'Vua tiêu dùng' Việt Nam - Từ kinh doanh hiệu quả đến phát triển bền vững

13/10/2023 06:36 GMT+7

Trong gian bếp của mỗi gia đình Việt Nam hiện nay dường như đều có ít nhất một sản phẩm của Masan.

"Thống trị" ngành hàng tiêu dùng trong nước nên việc xanh hóa cả sản xuất và tiêu dùng của "ông lớn" sẽ tạo ra xu thế, thậm chí thay đổi thói quen mua sắm của thị trường nội địa. Đó cũng là điều mà tập đoàn của tỉ phú Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan, hướng tới.

Từ tiêu dùng xanh

Theo khảo sát mới đây của Nielsen Việt Nam, 80% người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm có cam kết xanh và sạch, sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường. Có thể thấy, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng khiến người tiêu dùng thay đổi hành vi mua sắm, tiêu dùng. Nếu trước đây với nhiều người, tiêu chí đầu tiên để mua sắm là rẻ thì giờ đây an toàn là yếu tố hàng đầu. Đây chính cơ hội để các doanh nghiệp tạo lập giá trị thương hiệu và nâng cao hiệu quả kinh doanh, bằng cách xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng thông qua các cam kết về trách nhiệm xã hội và môi trường, đặt vấn đề sức khỏe người tiêu dùng vào trọng tâm của việc phát triển sản phẩm.

Vua tiêu dùng Việt Nam Từ kinh doanh hiệu quả  đến phát triển bền vững - Ảnh 1.

14 nông trường công nghệ cao WinEco cung cấp rau củ quả sạch đến người tiêu dùng thông qua hệ thống WinMart/WinMart+

Là tập đoàn đa ngành, Masan cùng các công ty thành viên là những doanh nghiệp hàng đầu trong các lĩnh vực thiết yếu có ảnh hưởng sâu rộng đến hơn 100 triệu người Việt Nam như: bán lẻ, hàng tiêu dùng nhanh, thịt mát và thịt chế biến có thương hiệu, chuỗi F&B, dịch vụ tài chính, viễn thông và vật liệu công nghiệp công nghệ cao. Ý thức sâu sắc vai trò và trách nhiệm của mình với cộng đồng, xã hội, Masan đã không ngừng nâng cao các tiêu chuẩn về phát triển bền vững.

Cụ thể mảng bán lẻ với hệ thống hơn 3.500 siêu thị, cửa hàng WinMart/WinMart+ luôn duy trì tỷ lệ hàng Việt đạt 90%, thực hiện tốt vai trò cầu nối giúp các doanh nghiệp với nhà sản xuất nội địa nhằm đem lại các sản phẩm chất lượng cao, nêu cao tinh thần người Việt dùng hàng Việt. Chuỗi siêu thị này chung tay bảo vệ môi trường bằng giải pháp khuyến khích thay thế túi nilon bằng 100% túi tự hủy sinh học; thực hiện các chương trình khuyến mại đối với khách hàng tự sử dụng túi đựng nhiều lần nhằm hình thành thói quen tiêu dùng xanh khi mua sắm…

Ở lĩnh vực hàng tiêu dùng, kinh doanh thịt có thương hiệu, Masan liên tục có những phát kiến mới về sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn và tốt cho sức khỏe. Các tổ hợp chế biến thịt MEATDeli đều được công nhận đạt chứng chỉ BRC - Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm. Chứng chỉ có giá trị quốc tế trong ngành thực phẩm và được xem là tấm vé thông hành cho doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm. Các nhà máy chế biến hàng tiêu dùng của Masan Consumer đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải hiện đại do đối tác Hà Lan thiết kế tại các nhà máy trên cả nước. Tất cả các kết quả kiểm tra chất lượng xử lý nước thải đầu ra đều đạt tiêu chuẩn loại A, tiêu chuẩn cao nhất Việt Nam.

