Vỡ mộng khi tin vào lời hứa hẹn 'nơi ở trong mơ' của chủ nhà trọ

04/08/2023 07:00 GMT+7

Việc thuê trọ chưa bao giờ là dễ dàng với người trẻ, đặc biệt đối với những sinh viên năm nhất lần đầu xa nhà. Nhiều trường hợp đã rơi vào cảnh mất tiền cọc, hoặc phải chấp nhận sống trong những căn phòng trọ không như ý vì tin lời của chủ cho thuê.

TRÓT TIN NHỮNG LỜI ĐƯỜNG MẬT

Đọc được tin rao đầy hấp dẫn trên một ứng dụng tìm trọ, Ngô Thị Vân Anh, sinh viên một trường đại học tại Q.5, TP.HCM, đã bị thất vọng "toàn tập" khi tìm đến khu trọ trong con hẻm trên đường Hồng Lạc, Q.Tân Bình, TP.HCM. "Lúc đến xem thì khu trọ chưa hoàn thiện, mình được người môi giới hứa hẹn đây sẽ là nơi ở hiện đại, nơi ở trong mơ… Ngay ngày hôm đó, người môi giới yêu cầu mình đặt cọc, nếu không sẽ có người khác thuê, và mình đã đặt cọc 2 triệu đồng để giữ phòng", Vân Anh kể lại.

Người trẻ cần cẩn trọng, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi thuê trọ

Kim Ngọc Nghiên

Đến khi dọn vào khu trọ, Vân Anh mới bật ngửa vì phòng ở không như lời giới thiệu, như chỗ thoát nước của bồn rửa chén xả thẳng vào nhà tắm… Nữ sinh này yêu cầu bên cho thuê trọ khắc phục nhưng họ tỏ ra thờ ơ, vài hôm sau thì lắp tạm ống nhựa dẫn nước thải từ bồn rửa chén chảy trực tiếp vào chỗ thoát nước của nhà tắm. Sau 2 tháng thì phòng tắm bốc mùi, chất cặn bã ứ đọng khiến ống thoát nước bị tắc nghẽn.

"Khi chuyển vào ở, mình được đưa ký một tờ hợp đồng với 17 điều khoản phải tuân theo, trong đó bên người thuê trọ chỉ được 3 điều nhưng cũng chỉ để đảm bảo quyền lợi của phía cho thuê. Đặc biệt, trong hợp đồng còn phát sinh thêm 300.000 đồng phí vệ sinh máy lạnh, 100.000 đồng phí vệ sinh không gian phòng, dự kiến sẽ trừ vào tiền cọc nhà sau khi mình dọn đi, mặc dù trước đó mình không hề nghe người môi giới thông báo. Lúc đó đã đóng tiền cọc, mang đồ đạc qua rồi nên mình cũng đành cắn răng ký vào tờ hợp đồng", Vân Anh kể lại.

Từng phải trải qua 3 tháng chịu cảnh sống thiếu ánh sáng, ẩm thấp trong một phòng trọ tại đường Nguyễn Thái Sơn, Q.Gò Vấp, TP.HCM, Đ.T.A.T, sinh viên năm 3 của một trường đại học tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM, cho biết: "Khi mình đi xem nhà thì khô ráo, không có dấu hiệu ẩm thấp. Chủ nhà cũng bảo trước đó có một anh học chung trường với mình đã ở đây 3 năm nên mình nghĩ chắc không có vấn đề gì. Khi vào ở, mình mới phát hiện phòng có cửa sổ nhưng thiếu ánh sáng vì bị chắn bởi nhà bên cạnh, sàn nhà vệ sinh thấp nên nước ở bên ngoài thấm vào, đầy mùi ẩm mốc".

Vì muốn tiết kiệm tiền nên B.T.M (28 tuổi), làm việc tại Q.3, TP.HCM, thuê phòng tại một ký túc xá tư nhân trên đường Hồ Văn Huê, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. M. kể: "Mình được người quản lý hứa hẹn có chỗ để xe, điều hòa, mền gối có sẵn. Nhưng sau khi đóng tiền cọc, qua nhận chỗ thì chỉ có cái giường, điều hòa thì chỉ cho bật giờ trưa và tối, có nóng thì tự mua quạt để dùng. Ở chưa được 1 tháng thì mình bị mất quần áo, đồ dùng cá nhân, báo lên quản lý cũng không được giải quyết".

CHẤP NHẬN MẤT TIỀN ĐẶT CỌC

Ký hợp đồng thuê nhà trong 6 tháng nhưng vì quá khó chịu nên Đ.T.A.T cùng em gái đã phải chuyển đi nơi khác vào tháng thứ 3. Suốt thời gian ở phòng trọ này, nữ sinh cho biết tinh thần bị ảnh hưởng khá nặng vì thường xuyên phải tranh cãi với chủ nhà trọ về việc không sử dụng được wifi (chủ trọ lấy lý do wifi bị hư) hoặc bị cúp điện. "Ban đầu chủ trọ có hứa sẽ cho tụi mình phơi đồ ở ngoài khu sinh hoạt của gia đình chủ, nhưng đến khi mình vào ở thì họ không cho, đồ giặt xong phải treo trong nhà tắm rất lâu khô. Những lần mất điện, mất wifi chúng mình có yêu cầu khắc phục thì bị chủ trọ quát mắng, hầu như tháng nào cũng xảy ra việc tranh cãi", T. ngao ngán nói.

Do không ghi những lời hứa hẹn của chủ nhà trọ vào hợp đồng nên M. phải sống trong môi trường thiếu tiện nghi. Theo lời M., vì chỗ để xe của ký túc xá có giới hạn mà lượng người ở quá đông nên buộc phải gửi xe cách đó 1 km. "Mỗi lần có việc gì gấp là mình phải đi xe ôm, tiền đi xe với tiền gửi xe bên ngoài gần bằng tiền mình đóng ở ký túc xá. Vì thế mình quyết định bỏ tiền cọc 1,5 triệu đồng để dọn đến nơi ở khác".

LƯU Ý GÌ KHI ĐI THUÊ TRỌ ?

Chị Phan Thị Thùy Dương, đại diện Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM, cho biết: "Trước khi xác định đến địa điểm thuê nhà, phải tìm hiểu và hỏi những người xung quanh về tình hình an ninh trật tự. Xác thực thông tin về cơ sở vật chất có giống như bài đăng trên mạng hay không? Nên đến xem trực tiếp phòng trọ trước khi đặt cọc, nếu có thể thì đi chung với 1 - 2 người bạn. Yêu cầu chủ trọ xác minh họ là chủ nhà, liên tục đặt câu hỏi về điều kiện sống và quan sát thái độ của họ".

Chị Thùy Dương cho biết trung tâm từng tiếp nhận thông tin của các sinh viên rơi vào cảnh mất tiền vì đặt cọc vào các phòng trọ "ảo". "Nên xin thông tin nhà trọ từ nhà trường hay các trung tâm uy tín. Không nên đặt cọc hay ký hợp đồng thuê nhà thông qua môi giới. Cần đọc kỹ thông tin trong hợp đồng và những lời hứa hay giao kèo của chủ nhà trọ phải được ghi rõ trong hợp đồng", chị Thùy Dương khuyên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.