Vì sao ông Lê Thanh Thản có thể xây 'chui' cả 1 tòa chung cư?

25/04/2023 08:58 GMT+7

"Đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản chỉ đạo xây "chui" cả một tòa chung cư cao 32 tầng với 438 căn hộ, vì sao sai phạm này kéo dài trong suốt hơn 2 năm mà không bị phát hiện?

Ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh, đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Bemes - chủ đầu tư dự án CT6 Kiến Hưng (Q.Hà Đông, Hà Nội), bị truy tố về tội lừa dối khách hàng.

Viện KSND TP.Hà Nội xác định "đại gia điếu cày" có hàng loạt vi phạm nghiêm trọng về quy hoạch, khi triển khai xây dựng dự án nêu trên. Ví dụ: tổng số căn hộ được phê duyệt là 231 nhưng thực tế tăng lên tới 1.582 căn, diện tích xây dựng nhà trẻ lẽ ra phải có là hơn 718 m2 nhưng thực tế không có m2 nào, tổng diện tích sàn tăng từ gần 82.000 m2 lên tới hơn 147.000 m2

Vì sao ông Lê Thanh Thản có thể xây 'chui' cả 1 tòa chung cư? - Ảnh 1.

"Đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản chỉ đạo xây thêm cả một tòa chung cư cao 32 tầng với 438 căn hộ, không nằm trong quy hoạch được duyệt

T.N

Đặc biệt, ông Thản chỉ đạo xây thêm cả 1 tòa CT6C cao 32 tầng và 1 tầng hầm, tổng số 438 căn hộ, không nằm trong quy hoạch được duyệt.

Một câu hỏi được đặt ra: những sai phạm "khủng" tại dự án này, nhất là việc xây "chui" tòa CT6C vì sao có thể kéo dài trong suốt hơn 2 năm tính từ thời điểm khởi công dự án đến khi hoàn thành xây dựng?

Cư dân CT6 Kiến Hưng kêu khổ ‘vì mua nhà của ông Lê Thanh Thản’

Không thanh tra, không kiểm tra, không phát hiện

Theo luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, UBND cấp xã có nhiệm vụ quản lý việc xây dựng, cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ ở điểm dân cư nông thôn; kiểm tra và xử lý vi phạm về xây dựng. Nghị định 180/2007 quy định Chủ tịch UBND cấp xã có nhiệm vụ đôn đốc, kiểm tra tình hình trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn; ban hành kịp thời quyết định đình chỉ thi công, cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm; chịu trách nhiệm về tình hình vi phạm trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn.

Cả luật và nghị định đều đã nêu rõ, tuy nhiên, trong suốt quá trình Công ty Bemes thi công xây dựng dự án CT6 Kiến Hưng, UBND P.Kiến Hưng không thanh tra, không kiểm tra, không phát hiện vi phạm để ngăn chặn, xử lý.

Tương tự, theo Nghị định 180/2007 và Quyết định 89/2007 của Thủ tướng, thanh tra xây dựng cấp quận có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng công trình trên địa bàn trong việc chấp hành pháp luật về xây dựng; xử lý vi phạm theo thẩm quyền. Chánh thanh tra xây dựng cấp quận chịu trách nhiệm về tình hình vi phạm trật tự xây dựng đô thị thuộc thẩm quyền quản lý.

Thế nhưng, Thanh tra xây dựng Q.Hà Đông cũng không thanh tra, không kiểm tra việc thi công công trình CT6 Kiến Hưng để phát hiện vi phạm, xử lý theo quy định.

Vì sao ông Lê Thanh Thản có thể xây 'chui' cả 1 tòa chung cư? - Ảnh 2.

Vi phạm tại dự án CT6 Kiến Hưng kéo dài trong nhiều năm, có phần trách nhiệm rất lớn của chính quyền cơ sở

TUYẾN PHAN

Kết quả xác minh tại cả hai cơ quan cho thấy không có bất kỳ tài liệu, hồ sơ kiểm tra, đề xuất biện pháp xử lý nào đối với dự án CT6 Kiến Hưng. Sự buông lỏng này chính là một phần nguyên nhân dẫn tới thiệt hại cho người dân khi mua phải căn hộ được tạo lập trái pháp luật của ông Lê Thanh Thản.

Đến nay, viện kiểm sát truy tố 6 cựu cán bộ về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, trong đó có các ông Nguyễn Văn Năm (cựu Chánh thanh tra), Vương Đăng Quân (cựu Phó chánh thanh tra xây dựng Q.Hà Đông), Đỗ Văn Hưng (cựu Chủ tịch), Nguyễn Duy Uyển và Bùi Văn Bằng (2 cựu Phó chủ tịch UBND P.Kiến Hưng).

