Khởi nghĩa vua Duy Tân qua hồ sơ lưu trữ :

Vai trò của Việt Nam Quang Phục hội

13/03/2023 07:37 GMT+7

Khởi nghĩa vua Duy Tân qua hồ sơ lưu trữ do Lưu Anh Rô - Nguyễn Trương Đàn sưu tầm và biên soạn, lần đầu công bố toàn bộ hồ sơ cuộc khởi nghĩa vua Duy Tân năm 1916, được lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia Hải ngoại Pháp tại Aix-en Provence. Được sự đồng ý của các tác giả, Thanh Niên xin trích đăng một số nội dung tác phẩm.


Nhiều tài liệu trước đây cho biết cuộc khởi nghĩa vua Duy Tân là do Việt Nam Quang Phục hội chủ xướng và viện trợ nhân tài, vật lực, kể cả mẫu cờ cho lực lượng nổi dậy… Vậy sử liệu mới nói gì?

Sau khi Việt Nam Quang Phục hội thành lập tại Trung Quốc thì tổ chức này cử Lâm Quảng Trung về Trung kỳ truyền đạt chương trình, tuyên ngôn, đường lối đánh Pháp của hội. Từ cơ sở đó, những người yêu nước tại Trung kỳ mà đứng đầu là Thái Phiên đã thống nhất đứng dưới cờ Việt Nam Quang Phục hội và lập nên Kỳ bộ Trung kỳ với tôn chỉ duy nhất "đánh đuổi quân Pháp, khôi phục nước Việt Nam, thành lập Cộng hòa Dân quốc Việt Nam".

Vai trò của Việt Nam Quang Phục hội  - Ảnh 1.

Hồ sơ G.G.I. 6550 về khởi nghĩa vua Duy Tân tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia Hải ngoại Pháp

TƯ LIỆU CỦA LƯU ANH RÔ

Kỳ bộ Trung kỳ gồm các tỉnh từ Quảng Trị vào Bình Định, có Thái Phiên, Đỗ Tự, Phan Thành Tài, Lê Đình Dương, Phạm Thành Chương (Quảng Nam); Quảng Ngãi có Cử Súy (tức Nguyễn Súy), Nguyễn Công Mậu, Bùi Phú Thiệu, Võ Hàng; Thừa Thiên có Đoàn Bổng…

Cuối năm 1914, một số nhà ái quốc hết hạn tù từ Côn Đảo, Lao Bảo về cùng tham gia như: Lê Ngung, Nguyễn Đôn Quế, Phạm Cao Chẩm, Trần Cao Vân… những người uy tín nhất vẫn là Thái Phiên, Trần Cao Vân và Lê Ngung. Họ chủ trương đường lối bạo động, theo kiểu nội công ngoại ứng và đặt hy vọng nhiều vào Quang Phục quân vượt biên giới đánh về nước, và họ cũng tin vào cơ sở của họ đã xây dựng được trong hàng ngũ lính tập.

Trong lúc đó, báo cáo của Khâm sứ Trung kỳ về tình hình quý II/1916 có đoạn: "Từ năm 1914, tức là vào lúc mở đầu cuộc đại chiến, vua Duy Tân đã có ý định xúi giục các cuộc bạo loạn trong nước để tuyên bố độc lập" và phân công chỉ huy cho các tỉnh "Nguyễn Đức Công ở tỉnh Hà Tĩnh, Nguyễn Bùi Lễ ở tỉnh Quảng Nam, Trần Phu ở tỉnh Bình Định và Võ Đình Xán ở tỉnh Nghệ An" (Tài liệu số 273, Hồ sơ 4199).

Chiến tranh thế giới lần thứ nhất nổ ra, Đức xâm chiếm Pháp thì Đông Dương là nơi cung cấp nhân tài vật lực mạnh mẽ cho "chính quốc", Kỳ bộ Trung kỳ xem đây là cơ hội để khởi nghĩa diễn ra, theo Lê Ngung thì đây là "Cơ hội ngàn năm có một!".

