Vết nứt đánh động các cây cầu

27/02/2014 08:25 GMT+7

Từ những vết nứt bất thường tại các trụ cầu Vĩnh Tuy, Bộ Xây dựng đã yêu cầu phải rà soát lại toàn bộ chất lượng các cây cầu trên địa bàn Hà Nội.

Vết nứt đánh động  các cây cầu

Hiện trường vết nứt ở trụ T22 cầu Vĩnh Tuy - Ảnh: Lê Quân

Vết nứt đánh động  các cây cầu 1

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đang thị sát, kiểm tra vết nứt trụ cầu Vĩnh Tuy - Ảnh: Lê Quân

Chiều 26.2, đoàn kiểm tra do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đã tìm hiểu nguyên nhân các vết nứt tại cầu Vĩnh Tuy. Bộ trưởng yêu cầu chủ đầu tư phải tập trung xử lý dứt điểm các vết nứt. “Phải thuê tư vấn độc lập, có thể là trong nước hay nước ngoài nhưng phải giỏi, giàu kinh nghiệm đánh giá lại mức độ an toàn của cây cầu. Cũng cần đánh giá lại tuổi thọ của cây cầu”, ông Dũng nói. Ông cũng yêu cầu chủ đầu tư cho rà soát lại toàn bộ các hạng mục của cầu Vĩnh Tuy để sớm phát hiện những sự cố khác có thể gây mất an toàn. Khi khắc phục xong các vết nứt này phải mời các nhà khoa học đến kiểm tra lại.

“Trách nhiệm của Sở GTVT Hà Nội là phải rà soát lại toàn bộ các cây cầu trên địa bàn thành phố, không thể chủ quan. Đặc biệt, cần kiểm tra kỹ những cầu mà Ban Quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn là chủ đầu tư. Những cầu khác cũng phải kiểm tra thật kỹ. Nếu phát hiện các vết nứt hay bất kỳ sự cố nào cần thông báo để người dân được biết”, Bộ trưởng Dũng nói.

Vết nứt cầu Vĩnh Tuy “khá nghiêm trọng”

 

Trách nhiệm của Sở GTVT Hà Nội là phải rà soát lại toàn bộ các cây cầu trên địa bàn thành phố, không thể chủ quan. Đặc biệt, cần kiểm tra kỹ những cầu mà Ban Quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn là chủ đầu tư. Những cầu khác cũng phải kiểm tra thật kỹ

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng

Theo ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty tư vấn thiết kế GTVT (Tedi), đơn vị tư vấn thiết kế cầu Vĩnh Tuy, ngoài vết nứt trên thân trụ T22, kết quả kiểm tra hiện trường cho thấy trụ T23 và T24 của cầu cũng xuất hiện vết nứt tương tự. Tại trụ T23, vết nứt ở vị trí tương tự trụ T22, chiều dài khoảng 2 - 3 m, chiều rộng lớn nhất khoảng 0,3 mm. Trụ T24 vết nứt có bề rộng nhỏ hơn. Theo ông Sơn, vết nứt trên trụ T23, T24 mới nhận biết bằng mắt thường, chưa tìm hiểu được nguyên nhân gây nứt. Riêng vết nứt dọc thân trụ T22 là khá trầm trọng. Dù vậy, ông Sơn vẫn khẳng định, căn cứ theo kết quả tính toán, xem xét độ an toàn thì việc vận hành, khai thác cầu này vẫn an toàn.

Đáng chú ý, vết nứt thân trụ T22 đã xuất hiện theo phương dọc từ tháng 3.2010, qua thời gian vết nứt này phát triển dọc theo thân trụ lên phía trên và mở rộng dần, từ năm 2012 đến nay vết nứt không phát triển nữa. Ông Sơn nhận định: “Nguyên nhân gây nứt trụ T22 có thể là trong quá trình thi công, khi đổ những khối bê tông lớn, có sự khác nhau giữa nhiệt độ, kết hợp với co ngót tạo ra vết nứt. Việc này rất khó phát hiện khi thi công cầu mà lúc vận hành mới dần dần lộ ra”.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Quang Tuýnh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng Thăng Long (đơn vị thi công) khẳng định quá trình thi công đơn vị thực hiện đúng quy trình và tiêu chuẩn của nhà nước. Thăng Long đã bàn giao công trình cho Hà Nội quản lý từ năm 2009, nên không biết thông tin về vết nứt trụ cầu.

Cầu Vĩnh Tuy có chiều dài 3,777 km, chiều rộng 19,25 m, trong đó phần cầu chính vượt qua sông Hồng có chiều dài 990 m. Cầu được thiết kế chịu được động đất cấp 8. Các trụ bố trí trong phạm vi sông có thông thuyền từ T19 đến T23 đều được thiết kế chống va tàu với tải trọng thiết kế của tàu 2000 DWT. Cầu Vĩnh Tuy do Tổng công ty xây dựng Thăng Long, Tổng công ty xây dựng công trình giao thông (Cienco) 1 và Cienco 8 thi công.

Cầu Thanh Trì, Phù Đổng cũng có vết nứt

Theo ông Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường VN, đáng lẽ khi các nhà quản lý cầu phát hiện vết nứt từ năm 2010 phải theo dõi, xử lý hàn trám ngay. “Nếu các cơ quan thẩm tra xác định do lỗi nhà thầu, thì đây là bài học mà nhà thầu trong nước cần khắc phục. Về mặt kỹ thuật, có thể cho phép vết nứt do chịu lực rất nhỏ, với bề mặt 0,2 - 0,3 mm. Nhưng trường hợp này đã loại trừ yếu tố chịu lực, mà có thể do công tác bê tông, nhà thầu cũng cần phải khắc phục. Không thể nói không nguy hiểm là xong”, ông Long nhận định.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT TP.Hà Nội, cho biết tại những cầu bê tông dưỡng lực như cầu Thanh Trì, Phù Đổng… đều có những hiện tượng nứt tương tự tại các trụ T22, T23, T24 của cầu Vĩnh Tuy. Các vết nứt này hiện đang được theo dõi sát sao. “Chúng tôi khẳng định tất cả các cầu trên địa bàn TP.Hà Nội do Ban Quản lý Tả Ngạn hay các ban khác, chủ đầu tư khác thi công bàn giao đều rất an toàn, người dân hoàn toàn yên tâm khi đi qua cầu”, ông Hùng nói.

Mai Hà - Lê Quân

>> Hầm Thủ Thiêm chi chít vết nứt
>> Hầm đường bộ Kim Liên xuất hiện nhiều vết nứt
>> Hầm đường bộ Hải Vân xuất hiện vết nứt
>> Phát hiện thêm 2 vết nứt gãy ở công trình cầu Văn Thánh 2

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.