Công nhân mất việc, nhiều dãy trọ vắng vẻ, đìu hiu

12/07/2023 06:00 GMT+7

Nhiều khu trọ rơi vào cảnh ế ẩm người thuê. Các chủ nhà trọ cho biết dù đã giảm giá cho thuê phòng rất rẻ nhưng cũng không có ai đến ở…

TRẢ PHÒNG HÀNG LOẠT

Đến một số nhà trọ gần Khu công nghiệp Tân Tạo (Q.Bình Tân, TP.HCM), chúng tôi không khó để bắt gặp hàng loạt tấm biển với nội dung: cho thuê phòng trọ, phòng trọ giá rẻ… được treo trước cửa. Các chủ trọ cho biết những tấm biển này mấy chục năm không cần dùng đến, nhưng nay lại phải đầu tư thay mới để thu hút người thuê.

Công nhân mất việc, nhiều dãy trọ vắng vẻ, đìu hiu - Ảnh 1.

Các dãy trọ treo biển cho thuê phòng khắp nơi

Phúc Kha

Rất nhiều phòng trọ tại hẻm 58, đường số 5, P.Tân Tạo, Q.Bình Tân, nơi cho công nhân, người lao động thuê giá rẻ đang rơi vào tình trạng ế ẩm. Khi thấy chúng tôi vào khu trọ, bà Trần Thị Thuật (56 tuổi), chủ một nhà trọ ở hẻm 58, đường số 5, P.Tân Tạo, tưởng có người đến thuê phòng nên mừng rỡ nói vọng ra: "Đi thuê trọ hả, vào đây phòng sạch sẽ mà giá rẻ nữa".

Dãy trọ của bà Thuật có tổng cộng 42 phòng, nhưng từ tháng 4 đến nay công nhân trả phòng về quê nên hiện có 6 phòng trống, tháng 7 sẽ thêm 2 phòng báo trả vì sắp mất việc. Theo bà Thuật, kinh doanh phòng trọ mấy chục năm nay nhưng chưa bao giờ gặp tình trạng trống phòng như hiện tại.

"Đợt dịch Covid-19 công nhân về quê nhiều nhưng họ không trả phòng luôn mà vẫn thuê rồi hết dịch lên ở tiếp. Còn giờ công nhân trả phòng về quê luôn chứ không có việc làm thì họ ở lại đây làm gì nữa. Nhà tôi trống vậy là còn ít chứ nhà đối diện có 15 phòng thôi mà trống hết một nửa rồi", bà Thuật rầu rĩ nói.

GIẢM GIÁ CŨNG KHÔNG CÓ NGƯỜI THUÊ

Chuyện của bà Thuật cũng là cảnh ngộ chung của nhiều người kinh doanh phòng trọ ở các khu vực tập trung đông công nhân hiện nay.

Dãy trọ của bà Đào Thị Mỳ tại hẻm số 58, đường số 5, P.Tân Tạo cũng đang trống rất nhiều phòng. "Nếu cứ tiếp tục sa thải công nhân thì chắc chắn sẽ có người trả phòng nữa. Trước kia ở đây trung bình một dãy phòng có 70 - 80 người thuê, bây giờ còn 20 người là cùng, có dãy phòng còn không tới. Tôi kinh doanh phòng trọ 10 năm nay, trước kia phòng không có mà cho thuê, bây giờ giảm giá cũng không có người ở", bà Mỳ buồn bã nói và cho biết giá cho thuê thường là 900.000 đồng/phòng/tháng, nay giảm chỉ còn 700.000 đồng nhưng vẫn không có người thuê.

Đợt dịch Covid-19 công nhân về quê nhiều nhưng họ không trả phòng luôn mà vẫn thuê rồi hết dịch lên ở tiếp. Còn giờ công nhân trả phòng về quê luôn chứ không có việc làm thì họ ở lại đây làm gì nữa.


Bà Trần Thị Thuật, chủ một nhà trọ ở Q.Bình Tân, TP.HCM

Chị Nguyễn Thị Kim Hồng (36 tuổi), chủ dãy trọ tại 85 Trần Thanh Mại, KP.3, P.Tân Tạo A, Q.Bình Tân, kể trước đây 42 phòng trọ của chị rất đông công nhân ở, các phòng đều được lấp đầy, nhưng từ khi "làn sóng" cắt giảm lao động xảy ra, nhiều người đã trả phòng rời đi.

"Do dãy trọ của tôi nằm gần Khu công nghiệp Tân Tạo nên phòng không bao giờ trống. Nhưng gần đây tình hình sản xuất gặp khó khăn, các doanh nghiệp cắt giảm nhân sự thì số phòng trọ trống cũng tăng theo. Giờ người đến hỏi thuê thì không có nhưng người trả thì nhiều", chị Hồng nói.

