Về ngôi làng thời phong kiến có 7 tiến sĩ đỗ đạt trong hơn nửa thế kỷ

Minh Phong
Minh Phong
12/11/2023 09:30 GMT+7

Chỉ trong vòng 69 năm, dưới thời kỳ phong kiến, làng Lê Xá (Hải Phòng) có tới 7 người đỗ tiến sĩ. Dù hiện tại, cuộc sống ở nông thôn còn nhiều gian khó, nhưng người dân trong làng vẫn đang từng ngày động viên con cháu phát huy truyền thống hiếu học của thế hệ cha ông.

Nhiều tiến sĩ thời phong kiến được Hải Phòng vinh danh

Từ xưa đến nay, nói đến "làng tiến sĩ", hầu như mọi người đều nhắc đến làng Mộ Trạch (ở xã Tân Hồng, H.Bình Giang, tỉnh Hải Dương), đó là ngôi làng nổi danh nhất cả nước, với 36 tiến sĩ khoa bảng trong các kỳ thi thời phong kiến. Nhưng, ít người biết rằng, ở Hải Phòng cũng có một "làng tiến sĩ", sử sách còn lưu lại đến ngày nay, đó là làng Lê Xá (xã Tú Sơn, H.Kiến Thụy).

Theo các bậc cao niên trong làng Lê Xá kể lại, từ xưa, khi mới khai hoang lập ấp, dân chúng đặt tên cho vùng đất này là ấp Hướng Dương, mong muốn quê hương mình như loài hoa luôn hướng về phía mặt trời, chịu đựng được sóng gió của biển cả.

Vì là ngôi làng cổ, được thành lập sớm nên thiết chế làng xã ở làng Lê Xá khá chặt chẽ. Người dân Lê Xá cũng như bao ngôi làng trên khắp Việt Nam, cũng chỉ sinh nhai với nghề trồng lúa nước, trồng dâu nuôi tằm. Học để thành tài, đi lên bằng chính bàn tay, khối óc của mình chứ hoàn toàn không có thần tích hay thần phả nào lý giải cho sự học ở vùng đất này. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng người dân làng Lê Xá nói riêng và xã Tú Sơn nói chung vẫn tạo mọi điều kiện cho con cái ăn học đàng hoàng với quan niệm "một đấu vàng không bằng nang chữ".

Về ngôi làng có 7 người đỗ tiến sĩ thời phong kiến trong hơn nửa thế kỷ - Ảnh 1.

Nơi thờ tự thành hoàng làng và các vị tiến sĩ làng Lê Xá

MINH PHONG

Chính vì vậy, suốt thời phong kiến, xã Tú Sơn trở thành trở thành vùng đất khoa bảng nổi tiếng, nhất là làng Lê Xá. Chỉ trong 69 năm, từ năm 1469 đến năm 1538, làng Lê Xá có tới 7 người đỗ tiến sĩ. Dưới thời phong kiến, làng nào, xã nào chỉ cần có một người đỗ tiến sĩ, tiếng thơm vang xa và lưu truyền mãi. Vì thế, làng Lê Xá được nhiều biết đến với cái tên "làng tiến sĩ".

Người khai khoa của "làng tiến sĩ" Lê Xá là cụ Nguyễn Nhân Nghiêm đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm 29 tuổi tại khoa thi năm Kỷ Sửu (1469) dưới triều vua Lê Thánh Tông và làm tới chức Đô cấp sự trung Bộ Công.

Về ngôi làng có 7 người đỗ tiến sĩ thời phong kiến trong hơn nửa thế kỷ - Ảnh 2.

Sắc phong của vua Khải Định năm 1924 cho đình làng Lê Xá

MINH PHONG

Khoa thi năm Giáp Thìn (1484), cụ Bùi Phổ khi đó mới 25 tuổi đã đỗ Hoàng giáp. Năm 1495, vua Lê Thánh Tông lập Hội Tao đàn và mời cụ tham dự, 5 bài thơ của cụ Bùi Phổ được Lê Quý Đôn đưa vào tuyển tập Toàn Việt thi lục.

Cụ Trần Bá Lương đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ năm Kỷ Mùi (1499) dưới thời vua Lê Hiến Tông. Khi được cử làm Phó chánh sứ sang Trung Quốc cụ đã có bài biểu dâng lên vua Minh và được Phan Huy Chú đưa vào bộ Lịch triều hiến chương loại chú.

Tại khoa thi năm Nhâm Tuất (1502), đời vua Lê Hiến Tông, cụ Phạm Gia Mô đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ, làm quan tới chức Thượng thư Bộ Lễ.

Cụ Lê Thời Bật đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ tại khoa thi năm Tân Mùi (1511) dưới thời vua Lê Tương Dực, sau ra làm quan cho nhà Mạc với chức Thượng thư, tước Văn Uyên hầu.

Đặc biệt, tại khoa thi năm Mậu Tuất (1538), dưới thời vua Mạc Thái Tông, làng Lê Xá có 2 vị đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ là cụ Hoàng Thuyên và cụ Nguyễn Huệ Trạch.

Về ngôi làng có 7 người đỗ tiến sĩ thời phong kiến trong hơn nửa thế kỷ - Ảnh 3.

