Vận tải biển lại nhờ cánh buồm và sức gió vì nguy cơ nhiên liệu tăng giá?

Vận tải biển lại nhờ cánh buồm và sức gió vì nguy cơ nhiên liệu tăng giá?

La Vi
La Vi
04/09/2023 09:42 GMT+7

Một tàu chở hàng của tập đoàn Cargill đã thực hiện chuyến đi đầu tiên kể từ khi được trang bị những cánh buồm đặc biệt, nhằm mục đích nghiên cứu cách khai thác năng lượng gió có thể cắt giảm khí thải và sử dụng năng lượng trong lĩnh vực vận chuyển, tập đoàn hàng hóa Mỹ cho biết hôm 21.8.

Có điều gì khác biệt ở con tàu chở hàng này? Nó được trang bị 2 cánh buồm đặc biệt có tên WindWings, nhằm nghiên cứu cách khai thác năng lượng gió để cắt giảm khí thải và sử dụng năng lượng trong lĩnh vực vận tải biển.

Đây là chuyến đi đầu tiên của con tàu 5 tuổi Pyxis Ocean với những cánh buồm mới.

Ngành hàng hải đang khai phá các công nghệ mới nhằm tìm cách cắt giảm tiêu thụ nhiên liệu gây ô nhiễm.

Ông Simon Schofield là Giám đốc Công nghệ của BAR Technologies, công ty đã phát triển cánh buồm WindWings, sau đó được Yara Marine Technologies của Na Uy chế tạo.

Ông cho biết: “Ngành công nghiệp hàng hải phải đối mặt với thách thức giảm phát thải carbon. Công nghệ này sẽ không giải quyết được hoàn toàn vấn đề nhưng đó là một bước đi đúng hướng".

Tàu chở hàng ra khơi thử nghiệm năng lượng gió biển - Ảnh 1.

Tàu Pyxis Ocean được trang bị thêm 2 cánh buồm WindWings

REUTERS

Cargill, một trong những tập đoàn thuê tàu lớn nhất thế giới, đã phát triển dự án thí điểm WindWings cao gần 38 m của tàu Pyxis Ocean trong nhiều năm qua.

Đây là lộ trình mà các công ty trong ngành hàng hải buộc phải tham gia khi các nhà đầu tư và các nhóm môi trường thúc đẩy họ đẩy nhanh quá trình giảm phát thải carbon, hiện đang chiếm gần 3% lượng khí thải CO2 toàn cầu.

Nhưng dù các công nghệ mới phát triển thì ý tưởng khai thác gió để lấy năng lượng đã có từ xa xưa.

Trước khi loài người chuyển sang động cơ hơi nước và động cơ diesel, gió đã từng là phương tiện đẩy tàu phổ biến.

“Khi bạn nhìn thấy một chiếc máy bay hạ cánh và nó mở cánh tà phía trước và cánh tà của nó ở phía sau khi máy bay hạ cánh, chúng tôi làm điều tương tự cho phép chúng tôi kiểm soát cái mà chúng tôi gọi là mặt khum, hình dạng của cánh, qua đó điều khiển lượng năng lượng. Sau đó, chúng tôi có thể căn chỉnh cánh theo bất kỳ hướng nào so với hướng gió và điều này được thực hiện hoàn toàn tự động và nó tối đa hóa lượng năng lượng mà chúng tôi thu được từ gió một cách hiệu quả", ông Schofield cho hay.

Ông Schofield cho biết thêm những "cánh buồm" không chỉ cắt giảm lượng khí thải CO2 mà còn cắt giảm tiêu thụ nhiên liệu.

Cụ thể, Pyxis Ocean có thể tiết kiệm tới 40% lượng tiêu thụ nhiên liệu. Ông tin rằng đó là một hướng đi đúng đắn khi xét đến mức độ tăng giá của nhiên liệu.

Ông Schofield nói: “Điều này có tiềm năng trở thành xu hướng chủ đạo. Dĩ nhiên là có nhiều lý do mô hình này không phù hợp với tất cả các loại tàu, nhưng chắc chắn trên các tàu chở hàng rời và tàu chở dầu, chúng ta có thể thấy một tỷ lệ lớn các tàu đóng mới và tàu trang bị lại sẽ dùng công nghệ gió bằng cách này hay cách khác. Đây không chỉ là chuyện môi trường mà còn vì chi phí nhiên liệu trở nên đắt đỏ hơn, và đặc biệt là việc áp dụng các nhiên liệu tương lai thì công nghệ gió đương nhiên là rất kinh tế".

Tập đoàn Cargill cho biết tàu Pyxis Ocean sẽ đi từ Singapore đến Brazil và sau đó có khả năng vận chuyển một lô hàng ngũ cốc đến Đan Mạch.

Con tàu sau đó được cho là sẽ ở lại khu vực phía bắc Đại Tây Dương để tối đa hóa việc sử dụng gió.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.