Thống trị ngành hàng tiêu dùng nội địa nên việc sản xuất xanh của Masan sẽ tác động rất lớn đến xu hướng tiêu dùng xanh, từ đó góp phần vào lối sống xanh và chung tay vào mục tiêu giảm phát thải ròng xuống 0% vào năm 2050 của Chính phủ. Chị H.M (Q.4, TP.HCM), tín đồ của thịt mát MEATDeli, chia sẻ: "Lúc đầu tôi chuyển sang thịt mát MEATDeli vì nhìn cách đóng gói đẹp, sạch, tiện lợi chứ chưa nghĩ đến xanh, sạch gì cả. Nếu đó là sản xuất xanh thì coi như mình cũng bắt trend rồi". Rất nhiều bà nội trợ cũng giống như chị H.M, chọn sản phẩm dựa trên sự tiện lợi, bắt mắt, thậm chí là xem quảng cáo nhiều... Vì vậy, việc sản xuất xanh của các công ty tiêu dùng, nhất là những tập đoàn lớn như Masan là hết sức quan trọng để tạo ra xu hướng tiêu dùng và xa hơn là góp phần tạo ra một lối sống xanh.

Đến sản xuất xanh

Trên thực tế, sản xuất xanh được Tập đoàn Masan triển khai khá sớm. Kể từ khi mỏ vonfram - đa kim Núi Pháo (Thái Nguyên) được đưa vào khai thác, Masan High-Tech Materials, công ty thành viên của tập đoàn đã tiến hành trồng hàng chục hecta cây keo theo phương án cải tạo, phục hồi môi trường. Ngoài tác dụng chính là giảm thiểu tác động của các nguồn gây ô nhiễm từ hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, đây cũng là những bể hấp thụ carbon quan trọng.

Vua tiêu dùng Việt Nam Từ kinh doanh hiệu quả  đến phát triển bền vững - Ảnh 2.

Các cơ sở sản xuất của Masan góp phần tạo ra công ăn việc làm, giúp cải thiện đời sống của người dân địa phương

M.S

Bên cạnh đó, công ty cũng theo dõi để tính toán thêm lượng carbon được hấp thụ từ diện tích rừng trồng thay thế cho dự án Núi Pháo. Từ năm 2018, công ty đã ký quỹ 1,5 tỉ đồng cho Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Thái Nguyên để trồng thay thế 26,7 ha rừng đã được đền bù, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án Núi Pháo. Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Thái Nguyên đã sử dụng số tiền này để trồng 50 ha rừng phòng hộ và rừng đặc dụng tại các xã Bảo Linh, Định Biên, Phú Đình (H.Định Hóa, Thái Nguyên). 

Các loại cây được trồng và bảo vệ tại diện tích rừng này là quế, lim xanh, lát hoa và các loại cây thân gỗ tái sinh… hiện đang phát triển, tạo tán tốt. Công ty cũng đã phối hợp với Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Thái Nguyên thu thập thông tin, tính toán khả năng hấp thụ carbon thông qua diện tích rừng đã trồng, đồng thời nghiên cứu các chương trình hợp tác đầu tư trồng rừng trong thời gian tới tại tỉnh Thái Nguyên.

Theo tính toán ban đầu, lượng CO2 tích lũy từ diện tích rừng trồng theo phương án cải tạo, phục hồi môi trường hằng năm và diện tích rừng trồng thay thế tại H.Định Hóa vào khoảng 5.736 tấn. Việc bù đắp carbon từ cây xanh như là một giải pháp cầu nối cần chú trọng thực hiện để hướng đến mục tiêu trung hòa carbon, cân bằng khí hậu.

Vua tiêu dùng Việt Nam Từ kinh doanh hiệu quả  đến phát triển bền vững - Ảnh 3.

Tuân thủ quy định bảo vệ môi trường, gần 80% tỷ lệ nước được tái sử dụng tại Masan High-Tech Materials

M.S

Đặc biệt, trong bối cảnh nhu cầu xe điện đang gia tăng mạnh mẽ, H.C.Starck Tungsten Powders, một công ty thành viên của Masan High-Tech Materials, vừa đạt được bước tiến quan trọng khi sử dụng vonfram để cải thiện hiệu suất và độ an toàn của pin. Cụ thể, doanh nghiệp này phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu năng lượng mặt trời và hydrogen daden-Württemberg (ZSW) của Đức, nghiên cứu về việc sử dụng lớp phủ ca-tốt gốc vonfram trong pin li-ion. Bà Julia Meese-Marktscheffel, Giám đốc công nghệ và đổi mới sáng tạo toàn cầu H.C.Starck, cho rằng theo các tài liệu khoa học đã công bố, lớp phủ gốc vonfram làm tăng đáng kể tính ổn định của chu kỳ pin li-ion kể cả với các hạt có trọng lượng rất nhỏ.

