Vì sao bệnh nhân đột quỵ tăng trong những ngày nghỉ tết, cách phòng ngừa?

Lê Cầm
Lê Cầm
22/02/2024 10:59 GMT+7

Bệnh nhân đột quỵ nhập viện Bệnh viện Đại học Y Dược tăng 30% so với ngày thường, tương tự tại Bệnh viện Nhân dân 115 cũng ghi nhận hàng trăm ca đột quỵ trong một tuần nghỉ tết.

Tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ tăng

Ngày 22.2, bác sĩ chuyên khoa 1 Đào Duy Khoa (Khoa Thần kinh, Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP.HCM) cho biết trong những ngày tết, tỉ lệ bệnh nhân đột quỵ nhập viện tăng khoảng 30% so với ngày thường.

Tương tự, tại BV Nhân dân 115, trong 7 ngày nghỉ tết, các ê kíp trực đã tiếp nhận hơn 300 bệnh nhân đột quỵ cấp nhập viện.

Phó giáo sư, tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, BV Nhân dân 115, cho biết các bệnh nhân đột quỵ có độ tuổi từ 55-65, có 15% bệnh nhân trẻ dưới 45 tuổi. Trong số đó, có 162 bệnh nhân may mắn phục hồi tốt và xuất viện ngay trong tết. Những bệnh nhân còn lại vẫn đang được tiếp tục điều trị.

Những yếu tố khiến số ca đột quỵ nhập viện tăng ngày tết

Theo bác sĩ Duy Khoa, yếu tố khách quan khiến số ca đột quỵ nhập viện tăng những ngày tết có khả năng là do hoạt động của các tuyến dưới hạn chế trong dịp tết nên lượng bệnh về tuyến trên đông hơn.

Ngoài ra, có một số nguyên nhân khác khiến đột quỵ gia tăng ngày tết là do các yếu tố như: Thứ nhất, thời tiết tết trùng với mùa lạnh. Thời tiết lạnh sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Thứ hai, tết người dân thay đổi thói quen sinh hoạt như thức khuya, đi chơi xa, ăn uống cũng thay đổi. Nhiều người ngủ nghỉ không đúng giờ, quên mang thuốc, quên uống thuốc… Điều này ảnh hướng xấu đến những người mắc bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp (các bệnh này là các yếu tố nguy cơ của đột quỵ).

Thứ ba, tết mọi người sẽ sử dụng nhiều bia rượu và đây cũng là yếu tố góp phần làm gia tăng nguy cơ đột quỵ.

Vì sao bệnh nhân đột quỵ tăng trong những ngày nghỉ tết, cách phòng ngừa?- Ảnh 1.

Một bệnh nhân đột quỵ được điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM

BVCC

Phòng bệnh như thế nào?

Để phòng bệnh thì phải tìm ra các yếu tố nguy cơ dễ gây ra đột quỵ, cụ thể là tầm soát đột quỵ. Bạn có thể tầm soát các yếu tố nguy cơ này, phát hiện ra nó và điều trị nó ngay từ đầu để phòng ngừa đột quỵ. Ví dụ như bệnh cao huyết áp, bạn cần khiểm tra sức khỏe định kỳ để xem bản thân có mắc bệnh tăng huyết áp hay không. Bởi vì có nhiều người bị tăng huyết áp nhưng không biết và nhiều năm sau, khi xảy ra biến chứng đột quỵ mới hay mình mắc bệnh phải căn bệnh này.

Đột quỵ có nhiều yếu tố nguy cơ gây ra. Trong đó, tuổi tác là một yếu tố nguy cơ không điều chỉnh được, tuổi càng cao nguy cơ đột quỵ càng lớn. Các yếu tố liên quan tới lối sống, thói quen không tốt như hút thuốc lá, uống bia rượu, lười vận động,… là các yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh được. Bạn có thể thay đổi ngay từ hôm nay. Với người có yếu tố nguy cơ như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp... cần kiểm soát bệnh thật tốt.

"Trường hợp, bạn may mắn không có các nguy cơ của đột quỵ thì nên duy trì thói quen sinh hoạt và lối sống lành mạnh, khoa học, nên tập thể dục đều đặn, hạn chế bia rượu, bỏ thuốc lá và kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm để phòng căn bệnh chết người này", bác sĩ Duy Khoa khuyến cáo.

Các lỗi thường gặp khi sơ cứu người bệnh đột quỵ

Bác sĩ Duy Khoa cho biết có một số lỗi thường gặp khi cơ sứu người bệnh đột quỵ khiến bệnh nặng hơn như:

- Tự ý dùng thuốc tăng huyết áp khi thấy huyết áp cao mà không đưa ngay vào bệnh viện

- Dùng các thuốc truyền miệng hoặc dân gian không rõ hiệu quả và nguồn gốc

- Ráng chờ xem bệnh nhân có tự ổn định hay không gây lỡ thời gian vàng điều trị

- Không có người trông nom, khi phát hiện ra người nhà đột quỵ thì đã trễ thời gian điều trị...

- Cắt lễ, bấm huyệt, trích máu dái tai,...


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.