Lúc này, theo lời khai của Thái Phiên thì có "hai người Trung Hoa lạ mặt" người của Việt Nam Quang Phục hội đến gặp và trao cho ông hai mẫu cờ. Đây cũng chính là lá cờ được vua Duy Tân chuẩn thuận và ông gọi là "lá cờ Việt Nam Tự Lập": "Trẫm truyền lệnh cho các quan đầu tỉnh và tất cả quan lại biết rằng khi lá cờ Việt Nam Tự Lập được kéo lên thì phải ra lệnh cho các tù nhân đang bị giam giữ hãy ở yên tại chỗ, họ sẽ được thả ra sau cuộc tấn công".

Lá cờ này được gọi là "Ngũ tinh" (5 sao), theo mô tả của mật thám Pháp thì "Cờ màu đỏ, ở góc trên là màu xanh với 5 ngôi sao trắng", điều này cho thấy những mô tả khác với lá cờ này như trước đây là một điều lầm!

Về thông tin Việt Nam Quang Phục hội cử người trực tiếp về tham gia cuộc khởi nghĩa có lẽ chỉ là "thanh viện", là cách tạo sự tự tin cho lực lượng khởi nghĩa và Thái Phiên, Trần Cao Vân muốn vua Duy Tân yên lòng khi ông hỏi về điều này. Thái Phiên và Trần Cao Vân tâu rằng "Đề Thám sẽ đến cùng các chiến hữu. Phía núi còn có Phan Bội Châu và người Đức đến bằng đường biển; ở Bắc kỳ thì có ông Hoàng Hưng, Lê Bách Chuyết cùng sự giúp đỡ của những người Trung Hoa cách mạng; ở Lào thì có ông Đề Đạt"…

Trên thực tế, thực dân Pháp theo dõi sát sao các phong trào yêu nước tại Việt Nam và hoạt động của họ tại các nước Thái Lan, Lào, Miên, khi khởi nghĩa diễn ra, Toàn quyền Đông Dương lập tức gửi điện khẩn cho toàn xứ thuộc Đông Dương, lệnh rằng "phải có sự tăng canh gác gấp đôi", "nhất là canh giữ các đường qua Lào và Xiêm" nơi có "Tú Địch người gốc Quảng Nam, là chỉ huy của bọn nổi loạn, hiện ẩn náu tại Xiêm".

Sử liệu mới cho thấy Việt Nam Quang Phục hội ở bên ngoài không giúp được gì nhiều cho cuộc khởi nghĩa vua Duy Tân, đường dây liên lạc của Thái Phiên với tổ chức này khá lỏng lẻo, chỉ thông qua số du học sinh. Điều này được thể hiện rõ trong bản di ngôn bí mật được Thái Phiên viết bằng đầu cháy thành than của một que diêm trên mảnh giấy nhỏ, trước khi lên đoạn đầu đài, ông dặn lại rằng đầu mối liên lạc với bên ngoài là "Những người Trung Hoa làm môi giới chịu trách nhiệm liên lạc cho các sinh viên Annam đang du học ở Trung Hoa và Xiêm, là các ông: Ngọ - nhân viên nhà buôn Trung Hoa Triều Hưng; Trịnh Quang Trợ - biệt hiệu Mouton, người kiểm hóa của Hiệp hội Thương mại Đông Dương; Ngô Đô - nhân viên nhà buôn Trung Hoa "Nghĩa Thành", chi nhánh Đà Nẵng".

Như vậy, Kỳ bộ Trung kỳ không hề nhận được sự chỉ đạo hay hỗ trợ trực tiếp nào về kinh phí, con người từ tổ chức Việt Nam Quang Phục hội trong cuộc khởi nghĩa vua Duy Tân.

(còn tiếp)

(Trích Khởi nghĩa vua Duy Tân qua hồ sơ lưu trữ - DT Books và NXB Đà Nẵng xuất bản)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.