Thành tựu nghiên cứu ban đầu của H.C.Starck được đánh giá là bước tiến quan trọng. Khi bối cảnh hiện nay, công nghệ xe điện đang bùng nổ mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, đòi hỏi công nghệ pin phải "bứt tốc" để có thể đáp ứng tốc độ phát triển đó.

Chia sẻ thêm về thành tựu đáng khích lệ này, ông Hady Seyeda, Phó tổng giám đốc Masan High-Tech Materials, Tổng giám đốc H.C.Starck, khẳng định: "Chúng tôi coi việc hợp tác này như một bước tiến quan trọng trong phát triển các vật liệu như vonfram trong sản xuất và sử dụng pin. Nhu cầu xe điện đang gia tăng mạnh mẽ thì việc sản xuất pin với hiệu suất cao hơn và an toàn hơn chính là yếu tố quan trọng thúc đẩy sử dụng và ứng dụng pin rộng rãi trên phạm vi toàn cầu".

Và triệu bữa cơm có thịt cho trẻ em vùng cao

Ngày 5.9, chương trình "Một triệu bữa cơm có thịt" được chính thức khởi động tại Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Măng Cành (Kon Tum). Đây là chương trình ý nghĩa do thương hiệu CHIN-SU đồng hành cùng Quỹ Trò nghèo vùng cao chính thức khởi động đúng ngày khai giảng năm học mới.

Vua tiêu dùng Việt Nam Từ kinh doanh hiệu quả  đến phát triển bền vững - Ảnh 4.

Đồng hành cùng chương trình “Một triệu bữa cơm có thịt” cho trẻ em vùng cao

M.S

Theo khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, chỉ 26,2% số người tham gia khảo sát cho biết họ có điều kiện để ăn thịt cá hằng ngày. Bên cạnh đó, theo báo cáo tổng điều tra năm 2020 của Viện Dinh dưỡng, mặc dù tỷ lệ suy dinh dưỡng toàn quốc đã giảm, tỷ lệ thấp còi ở trẻ em là người dân tộc thiểu số vẫn cao gấp 2 lần nhóm trẻ là người Kinh (31,4%). Đồng thời tỷ lệ trẻ em là người dân tộc thiểu số thiếu cân cũng cao hơn gấp 2,5 lần so với trẻ em là người Kinh (21% so với 8,5%). Những con số thực tế nêu trên cho thấy việc chăm sóc dinh dưỡng là ưu tiên đặc biệt cho sự phát triển toàn diện của trẻ em vùng cao, và cần có sự góp sức của doanh nghiệp và cộng đồng.

Trước thực trạng đó, với mục tiêu hỗ trợ dinh dưỡng cho các em ở những khu vực còn nhiều khó khăn, "Một triệu bữa cơm có thịt" với tổng kinh phí lên đến 10 tỉ đồng trong năm học 2023 - 2024 đã mang đến những bữa ăn ấm áp yêu thương, đưa các em đến trường đều đặn hơn, hướng tới phát triển toàn diện thể lực, tầm vóc, trí tuệ. Với CHIN-SU, một triệu bữa cơm có thịt cho trẻ vùng cao là triệu tấm tình trao đến các em, bắt đầu từ một bữa ăn ngon lành đủ đầy.

Vua tiêu dùng Việt Nam Từ kinh doanh hiệu quả  đến phát triển bền vững - Ảnh 5.

M.S

Ông Nguyễn Anh Tú, Phó chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ kiêm Giám đốc Quỹ Trò nghèo vùng cao, nhận định: "Sự đồng hành của CHIN-SU là một mảnh ghép vô cùng ý nghĩa trong bức tranh ấm lòng vùng cao, góp phần đưa con chữ vào từng nếp nhà nhỏ ở những vùng núi xa, nơi có những học sinh còn nhiều gian khó. Chương trình "Một triệu bữa cơm có thịt" cho học sinh nghèo vùng cao là một dấu ấn, một khởi đầu vô cùng ý nghĩa và thiết thực về sự chung tay chia sẻ của doanh nghiệp Việt vì cộng đồng. Hôm nay cơm có thịt bắt đầu lan tỏa rộng khắp tại các tỉnh vùng núi phía bắc, Tây nguyên… với sự chung tay của nhãn hàng CHIN-SU. Cảm ơn CHIN-SU đã cảm thông, thấu hiểu và đồng hành cùng Trò nghèo vùng cao với chương trình Một triệu bữa cơm có thịt".

