Việt Nam - Nga tìm động lực tăng trưởng mới

Tổng thống Liên bang Nga V.Putin đã cười rất tươi khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang chuyển lời hỏi thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và mong được đón tiếp ông thăm VN trong dịp dự hội nghị APEC tháng 11 tới, trong buổi hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo chiều qua.

Nga giúp VN hiện đại hóa các cơ sở điện của Liên xô cũ
Tại buổi hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực công nghiệp như lắp ráp và sản xuất ô tô, năng lượng, dầu khí, xây dựng kết cấu hạ tầng. Hai bên khẳng định sẽ hỗ trợ các liên doanh dầu khí hoạt động hiệu quả trên lãnh thổ hai nước. Tổng thống V.Putin tin tưởng chuyến thăm sẽ tạo ra xung lực mới cho sự phát triển của quan hệ hai nước.
Hai nguyên thủ nhấn mạnh sự cần thiết tìm những “động lực tăng trưởng” mới nhằm bảo đảm sự phát triển năng động của hợp tác kinh tế - thương mại, tính cấp thiết của các nhiệm vụ nâng kim ngạch thương mại hai chiều cũng như hoàn thiện cơ cấu thương mại song phương. Vì vậy, hai bên nhất trí thúc đẩy triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do giữa một bên là VN và bên kia là Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) cùng các nước thành viên ký ngày 29.5.2015.
Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục hợp tác xây dựng Trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân tại VN, ủng hộ việc thực hiện nhất quán Chương trình hợp tác giữa VN và Nga trong lĩnh vực sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình.
Nguyên thủ hai nước nhất trí mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng điện, đặc biệt là sự tham gia của các công ty Nga vào việc hiện đại hóa các cơ sở năng lượng được xây dựng trước đây với sự hỗ trợ của Liên Xô và xây dựng các cơ sở mới ở VN. Hai bên cũng mong muốn chung hợp tác hiệu quả trong các lĩnh vực chế tạo máy, đóng tàu, hàng không, công nghiệp hóa chất và công nghiệp nhẹ; mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp, công nghiệp phục vụ nông nghiệp.
Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh hợp tác quốc phòng và kỹ thuật quân sự, cũng như phối hợp hành động trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh.
Bác bỏ mọi mưu toan xét lại lịch sử chiến tranh thế giới thứ hai
Trao đổi về nhiều vấn đề khu vực và quốc tế, hai nhà lãnh đạo khẳng định nỗ lực xây dựng trật tự quan hệ quốc tế công bằng, dựa trên các nguyên tắc đa phương trong giải quyết các vấn đề cấp thiết, tính tối thượng của luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên Hiệp Quốc, bao gồm các nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích hợp pháp của các quốc gia, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, hợp tác rộng rãi giữa các quốc gia và cơ chế liên kết trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau vì mục tiêu củng cố an ninh toàn cầu, hòa bình, ổn định và phát triển.
VN và Nga cho rằng an ninh quốc tế là toàn diện và không thể chia tách, không được bảo đảm an ninh của quốc gia này bằng cách gây phương hại đến an ninh của quốc gia khác, trong đó có việc mở rộng các liên minh quân sự - chính trị khu vực và toàn cầu.
“VN và Nga kiên quyết bác bỏ mọi mưu toan xét lại lịch sử Chiến tranh thế giới thứ hai, nghi ngờ về vai trò quyết định của nhân dân Liên Xô trong chiến thắng chủ nghĩa phát xít và quân phiệt, mở ra con đường giải phóng cho nhiều nước thoát khỏi ách thực dân; cho rằng việc tuyên truyền tư tưởng phát xít và phân biệt chủng tộc trong thế giới hiện đại là nguy hiểm và không thể chấp nhận được”, Tuyên bố chung sau hội đàm nêu rõ.
Lãnh đạo hai nước lên án chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức và biểu hiện; nhấn mạnh không một hành động khủng bố nào có thể biện minh dù là với động cơ tư tưởng, tôn giáo, chính trị, phân biệt chủng tộc, sắc tộc hay là các động cơ khác. Phía Nga bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ phía VN trong công tác huấn luyện để tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc.
Trước đó, buổi sáng cùng ngày, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã hội kiến Thủ tướng Nga D.Medvedev.
Thủ tướng Medvedev cho rằng, quan hệ hai nước thời gian qua phát triển tích cực trên mọi lĩnh vực, đặc biệt hợp tác kinh tế thương mại và bày tỏ mong muốn Chính phủ hai nước tiếp tục quan tâm thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư và đề xuất hai bên cần chủ động tìm kiếm các dự án hợp tác khác ngoài các dự án hai bên đã ưu tiên hợp tác, tận dụng tối đa cơ hội do Hiệp định Tự do thương mại giữa VN và Liên minh Kinh tế Á - Âu mang lại.

Sau hội đàm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống V.Putin đã chứng kiến lễ ký kết nhiều văn kiện quan trọng như: Quy chế hoạt động của Tổ công tác cấp cao Việt - Nga về các dự án đầu tư ưu tiên; Bản ghi nhớ giữa Bộ KH-CN VN và Tập đoàn Rosatom về xây dựng Trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân tại VN; Thỏa thuận giữa Ngân hàng Nhà nước VN và Cơ quan Giám sát tài chính Liên bang Nga trong lĩnh vực rửa tiền có được bằng hình thức phạm tội và chống tài trợ khủng bố; Thỏa thuận hợp tác giữa TTXVN và Hãng thông tấn nước Nga ngày nay; Bản ghi nhớ về hợp tác kỹ thuật giữa Kho bạc Nhà nước và Kho bạc Liên bang Nga; Chương trình hợp tác trong lĩnh vực hàng không vũ trụ giữa Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN và Tập đoàn nhà nước về hoạt động vũ trụ Roscosmos giai đoạn 2017 - 2022; Kế hoạch các hoạt động thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa Tổng công ty đường sắt VN và Công ty cổ phần mở đường sắt Nga và một số văn kiện hợp tác khác cũng được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngay sau đó, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói: “Chủ trương nhất quán của VN là luôn coi trọng và ưu tiên củng cố và tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga, phát triển hợp tác Việt - Nga theo hướng hiệu quả, thực chất và bền vững trên các lĩnh vực”. Chủ tịch nước cũng bày tỏ tin tưởng việc triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do giữa VN và EAEU sẽ tạo bước đột phá trong hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư giữa VN và Nga, cũng như giữa VN và các thành viên khác của EAEU, đưa mục tiêu đạt kim ngạch 10 tỉ USD vào năm 2020 trở thành hiện thực.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.