Việt Nam cần phát triển sản phẩm công nghệ cao

An Nguyên
(từ New York, Mỹ)
23/09/2023 07:47 GMT+7

Đây là ý kiến của các chuyên gia kinh tế Mỹ trong buổi tọa đàm chính sách với Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm qua tại New York (Mỹ).

"Bản thân tôi lắng nghe và ghi chép rất cẩn thận. Có nhiều ý kiến nhưng tựu trung lại là kiến nghị làm thế nào để Việt Nam phát triển bền vững", Thủ tướng Phạm Minh Chính chân thành bày tỏ với các giáo sư đến từ ĐH Harvard Kennedy, ĐH Columbia và ĐH Yale trong buổi tọa đàm chính sách này.

Việt Nam nên làm gì để tận dụng cơ hội lớn ?

GS Thomas Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam, Trường Harvard Kennedy, nhận xét Việt Nam là một trong những nước hội nhập kinh tế nhanh nhất và mạnh nhất trên thế giới. "Do vậy, những biến động về địa chính trị trên thế giới hiện nay sẽ làm gia tăng chi phí cho quá trình tăng trưởng của Việt Nam. Trong bối cảnh đó Việt Nam nên làm thế nào? Việt Nam có khả năng thu hút rất cao việc dịch chuyển đầu tư. Việt Nam sẽ không còn lợi thế trong các đầu tư có hàm lượng công nghệ thấp. Nên trách nhiệm là Việt Nam sẽ phải gia tăng hơn nữa hàm lượng công nghệ cao trong các hoạt động sản xuất, phải gia tăng để Việt Nam có giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu", GS Thomas nói.

Vậy làm thế nào để Việt Nam có thể gia tăng hơn nữa hàm lượng công nghệ cao trong các hoạt động sản xuất? Theo GS Anthony Saich, Giám đốc Viện Nghiên cứu Rajawali về châu Á, Trường Harvard Kennedy, thì Việt Nam phải tập trung đầu tư cho giáo dục đào tạo. "Việt Nam phải đào tạo nhân lực chất lượng cao cho lực lượng có sẵn, phải nâng cao kỹ năng và tay nghề cho họ trước, chứ không nên mở rộng. Nếu nhìn Ấn Độ các thập niên 1970 - 1980 đã tập trung đào tạo kỹ sư về công nghệ thông tin thì hiện nay họ mới có số lượng kỹ sư công nghệ thông tin, IT chiếm tỷ lệ lớn của thế giới và hiện nay họ vẫn đang tiếp tục tập trung đào tạo AI", GS Anthony phân tích. Theo GS Anthony, Việt Nam nên tập trung đào tạo cho ngành năng lượng, điện, vì nó sẽ tác động rất lớn đến giá thành sản xuất nói chung. "Việt Nam cần đảm bảo về sự tự cường kinh tế, và đang có nhiều thuận lợi trong sự dịch chuyển về đầu tư. Nhưng muốn tận dụng được cơ hội đó thì cần tăng hơn nữa kỹ năng cho lao động chất lượng cao. Chỉ có vậy mới vượt qua Thái Lan, Bangladesh trong sản xuất và đầu tư hàm lượng công nghệ thấp", GS Anthony nói.

Việt Nam cần phát triển sản phẩm công nghệ cao - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Tọa đàm chính sách với các giáo sư, chuyên gia kinh tế Mỹ

TTXVN

GS Shang-Jin Wei của ĐH Columbia thì cho rằng để giúp Việt Nam tận dụng tốt hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ thì Việt Nam nên quan tâm đến lĩnh vực công nghệ bán dẫn. "Việt Nam có thể trở thành nhân tố hàng đầu trong chuỗi cung ứng, đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn, hay không phụ thuộc vào việc Việt Nam có tận dụng được các hợp tác với Mỹ để sản xuất các sản phẩm có giá trị rất cao hay không. Do vậy, Việt Nam cần có nghiên cứu để có chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành nào để mang lại vị trí hàng đầu trong chuỗi cung ứng về bán dẫn hoặc sản phẩm công nghệ cao", GS Shang Jin-Wei nói. Theo ông, Việt Nam nên chỉ lựa chọn 2 - 3 loại chip để phát triển, và nên là công nghệ có giá trị cao: ''Kinh nghiệm của Singapore giai đoạn đầu là họ thành lập rất nhiều quỹ đầu tư của chính phủ để không chỉ thu hút đầu tư nước ngoài mà còn các nguồn lực lớn từ trong nước".

Nhấn mạnh "đã theo dõi quá trình chuyển mình và phát triển của Việt Nam từ rất lâu", GS Nguyễn Thị Liên Hằng, ĐH Columbia, cũng khuyến cáo Việt Nam nên tập trung đầu tư vào con người. "Cần đặt mục tiêu cho 20 - 25 năm tới, các trường ĐH sẽ thế nào, đầu tư con người ra sao, con người cần có các kỹ năng gì? Việt Nam cần thay đổi ngay môi trường, cách đào tạo ở các trường ĐH để trong tương lai đào tạo ra những sinh viên toàn cầu, đáp ứng yêu cầu phát triển rất nhanh của Việt Nam", GS Liên Hằng phân tích.

