Ủy ban Kinh tế: Xem xét tính khả thi mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024

Lê Hiệp
Lê Hiệp
16/10/2023 09:33 GMT+7

Cho rằng việc đạt mục tiêu tăng trưởng là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét, đánh giá tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 cũng như việc hoàn thành mục tiêu cả nhiệm kỳ.

Sáng 16.10, tiếp tục phiên họp 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kinh tế - xã hội năm 2023, kế hoạch năm 2024; đánh giá giữa kỳ về tình hình thực hiện kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế của Chính phủ.

Bất cập tích tụ thời gian dài chưa được giải quyết

Báo cáo thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dù đạt được nhiều kết quả, năm 2023, dự kiến 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt mục tiêu đề ra năm thứ 3 liên tiếp.

Ủy ban Kinh tế: Xem xét tính khả thi mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, kế hoạch năm 2024

GIA HÂN

Tăng trưởng kinh tế giảm tốc đáng kể, cả năm ước đạt trên 5%. Các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài.

Cạnh đó, một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả. Thủ tục hành chính tuy đã được cắt giảm nhưng trong một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp, việc ban hành thông tư, quy chuẩn kỹ thuật còn bất cập, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay giảm nhưng dư nợ tín dụng đến ngày 21.9 chỉ tăng 5,91% so với cuối năm 2022.

Theo ông Thanh, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, chi phí sản xuất, chi phí logistics tăng cao.

Ông Thanh cho hay, số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao với hơn 135.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 9 tháng; doanh nghiệp mới thành lập giảm 14,6% về số vốn đăng ký và 1,2% về số lao động. Cạnh đó, tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1.9 giảm 1,9% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, giải ngân vốn đầu tư công có cải thiện nhưng chưa đạt như kỳ vọng (hết 9 tháng đạt 51,38% kế hoạch), chưa có sự lan tỏa đối với đầu tư tư nhân, chưa thể hiện vai trò nòng cốt trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

"Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua là do tác động, ảnh hưởng nặng nề của các yếu tố bất lợi từ bên ngoài và những hạn chế, bất cập từ nội tại nền kinh tế tích tụ trong thời gian dài chưa được xử lý dứt điểm", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhận định.

Một nhiệm vụ vô cùng khó khăn

Về năm 2024, thường trực cơ quan thẩm tra cơ bản đồng tình với các định hướng lớn, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp như báo cáo của Chính phủ.

Dù vậy, ông Thanh cho biết, cơ quan thẩm tra đề nghị xem xét, đánh giá tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 cũng như việc hoàn thành mục tiêu cả nhiệm kỳ.

Ủy ban Kinh tế: Xem xét tính khả thi mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 - Ảnh 2.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, kế hoạch năm 2024

GIA HÂN

Ông Thanh đánh giá, để đạt được mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 6,5 - 7% và cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016 - 2020 (6,25%) theo nghị quyết của Quốc hội là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến vô cùng phức tạp, không thể lường trước. 

Cạnh đó, một số chỉ tiêu sẽ rất khó hoàn thành nếu không có giải pháp đột phá hơn nữa, như chỉ tiêu GDP bình quân đầu người; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân...

Về nhiệm vụ, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị tăng cường vai trò của chính sách tài khóa đối với hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Kịp thời giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật. Tập trung giảm lãi suất cho vay, gỡ bỏ những rào cản chưa phù hợp trong việc tiếp cận tín dụng đối với các doanh nghiệp, đồng thời tăng cường năng lực giám sát và quản trị rủi ro hệ thống.

Tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tháo gỡ kịp thời các vướng mắc về các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật chưa thực sự phù hợp.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ quyết liệt khắc phục những hạn chế, yếu kém của một số ngành, lĩnh vực như công tác lập và triển khai thực hiện quy hoạch, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp, những dự án thua lỗ kéo dài, những ngân hàng, doanh nghiệp có vi phạm.

Tháo gỡ các vướng mắc, rào cản lớn đối với doanh nghiệp trong nước hiện nay, nhất là về vấn đề pháp lý, thị trường đầu ra, khả năng tiếp cận, năng lực hấp thụ vốn và lao động.

Tiếp tục tháo gỡ các nút thắt về thể chế, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng; tích cực cải cách thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nâng cao năng lực quản trị quốc gia, tận dụng các cơ hội từ kết quả hội nhập kinh tế quốc tế và khai thác động lực tăng trưởng nội tại từ các trung tâm kinh tế lớn của đất nước như Hà Nội, TP.HCM.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.