Tìm tới khu nhà trọ dành cho công nhân tại tổ 4, KP.Tân Hội, P.Tân Hiệp, TP.Tân Uyên (Bình Dương), chúng tôi cũng chứng kiến tình cảnh tương tự.

Cùng với mẹ kinh doanh nhà trọ 4 năm nay, anh Trần Khoa (33 tuổi) cho biết: "Ở quanh đây có rất nhiều công ty nên số lượng công nhân là người miền Tây lên thuê trọ rất đông. Nhưng từ sau tết đến nay công nhân bị mất việc nên trả phòng hàng loạt. Hiện tại dãy trọ của nhà tôi trống tận 6 phòng, treo biển cho thuê lâu rồi mà chưa có ai vào hỏi thuê".

Công nhân mất việc, nhiều dãy trọ vắng vẻ, đìu hiu - Ảnh 3.

Nhiều dãy nhà trọ tại P.Tân Hiệp, TP.Tân Uyên (Bình Dương) treo biển “cho thuê phòng trọ” nhưng không có người đến thuê

Thảo Phương

BỊN RỊN NHỮNG CUỘC CHIA TAY

Tại dãy nhà trọ dành cho công nhân trên đường Tân Hiệp 49, KP.Tân Hội, P.Tân Hiệp, TP.Tân Uyên, chúng tôi trò chuyện với chị Xuân (27 tuổi, quê Kiên Giang) đã thuê trọ ở đây 4 năm. Chị Xuân kể: "Những phòng khóa cửa ngoài đa phần là chưa có người thuê, còn những phòng mở cửa là công nhân không có việc làm đang ở nhà. Như chồng tôi, làm ở Công ty UE FURNITURE thay vì một tuần đi làm 6 ngày thì từ sau tết đến nay số ngày đi làm chỉ còn một nửa. Không được tăng ca, hơn 16 giờ đã về rồi. Có nhiều người trụ không nổi nên họ trả phòng về quê".

Giữa tháng 5 qua, chị Lê Thu Hằng (30 tuổi), công nhân một công ty may mặc ở Khu công nghiệp Tân Tạo, Q.Bình Tân, nhận được thông báo công ty cắt giảm nhân sự do kinh doanh khó khăn. Rơi vào tình trạng thất nghiệp, chị Hằng quyết định trả phòng trọ về quê ở cùng gia đình vì không gánh nổi chi phí ăn ở, thuê phòng.

Chị Hằng nói: "Nếu ở lại TP trong lúc chưa tìm được việc làm, tôi sẽ không đủ tiền để trang trải sinh hoạt. Chờ tình hình tốt hơn, tôi sẽ quay lại TP tìm việc làm".

Rơi vào tình cảnh tương tự là anh Nguyễn Hoàng Minh (29 tuổi, quê Tiền Giang). Kể từ tháng 6 vừa qua, anh chính thức bị mất việc tại Công ty PouYuen Việt Nam, Q.Bình Tân. Ngay sau khi nhận quyết định thôi việc của công ty, anh trả phòng trọ rồi về quê.

"Sinh sống ở TP.HCM hơn 10 năm rồi, chẳng ai muốn thay đổi, chuyển đi đâu hay về quê sống cả. Nhưng cực chẳng đã, công ty cho nghỉ việc tôi về quê kiếm việc làm thôi. Ở trên này hằng tháng ngoài tiền ăn uống cũng mất thêm tiền thuê phòng trọ rồi nhiều khoản khác nữa. Ở lại không có việc làm thì tiền đâu mà trả tiền trọ", anh Minh nói.

Đối với một người chủ trọ như chị Nguyễn Thị Kim Hồng, việc kinh doanh nhà trọ ngày càng ế ẩm khiến chị trải qua không ít buồn lo. Buồn không chỉ vì thu nhập giảm sút, mà còn là nỗi buồn khi trải qua những cuộc chia tay với các công nhân từng thuê trọ cả chục năm hoặc hơn.

Chị Hồng rơm rớm nước mắt khi nhắc về những công nhân đã gắn bó với mình nhiều năm nay mà giờ phải chia tay họ. "Dù không phải người thân họ hàng nhưng họ cũng sống gần mình cả chục năm nay, làm sao mà không buồn, nhưng giờ tình hình làm ăn khó khăn quá đành chịu. Lúc nhìn mọi người lần lượt dọn đồ quay lưng rời khỏi dãy trọ, tôi buồn lắm", chị Hồng trải lòng. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.