Cận cảnh tòa nhà ông Lê Thanh Thản xây ‘chui’

"Con kiến thì phát hiện, nhưng con voi thì không"

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) nhận định, vụ việc ông Lê Thanh Thản có thể xây "chui" trót lọt cả một tòa chung cư cho thấy sự thờ ơ, vô trách nhiệm, thậm chí cần đặt dấu hỏi có hay không sự bao che, chống lưng của cán bộ thuộc chính quyền, nhất là cấp phường và quận.

Theo ông, tòa chung cư cao mấy chục tầng, xây dựng trong hàng năm trời, nói rằng không phát hiện vi phạm là rất vô lý, "chung cư chứ không phải tòa nhà nhỏ mà xây xong trong vòng 2 - 3 tháng". Và không riêng gì vụ ông Thản, thực tế cho thấy tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đô thị với tính chất tương tự xảy ra nhiều ở các thành phố lớn, như Hà Nội hoặc TP.HCM.

"Cũng vì thế, dư luận phàn nàn chuyện con kiến bò qua lỗ rào thì phát hiện, nhưng vẫn lỗ rào ấy con voi, con trâu đi qua thì lại không phát hiện. Người dân rất bức xúc về việc này", đại biểu Hòa nói.

Vì sao ông Lê Thanh Thản có thể xây 'chui' cả 1 tòa chung cư? - Ảnh 3.

Cận cảnh tòa chung cư CT6C được xây "chui"

TUYẾN PHAN

Ông Hòa cho rằng, để vi phạm của doanh nghiệp diễn ra trong thời gian dài, trách nhiệm của chính quyền địa phương rất lớn; việc thanh tra, kiểm tra, xử lý các cán bộ có sai phạm là rất cần thiết; phải làm nghiêm để nêu gương cho những người khác không dám, không thể tái diễn.

Quá trình điều tra, xác minh, ngoài dấu hiệu thiếu trách nhiệm, cơ quan chức năng cần làm rõ có hay không việc tiêu cực, ví dụ đưa - nhận hối lộ giữa đại diện doanh nghiệp với cán bộ hoặc người đứng đầu ở chính quyền địa phương.

Vẫn theo đại biểu Phạm Văn Hòa, trong vụ án xảy ra tại dự án CT6 Kiến Hưng, nếu các vi phạm của ông Lê Thanh Thản được ngăn chặn ngay từ đầu thì người dân đã không thể mua các căn hộ tạo lập trái pháp luật, đã không bị ông Thản lừa dối.

"Họ (chủ đầu tư - PV) quảng cáo, rao bán rất công khai, tại sao chính quyền không kịp thời ngăn chặn", ông Hòa đặt câu hỏi, và một lần nữa nhấn mạnh trách nhiệm của chính quyền địa phương ở trường hợp này là rất lớn.

Lãnh đạo quận "thoát" xử lý hình sự

Ngoài 7 bị can bị truy tố, Viện KSND TP.Hà Nội xác định còn có ông Lê Cường (nguyên Phó chủ tịch UBND Q.Hà Đông) phụ trách quản lý đô thị từ tháng 7.2008 đến tháng 3.2012, từ tháng 3.2012 đến tháng 5.2015 là Chủ tịch UBND Q.Hà Đông.

Thời điểm dự án CT6 Kiến Hưng triển khai xây dựng, tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp diễn ra trên địa bàn Q.Hà Đông rất phức tạp. Ông Cường nhiều lần chỉ đạo tổ chức kiểm tra, phát hiện vi phạm tại tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn.

Riêng dự án CT6 Kiến Hưng, ông Cường không được UBND P.Kiến Hưng hoặc Thanh tra xây dựng Q.Hà Đông báo cáo, đề xuất kiểm tra, phát hiện vi phạm.

Tháng 7.2020, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Hà Nội quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Cường. Một tháng sau, ông này chuyển công tác đến Ban Quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội, giữ chức vụ Phó trưởng ban phụ trách.

Cơ quan tố tụng cho rằng hành vi của ông Cường có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng xét thấy ông đã bị xử lý kỷ luật về Đảng và chính quyền nên không cần thiết phải xử lý hình sự.

Một cá nhân khác là ông Phạm Khắc Tuấn, nguyên Chủ tịch UBND Q.Hà Đông từ tháng 5.2008 đến tháng 4.2012, từ tháng 4.2012 đến tháng 5.2015 là Bí thư Quận ủy Hà Đông. Với tư cách Chủ tịch UBND Q.Hà Đông, ông Tuấn phân công cho ông Cường phụ trách lĩnh vực quản lý xây dựng, đô thị. Hành vi của ông Tuấn có sự thiếu sót ở mức độ gián tiếp của người đứng đầu, nên không xem xét xử lý hình sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.