Bia thờ các vị tiến sĩ làng Lê Xá

MINH PHONG

Để vinh danh tinh thần hiếu học cũng như công ơn của các vị tiến sĩ làng Lê Xá với đất nước, ngày nay, tại TP.Hải Phòng, một số tiến sĩ như Bùi Phổ, Trần Bá Lương, Phạm Gia Mô đã được chính quyền thành phố đặt tên tuyến đường, phố.

Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, ông Đồng Duy Cường, Chủ tịch UBND xã Tú Sơn cho biết, ngoài 7 vị tiến sĩ đỗ đạt dưới thời phong kiến ở làng Lê Xá, tại làng Nãi Sơn cũng có 2 tiến sĩ đỗ đạt cùng khoa thi năm Đinh Sửu (1757) là cụ Bùi Đình Dự và Nguyễn Quang Biểu, nâng tổng số tiến sĩ đỗ đạt thời phong kiến trên địa bàn toàn xã Tú Sơn là 9 người.

Giữ gìn truyền thống hiếu học

Theo ông Đồng Duy Cường, để góp phần gìn giữ, tiếp nối truyền thống hiếu học quý giá của làng Lê Xá nói riêng, xã Tú Sơn nói chung, thời gian qua, đại diện chính quyền địa phương thường xuyên phối hợp các đoàn thể, đại diện các thôn tổ chức "thăm nhà đột xuất" vào buổi tối tới nhà các cháu học sinh có học lực kém để kiểm tra việc học hành, động viên gia đình và các cháu.

Về ngôi làng có 7 người đỗ tiến sĩ thời phong kiến trong hơn nửa thế kỷ - Ảnh 4.

Lãnh đạo xã Tú Sơn đang tìm lại tư liệu lịch sử của làng Lê Xá

MINH PHONG

Bên cạnh đó, xã Tú Sơn còn huy động các nguồn xã hội hóa trao học bổng, xe đạp tặng các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn vượt khó vươn lên trong học tập. Đồng thời, khen thưởng kịp thời những cháu đạt được thành tích cao, nổi bật trong học tập.

Ông Nguyễn Văn Anh, Trưởng làng văn hóa Lê Xá cho hay, truyền thống hiếu học đã thấm vào máu thịt của người dân làng Lê Xá. Đến nay, nhiều gia đình dù hoàn cảnh có phần còn khó khăn nhưng vẫn chắt chiu, dành dụm những gì tốt đẹp nhất mong con cái ăn học thành tài.

Trong số đó, có thể kể đến gia đình ông Đặng Văn Trường. Bản thân ông Trường đi làm bảo vệ, vợ ở nhà trồng rau nuôi gà, nhưng vẫn gắng gượng nuôi 2 con ăn học đại học. Hay ông Nguyễn Văn Biềm (đã mất) từng mò cua, bắt ốc cùng vợ nuôi 2 con hoàn thành chương trình đại học.

Ước vọng có nơi trang trọng để thờ tự các tiến sĩ

"Tôi nghe các cụ kể lại, ngày xưa, làng có ngôi đình rất to, và các vị tiến sĩ được người dân trong làng thờ tự tại đây. Tuy nhiên, thời kỳ kháng chiến chống Pháp, thực hiện chính sách tiêu thổ thời chiến, đình làng đã bị phá dỡ, đến nay vẫn chưa thể khôi phục lại được", ông Anh bùi ngùi.

Về ngôi làng có 7 người đỗ tiến sĩ thời phong kiến trong hơn nửa thế kỷ - Ảnh 5.

Do đình làng Lê Xá chưa được xây dựng lại, nên nơi thờ tự thành hoàng làng, các vị tiến sĩ, liệt sĩ đang phải thờ tạm trong khuôn viên của nhà văn hóa

MINH PHONG

Do không còn đình làng, hiện tại, thành hoàng làng, 7 vị tiến sĩ dưới thời phong kiến, cùng hơn 60 liệt sĩ đang được thờ tạm tại Nhà văn hóa Lê Xá được xây dựng trong khuôn viên đình làng trước kia. Trước tình cảnh này, người dân trong làng, con em xa quê hương không khỏi chạnh lòng.

Ông Nguyễn Văn Anh chia sẻ, nhiều năm nay, vấn đề xây lại đình làng đã được đưa ra tại nhiều cuộc họp của làng. Mọi người mong muốn chung tay góp công, góp của để xây dựng nơi thờ tự thành hoàng làng, các vị tiến sĩ, các anh hùng liệt sĩ.

Về ngôi làng có 7 người đỗ tiến sĩ thời phong kiến trong hơn nửa thế kỷ - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Văn Anh bùi ngùi khi đến nay đình làng Lê Xá vẫn chưa thể xây dựng lại được

MINH PHONG

Về nguyện vọng xây lại đình làng của người dân làng Lê Xá, ông Đồng Duy Cường thông tin, UBND xã Tú Sơn đã đề nghị UBND H.Kiến Thụy đưa vào quy hoạch dành 2.000 m2 ở khu vực đình làng Lê Xá cũ, nay thuộc khuôn viên Nhà văn hóa Lê Xá, để huy động nguồn vốn xã hội hóa xây dựng đình làng mới. Khi hoàn thành đây sẽ là "địa chỉ đỏ" để giáo dục truyền thống yêu nước, hiếu học, điểm kết nối cộng đồng, nhất là con em xa quê khi trở lại quê hương được thấy lại cảnh quen thuộc "cây đa, bến nước, sân đình".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.