Báo chí gióng tiếng chuông ngăn chặn xâm hại di sản

25/10/2014 09:00 GMT+7

Việc bảo tồn, phát huy, quảng bá văn hóa dân tộc không thể không nói tới vai trò của báo chí, truyền thông.

 
Trống trận Tây Sơn được biểu diễn tại hội thảo Báo chí với bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc - Ảnh: Hoàng Trọng

Đó là khẳng định của Giáo sư Hoàng Chương, Tổng giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc VN, tại hội thảo Báo chí với bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc, do Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc VN phối hợp với Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Định tổ chức ngày 24.10 ở TP.Quy Nhơn.

Phát hiện nhiều sai phạm trong bảo vệ di sản

Giáo sư Chương cho rằng những thập niên qua, báo chí đã lên tiếng phê phán những hiện tượng xâm hại, phá hoại di sản văn hóa hay di tích bị xuống cấp trầm trọng như: Nàng Tô Thị (Lạng Sơn), chùa Một Cột, nhà cổ Đường Lâm, đình Cựu Quán, lăng Ngô Quyền, chùa Trăm gian, chùa Sổ (Hà Nội)... và các loại hình nghệ thuật truyền thống bị biến dạng, bị “gieo vừng ra ngô”! Nhờ báo chí mà ngăn chặn được dự án “100 kiệt tác sân khấu” với tổng kinh phí đầu tư 40 tỉ đồng ở Nhà hát Tuổi Trẻ vào năm 2008. Thông qua báo chí mà người trong và ngoài nước hiểu được điều hay, cái đẹp của vốn di sản văn hóa truyền thống như: tuồng, chèo, múa rối nước, quan họ, ca trù, hát xoan... và các nghệ nhân, danh nhân liên quan đến loại hình nghệ thuật này.

“Nhờ báo chí gióng tiếng chuông cảnh báo, phát hiện những sai phạm trong việc bảo vệ di sản mà các cơ quan quản lý nhà nước mới biết được, hoặc biết rõ hơn thực trạng một di sản văn hóa nào đó đang xuống cấp, đang bị xâm hại mà kịp thời giải quyết. Nhờ báo chí lên tiếng phê phán mà nạn phá tuồng, phá chèo được hạn chế một phần, nạn “cải tiến” nghệ thuật dân tộc quá đà được ngăn chặn. Báo chí là nhân tố quan trọng thúc đẩy việc ra đời luật Di sản văn hóa”, Giáo sư Hoàng Chương nhấn mạnh.

Nhạc sĩ Mai Tuyết Hoa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc VN, nói: “Cách đây hơn 10 năm, hát xẩm chẳng có mấy ai quan tâm. Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc VN phải tập trung giới thiệu sâu rộng trong công chúng, vận động báo chí tuyên truyền thường xuyên thì hát xẩm lên ngôi. Đặc biệt, nghệ nhân Hà Thị Cầu được báo chí liên tục ca ngợi, trở thành một hiện tượng của đất nước và nhận được giải thưởng Đào Tấn. Nếu không có báo chí thì mấy ai biết tới nghệ nhân bậc thầy về hát xẩm và mấy ai biết được giải thưởng cao quý mang tên danh nhân Đào Tấn”.

 
Hô bài chòi Bình Định - Ảnh: Hoàng Trọng

“Cầu nối nghệ sĩ với công chúng”

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu VN, nêu rõ: “Hiện chúng ta đang lập hồ sơ trình UNESCO xét duyệt và công nhận bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại nên vai trò truyền thông của báo chí là rất lớn, nhất là việc góp phần tôn vinh đúng giá trị đích thực về khoa học, lịch sử, văn hóa của di sản. Báo chí cũng cảnh báo xu hướng hiện đại hóa bài chòi (dân ca hóa bài chòi và đưa nhạc sáng tác quá nhiều vào sân khấu bài chòi), dẫn tới hệ lụy mất bản sắc bài chòi dân gian truyền thống, cái mà chúng ta cần bảo tồn, cần phát huy và cũng là mục tiêu chúng ta đang phấn đấu để UNESCO công nhận bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.

Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Vương Duy Biên đưa ý kiến: “Báo chí truyền thông có nhiệm vụ giải thích cho công chúng hiểu về di sản văn hóa dân tộc, cái hay, cái đẹp, cái quý của nó ở đâu làm cho người đọc càng yêu, càng quý, càng bảo vệ di sản một cách tự nguyện. Điều này đòi hỏi người làm công tác quảng bá văn hóa nghệ thuật phải có kiến thức về văn hóa một cách sâu rộng thì mới thuyết phục được công chúng”.

Trong khi đó, bà Lê Thị Bích Hồng, Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ Ban Tuyên giáo T.Ư, nhận định: “Thông tin văn hóa trên báo chí ngày càng được chú trọng, đổi mới, cập nhật, tạo nên sự phong phú, đa dạng và hấp dẫn trong công tác lãnh đạo, quản lý thông tin và là cầu nối không thể thiếu giữa nghệ sĩ với công chúng. Cơ quan báo chí đã bám sát hiện thực cuộc sống, nhịp thở của văn hóa, khơi gợi và đặt ra nhiều vấn đề lớn, mới mẻ đối với sự phát triển của nền văn hóa nước nhà. Qua đó, báo chí đã có những đóng góp quan trọng trong việc giữ gìn và phát triển văn hóa VN”.

Không được làm ngơ, né tránh, tô hồng

Giáo sư Hoàng Chương khẳng định có nhiều tờ báo, đặc biệt là báo điện tử, một số kênh truyền hình không mấy mặn mà với di sản văn hóa dân tộc mà lại ưu tiên cho những tin giật gân, chuyện đời tư của nghệ sĩ. “Câu chuyện văn hóa” của Đài VTV hôm 25.10.2014 như một tổng kết tình hình báo chí bị thương mại hóa: có ngày một phóng viên có thể viết tới 20 tin, bài về chuyện lặt vặt riêng tư của nghệ sĩ như viết về đôi giày của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng thế nào. Một vở tuồng, vở chèo, vở cải lương, bài chòi mới vừa được công diễn mà chất tuồng, chất chèo, chất cải lương, chất bài chòi cổ rất nhạt nhưng vẫn có người viết “rất tuồng”, “rất chèo”, “rất cải lương”...

Còn bà Lê Thị Bích Hồng cho rằng trong cách bình luận, đánh giá văn nghệ, còn không ít nhà báo thiếu tố chất văn hóa, cung cách tùy tiện, dẫn đến xu hướng sai lệch là “tô hồng” thái quá, thiếu “phông nền” văn hóa tối thiểu, thiếu chủ kiến nên “phán”, phê bình văn hóa dựa trên vốn thông tin ít ỏi, sơ sài, hời hợt.

Hoàng Trọng

>> Đề xuất khu tàu cổ đắm là di sản văn hóa biển quốc gia
>> Làm thương hiệu cho di sản thế giới
>> Triển lãm di sản văn hóa dưới nước 
>> Đề nghị công nhận 3 cây bằng lăng nước ở An Giang là cây di sản

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.