảm nhận rõ hơn cái mùi vị thơm thảo của miền đất Đông Nam bộ thân thương này.

Xa rồi thì nhớ. Quay lại thì thương. Một Bù Đăng trong tim đầy thương nhớ, nhớ thương gọi về...

Một Bù Đăng thương nhớ, nhớ thương - Ảnh 1.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.