Trân trọng cảm ơn ý kiến tâm huyết của các chuyên gia kinh tế, Thủ tướng bày tỏ cơ hội xuất hiện, vấn đề Việt Nam nắm bắt thế nào, để từ đó xác định thứ tự ưu tiên. "Chúng tôi cần những bước đi phù hợp, vì nền kinh tế Việt Nam có quy mô nhỏ, độ mở cao, khả năng thích ứng tốt", Thủ tướng nói. Thủ tướng cũng nhất trí với các chuyên gia rằng, quan trọng nhất là yếu tố con người. "Cần đầu tư cho giáo dục, chương trình phổ thông phải tiên tiến, đại học cần đổi mới, nguồn lực bên trong là quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá", Thủ tướng nói.

Các tập đoàn đa quốc gia hứng khởi với "nhân tố Việt Nam"

Hôm qua là một ngày "ngoại giao kinh tế" cực kỳ bận rộn của Thủ tướng tại Mỹ. Không chỉ có buổi tọa đàm chính sách thành công với các chuyên gia kinh tế, ông còn trao đổi hiệu quả với lãnh đạo sàn chứng khoán NYSE, tiếp xúc cởi mở với lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia như Apple, Google, Boeing, Siemens và đặc biệt là Quỹ đầu tư tài chính của Mỹ.

Phó chủ tịch phụ trách quan hệ chính phủ toàn cầu của Apple, ông Nick Ammann, nhận định Việt Nam là thị trường, địa bàn sản xuất rất quan trọng và hai bên còn nhiều tiềm năng để hợp tác. "Sự tăng trưởng vượt bậc về quy mô sản xuất và giá trị xuất khẩu các sản phẩm của Apple tại Việt Nam trong bối cảnh còn khó khăn, thách thức thời gian qua khẳng định sự tin tưởng của tập đoàn với thị trường Việt Nam. Chúng tôi đánh giá cao sự hỗ trợ, tạo thuận lợi của Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch Covid-19 vừa qua", ông Nick Ammann nói.

Ông Nick Ammann cho biết tập đoàn rất quan tâm chiến lược năng lượng sạch của Việt Nam và việc thúc đẩy tiếp cận năng lượng sạch cho các nhà sản xuất của Apple tại Việt Nam. "Chúng tôi mong muốn tham gia phát triển, đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam, nhất là đội ngũ nhân lực phát triển phần mềm", ông nói. Theo ông Nick Ammann, Việt Nam đã có đội ngũ nhân lực khá hùng hậu trong lĩnh vực kinh tế số. Thủ tướng mong muốn Apple đưa Việt Nam trở thành một cứ điểm, mắt xích ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng, sản xuất của tập đoàn.

Tại cuộc tiếp lãnh đạo Tập đoàn Boeing, Thủ tướng đề nghị Boeing mở rộng chuỗi sản xuất, cung ứng tại Việt Nam, sớm xây dựng Trung tâm bảo dưỡng thiết bị, máy móc máy bay quy mô và hỗ trợ các hãng hàng không về việc này; tăng cường hợp tác, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, đưa các đối tác Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của Boeing.

Chia sẻ về tình hình kinh doanh, tầm nhìn và cập nhật tình hình thiết lập văn phòng của Google tại Việt Nam, ông Karan Bhatia, Phó chủ tịch phụ trách quan hệ chính phủ và chính sách công của Google, đánh giá cao các định hướng lớn về hợp tác đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ trong tuyên bố chung Việt Nam - Mỹ về thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Ông đề xuất hợp tác, đầu tư liên quan tới lĩnh vực điện toán đám mây, hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong dạy và học trực tuyến.

Tập đoàn Siemens Healthineers bày tỏ mong muốn tiếp tục mở rộng hoạt động, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam; mong muốn nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ Chính phủ Việt Nam để tạo thuận lợi về khung pháp lý và chính sách. Thủ tướng đề nghị tập đoàn nghiên cứu, sớm triển khai đầu tư sản xuất trang thiết bị y tế với công nghệ và chất lượng cao tại Việt Nam, đồng thời tăng cường hợp tác, chuyển giao công nghệ cho các đối tác Việt Nam để tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi sản xuất, cung ứng của tập đoàn.

Trong cuộc làm việc với các quỹ đầu tư tài chính Mỹ, Thủ tướng cho biết Việt Nam đang tiếp tục thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và trên cơ sở kinh nghiệm đã có, Việt Nam mong muốn các quỹ đầu tư tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ để xây dựng, phát triển các loại thị trường khác, như thị trường quyền sử dụng đất, thị trường khoa học, lao động… theo hướng minh bạch, công khai, từ đó huy động các nguồn lực phát triển, thu hút đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp…

Thủ tướng cũng lắng nghe các đóng góp ý kiến và gợi ý một số giải pháp hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị đối với cả khu vực công và khu vực tư nhân trong nước, hướng đến sự minh bạch, hiệu quả cao và phát triển bền vững. Trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2030, Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng trung tâm tài chính quốc tế nhằm tạo một bước chuyển mới về chất, thu hút thêm nguồn lực, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa Việt Nam tham gia vào nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu. 

Chiều 22.9 giờ địa phương (sáng 23.9 giờ Việt Nam), Thủ tướng tham dự và phát biểu tại Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng LHQ Khóa 78; đối thoại với mạng lưới đổi mới sáng tạo Mỹ. Đêm 22.9 giờ địa phương, Thủ tướng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ rời New York đến Brazil, bắt đầu chuyến thăm chính thức kéo dài 3 ngày tại nước này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.