Lọc mỡ máu có ngừa được đột quỵ?

Lê Cầm
Lê Cầm
31/01/2024 04:03 GMT+7

Lọc mỡ máu là một kỹ thuật chuyên sâu, được chỉ định trong những trường hợp cần thiết, không phải là dịch vụ giúp ngừa đột quỵ.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Hồ Thanh Lịch, Phó khoa Hồi sức tích cực - Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết thông tin về việc lọc mỡ máu để phòng ngừa đột quỵ là không chính xác. Theo quy định của Bộ Y tế, người có chỉ định lọc máu khi chỉ số mỡ máu cao trên 11 mmol/L kèm viêm tụy, tức là được chỉ định ở các trường hợp bệnh nặng, đe dọa tính mạng người bệnh và được thực hiện với quy trình nghiêm ngặt.

"Bởi đây là một kỹ thuật chuyên sâu, phải được thực hiện bởi bác sĩ chuyên ngành cùng trang thiết bị hiện đại. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện lọc mỡ máu cũng tiềm ẩn nguy cơ tai biến nguy hiểm cho người bệnh. Vì vậy, không có chuyện lọc máu để ngăn ngừa mỡ máu lâu dài hay phòng ngừa đột quỵ", bác sĩ Lịch cho hay.

Lọc mỡ máu có ngừa được đột quỵ?- Ảnh 1.

Lọc mỡ máu là kỹ thuật chuyên sâu được áp dụng theo chỉ định của bác sĩ trong trường hợp cần thiết

MINH HỌA: SHUTTERSTOCK

Theo bác sĩ Lịch, trong các nguyên nhân gây đột quỵ, bên cạnh những yếu tố không thể thay đổi được như tuổi tác, giới tính, tiền sử gia đình… thì các yếu tố bệnh lý cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ, bao gồm bệnh đái tháo đường, tim mạch, cao huyết áp, mỡ máu, thừa cân, béo phì, lối sống không lành mạnh (nghiện thuốc lá, rượu bia…). Trong đó, cao huyết áp là bệnh lý nguy cơ hàng đầu dẫn đến đột quỵ.

Để phòng tránh đột quỵ, người dân cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng và lối sống để phòng ngừa các yếu tố nguy cơ đã kể trên như:

  • Về chế độ dinh dưỡng bổ sung các loại rau củ quả, các loại đậu, ngũ cốc.
  • Ăn nhiều thịt trắng, hải sản, trứng để bổ sung protein cho cơ thể, hạn chế ăn các loại thịt đỏ.
  • Hạn chế các loại thực phẩm giàu chất béo, đồ chiên xào, thức ăn nhanh.
  • Hạn chế các loại đồ ngọt, thực phẩm chứa nhiều đường.
  • Uống nhiều nước lọc, nước trái cây, sữa đậu nành…
  • Hạn chế sử dụng rượu bia.
  • Tập luyện thể dục thể thao đều đặn, hợp lý.
  • Không hút thuốc lá.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Nên ăn gì để giảm mỡ xấu

Bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Thu Hà, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn cho biết, mỡ máu xấu có thể tăng cao sau một bữa ăn nhiều thực phẩm chứa chất béo. Ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo bão hòa, chất béo chuyển đổi và cholesterol theo thời gian có thể dẫn đến tăng mỡ máu xấu trong cơ thể, điều này rất nguy hiểm bởi vì có thể gây nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Cụ thể các loại thực phẩm như mỡ động vật, thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh và thực phẩm nhiều đường có thể ảnh hưởng đến lượng mỡ trong máu. Tóm lại, những thực phẩm chứa chất béo bão hòa, chứa nhiều cholesterol chính là nguyên nhân hàng đầu gây ra các vấn đề về sức khỏe tim mạch (như xơ vữa mạch vành), tăng cholesterol máu và nội tạng (như gan nhiễm mỡ), cũng như thừa cân, béo phì và đái tháo đường loại 2.

“Vì vậy cần duy trì một chế độ ăn uống cân đối, giàu chất xơ và ít chất béo bão hòa, ít đường để bảo vệ sức khỏe. Lựa chọn thực phẩm lành mạnh như hạt ngũ cốc nguyên hạt, rau củ, cá hồi, hạt lanh, hạt chia và dầu olive có thể giúp hỗ trợ sức khỏe tim mạch bằng cách giảm mỡ máu xấu và tăng mỡ máu tốt”, bác sĩ Hà chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.