Viện KSND TP.HCM: Đủ cơ sở khẳng định Trương Mỹ Lan phạm tội ‘tham ô tài sản’

Viện KSND TP.HCM: Đủ cơ sở khẳng định Trương Mỹ Lan phạm tội ‘tham ô tài sản’

01/04/2024 21:00 GMT+7

Sáng 1.4, Viện KSND TP.HCM đã đối đáp lại ý kiến bào chữa của các luật sư và bị cáo trong vụ án Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát theo 8 nhóm vấn đề. Theo đó, Viện KSND TP.HCM cho rằng có đủ cơ sở để xác định bị cáo Trương Mỹ Lan phạm tội "vi phạm quy định cho vay trong hoạt động tín dụng" và "tham ô tài sản".

Sáng 1.4.2024, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan cùng 85 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Tại toà, đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM đã đối đáp lại ý kiến bào chữa của các luật sư và bị cáo. Theo đó, đại diện viện kiểm sát đối đáp với các luật sư theo 8 nhóm vấn đề.

Viện KSND TP.HCM: Đủ cơ sở khẳng định Trương Mỹ Lan phạm tội ‘tham ô tài sản’

Bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, là Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị đề nghị mức án tử hình về 3 tội "tham ô tài sản", "đưa hối lộ" và "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".

Luật sư cho rằng, hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan diễn trong suốt 10 năm (từ 1.1.2012 đến khi khởi tố vụ án vào tháng 10.2022) là tương tự, cùng phương thức phạm tội, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố, truy tố bị cáo Trương Mỹ Lan 2 tội danh "vi phạm quy định cho vay trong hoạt động tín dụng" và "tham ô tài sản" là làm nặng tình trạng của bị cáo.

Đối đáp, Viện kiểm sát nêu hành vi phạm tội của bị cáo Lan về bản chất là chiếm đoạt tiền của SCB theo điều 8 bộ luật Hình sự "tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội". Vì vậy, hành vi của Trương Mỹ Lan và đồng phạm trong suốt 10 năm được chia thành 2 giai đoạn. Tức, hành vi phạm tội xảy ra trước ngày 1.1.2018, xử lý theo điều khoản tương ứng là điều 179 bộ luật Hình sự 1999, quy định tội "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".

Xét xử Trương Mỹ Lan: Cơ sở nào xác định thiệt hại vụ án hơn 667.000 tỉ đồng?

Cũng theo Viện kiểm sát, giai đoạn từ 1.1.2018, bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có quy định tội danh "tham ô tài sản" với doanh nghiệp ngoài nhà nước, và sau đó có quy định hướng dẫn hành vi phạm tội thực hiện từ 0 giờ ngày 1.1.2018, sẽ xử lý theo bộ luật Hình sự mới, vì vậy hành vi của Lan và đồng phạm xảy ra từ 0 giờ ngày 1.1.2018 đã phạm vào tội "tham ô tài sản".

Đối với nhóm vấn đề Trương Mỹ Lan không thừa nhận chi phối, điều hành SCB để tham ô tài sản, luật sư cho rằng, Trương Mỹ Lan không phải là chủ thể của tội "tham ô tài sản", bởi Hội đồng quản trị mới quyết định mọi hoạt động của SCB.

Viện kiểm sát đã bác bỏ quan điểm bào chữa về vấn đề này của luật sư. Theo Viện kiểm sát, nói Hội đồng quản trị mới quyết định mọi hoạt động của SCB là không đúng luật Doanh nghiệp, luật Các tổ chức tín dụng và không trùng khớp với các tài liệu, chứng cứ, kết quả thẩm tra công khai tại phiên tòa.

Xem nhanh 12h ngày 1.4: Trương Mỹ Lan sẽ phải thực hiện những trách nhiệm dân sự nào?

Cáo trạng của Viện kiểm sát kết luận bị cáo Trương Mỹ Lan chi phối, điều hành mọi hoạt động của SCB, dựa vào chứng cứ là tài liệu điều tra. Theo đó, tài liệu điều tra đã thể hiện bị cáo Trương Mỹ Lan đã thâu tóm, sở hữu, chi phối, có quyền quyết định đối với toàn bộ 91,5% số cổ phần mà bị cáo nắm giữ tại SCB.

Đồng thời, lời khai của bị cáo Tạ Chiêu Trung (nguyên là Thành viên HĐQT SCB) thể hiện bị cáo Trương Mỹ Lan giao bị cáo Tạ Chiêu Trung theo dõi cổ phần của SCB thuộc sở hữu và liên quan đến bị cáo Trương Mỹ Lan từ thời điểm hợp nhất đến khi khởi tố vụ án. Mọi biến động cổ phần SCB phải theo chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan. Tiền mua cổ phần bị cáo Tạ Chiêu Trung lấy từ bị cáo Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.