Vì sao gạo Việt chưa thể xây dựng được thương hiệu mạnh khi xuất khẩu ?

Mai Phương
Mai Phương
06/04/2023 09:56 GMT+7

Trong các loại nông sản, gạo xây dựng được thương hiệu mạnh nhất. Gạo Việt cũng đã xuất khẩu được vào một số thị trường khó tính trên thế giới. Thế nhưng theo GS Võ Tòng Xuân, 'cha đẻ' của nhiều giống gạo ngon ở ĐBSCL, để xây dựng được gạo trở thành thương hiệu mạnh, nói đến gạo, nghĩ đến Việt Nam thì còn rất nhiều việc phải làm.

GS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh, câu chuyện xây dựng thương hiệu nông thủy sản đã bàn rất lâu nhưng vẫn chưa có những thay đổi lớn. Nguyên nhân bắt nguồn từ 3 bên. Đầu tiên là Nhà nước, cũng chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc quảng bá thương hiệu cho nông sản Việt. "Lãnh đạo Malaysia đi đâu cũng quảng bá về giống sầu riêng này ngon nhất thế giới. Trong khi đó, dù gạo ST25 của Việt Nam đã được quốc tế xướng danh ngon nhất nhưng người ngoài ít ai biết giống lúa nào ngon nhất của Việt Nam" - GS Xuân nói.

Về doanh nghiệp, ví dụ với gạo ST25, bản thân ông Hồ Quang Cua - "cha đẻ" của giống lúa ST25 - cũng chưa tổ chức được việc trồng trên diện tích rộng, nguyên liệu đồng nhất, bao bì tốt, đẹp...

Xây dựng thương hiệu cho lúa gạo phải có sự bắt tay mạnh từ nhà nước - Ảnh 1.

GS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh tầm quan trọng cho việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam

ĐỘC LẬP

Doanh nghiệp không có nguồn nguyên liệu, không có diện tích lớn nên muốn xuất khẩu gạo thì phải mua qua thương lái là chính. Ngay cả Vinafood là công ty lương thực mạnh nhất Việt Nam nhưng cũng không có nguồn nguyên liệu. Muốn làm dự án lớn, trồng lúa trên diện tích 10.000 ha đất là không dễ khi đồng ruộng phân mảnh. Muốn tập hợp người nông dân lại rất khó bởi họ không muốn phá bờ thửa ruộng của mình.

Thế nên đã có thời gian doanh nghiệp tổ chức sản xuất loại gạo hữu cơ "Hoa Sữa" tại U Minh tự đi các hội chợ quốc tế, xúc tiến qua Internet, quảng bá trên Facebook, bán hàng qua các kênh thương mại điện tử... và có bán hàng đi Anh. Nhưng vì số lượng bán ít nên không có lời. Trong khi các đơn vị xuất khẩu phải có số lượng từ 5.000 - 10.000 tấn.

"Không cho dồn điền đổi thửa thì không có diện tích lớn. Đây là khó khăn lớn để xây dựng thương hiệu gạo của Việt Nam nếu nhà nước không bắt tay mạnh vào việc này. Nếu chúng ta có thể giải quyết những khó khăn đó thì việc xây dựng thương hiệu dễ dàng hơn, GS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về câu chuyện vì sao gạo của Campuchia được quốc tế yêu thích, GS Xuân kể, trong chuyến đi học kinh nghiệm của Campuchia, ông thấy có nhiều chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, Pháp, Úc hỗ trợ xây dựng thương hiệu gạo. Họ thực hiện theo những bước: Xác định doanh nghiệp có thật tâm với lúa gạo; Phân tích cạnh tranh - xác định đối thủ; Vị trí so với đối thủ. Ngoài ra, cải tiến chất lượng gạo đạt tiêu chuẩn chất lượng; Tổ chức và huấn luyện nông dân kỹ thuật GAP sản xuất giống đã chọn; Đăng ký thương hiệu và khẩu hiệu chiến lược; cách đóng gói bao bì... Cuối cùng là marketing, xúc tiến thương mại.

Hay nhiều nước chỉ có cùng một giống lúa nhưng xây dựng thành công nhiều thương hiệu khác nhau. Chẳng hạn cùng một giống lúa Koshihikari nhưng có hàng trăm công ty lương thực Nhật Bản sản xuất hàng trăm thương hiệu gạo khác nhau. Tương tự, cùng một giống lúa Arborio nhưng Ý có nhiều thương hiệu gạo khác nhau; Thái Lan cũng có nhiều thương hiệu xuất phát từ cùng một giống lúa...

"Vấn đề xây dựng thương hiệu rất quan trọng. Mọi người đều có trách nhiệm trong chuỗi thương hiệu đó, ngay cả người lái xe nếu không làm đúng cũng ảnh hưởng đến thương hiệu", GS Võ Tòng Xuân chia sẻ thêm.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.