Bà Đinh Hồng Vân, Giám đốc Marketing cấp cao, đại diện thương hiệu CHIN-SU, cho biết mục đích của chương trình là mong muốn chia sẻ khó khăn của các em nhỏ vùng cao và tiếp sức cho những đôi chân bé nhỏ vững bước tới trường. "Chúng tôi tin rằng sự đồng lòng, chung tay của thầy cô giáo, phụ huynh, Quỹ Trò nghèo vùng cao và thương hiệu CHIN-SU sẽ mang đến cho các bé những ngày học ấm áp trong hành trình trau dồi con chữ cho tương lai của mình", bà Vân nói.

Vì những đóng góp cho nền kinh tế và cộng đồng xã hội, Masan đã được ghi nhận bằng việc liên tiếp có mặt trong các bảng xếp hạng uy tín trong nước lẫn quốc tế năm 2023 như: Top 50 Doanh nghiệp Phát triển bền vững (Nhịp cầu Đầu tư); Top 50 Công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam (Forbes Vietnam), Top 50 Công ty Kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam - Doanh nghiệp tỉ USD (Nhịp cầu Đầu tư); IR Awards (Vietstock), Giải thưởng "Nơi làm việc tốt nhất châu Á" (HR Asia Award), Giải thưởng "Nhà bán lẻ của năm" (Asia Fruit Awards)…

Đầu tư theo chuẩn mực ESG (môi trường, trách nhiệm xã hội, quản trị doanh nghiệp) đang trở thành xu thế trên thế giới. Bên cạnh việc đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, quỹ đầu tư còn sàng lọc và đầu tư vào các công ty đạt điểm đánh giá cao về các tiêu chuẩn ESG. Việc thực hiện và công bố thông tin ESG minh bạch sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được kỳ vọng của người tiêu dùng và khách hàng, đồng thời góp phần gia tăng niềm tin đối với nhà đầu tư trên thị trường tài chính trong nước lẫn quốc tế. Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đầu ngành đã đầu tư và thực hành rất tốt các yêu cầu về phát triển bền vững và đạt được nhiều kết quả khả quan. Đó cũng chính là con đường mà Masan theo đuổi: Từ kinh doanh hiệu quả đến phát triển bền vững. 

Cùng với hoạt động bảo vệ môi trường, Masan cùng các công ty thành viên luôn chú trọng thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Masan là một trong những doanh nghiệp đóng thuế nhiều nhất tại các tỉnh có nhà máy, cơ sở sản xuất hoạt động, góp phần tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống của người dân địa phương. Các hoạt động an sinh xã hội thường xuyên được tập đoàn thực hiện trên khắp cả nước như: hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão lũ tại Nghệ An; các chiến sĩ đang canh giữ biên cương, biển đảo Việt Nam thông qua Quỹ Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc; hỗ trợ hộ nghèo thông qua Quỹ Vì người nghèo ở cấp quốc gia và cấp tỉnh; tổ chức mổ mắt cho 1.000 người dân 2 tỉnh Bình Thuận và Kiên Giang; đồng hành cùng Quỹ Trò nghèo vùng cao thực hiện chương trình "Một triệu bữa cơm có thịt" cho trẻ em vùng cao…

Vua tiêu dùng Việt Nam Từ kinh doanh hiệu quả  đến phát triển bền vững - Ảnh 8.

M.S

Quỹ Trò nghèo vùng cao được Bộ Nội vụ cấp phép tại quyết định số 142/QĐ-BNV ngày 25.2.2014. Hiện Quỹ đang hỗ trợ thức ăn cho khoảng 10.000 học sinh nghèo tại gần 100 trường, chủ yếu là vùng núi phía bắc. Đó là những học sinh nghèo, nhà gần trường (dưới 4 km) chưa đủ điều kiện để được hưởng chế độ hỗ trợ ăn trưa của nhà nước. Các con về nhà phải đi bộ nhiều cây số đường núi không kể trời nắng hay mưa, do đó tỷ lệ quay lại trường học buổi chiều sẽ rất ít. Bữa cơm có thịt hình thành nhằm động viên các con ở lại trường để chiều tiếp tục lên lớp, để kiến thức được đắp đầy hơn, để dinh dưỡng đủ đầy hơn và các con có thêm những giây phút gắn bó tình thương, cùng chia sẻ khó khăn bằng những nụ cười hiền hòa, ngây thơ bên căn bếp nhỏ ấm áp tình thân!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.