Dự báo tăng trưởng GDP 2023 đạt 4,2 - 4,7%

20/09/2023 06:32 GMT+7

Tại Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023, ông Sebastian Eckardt, Giám đốc khối nghiệp vụ kinh tế vĩ mô, thương mại và đầu tư - khu vực Đông Á Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới (WB), cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm rõ rệt so với năm ngoái, nguyên nhân một phần do xung đột Nga - Ukraine hay chính sách zero Covid.

Trong khi đó, nền kinh tế VN có độ mở lớn, chịu ảnh hưởng rất lớn bởi những tác động từ bên ngoài vì xuất khẩu chiếm 50% nền kinh tế. Sự suy giảm trên toàn thế giới không còn sâu sắc và có dấu hiệu khởi sắc hơn, nhưng những tác động này vẫn tác động tới VN, làm hạn chế tốc độ tăng trưởng. Dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của VN năm 2023 sẽ đạt 4,7%.

Trong khi đó, chia sẻ từ Pháp, ông Alexander Böhmer, Trưởng ban Hợp tác và quan hệ toàn cầu, khu vực Nam Á và Đông Nam Á, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), cho biết OECD dự báo ASEAN có mức tăng trưởng 4,2% vào năm 2023 và tăng lên 4,7% vào năm 2024.

Riêng VN do dự báo nhiều khó khăn, nên OECD hạ mức tăng trưởng GDP xuống 4,9%, dự kiến tăng lên 5,9% vào năm 2024. Tốc độ phát triển KT-XH tích cực năm 2022 đã và đang góp phần cải thiện an sinh xã hội trong những năm gần đây; đồng thời nền kinh tế cũng cho thấy khả năng chống chịu với những cú sốc từ bên ngoài.

Trong khi đó, ông Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế quốc tế cấp cao của Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tại VN, nêu lên thực tế tại Đông Nam Á, Thái Lan và Malaysia từng có tốc độ tăng năng suất lao động nhanh. Tuy nhiên, 2 nước này lại không duy trì được tốc độ tăng năng suất lao động sau khủng hoảng tài chính châu Á. Lý do các nước này không nâng cấp được chính sách phát triển khi đạt được mức thu nhập trung bình mà tiếp tục theo đuổi chính sách tăng trưởng dựa trên xuất khẩu chi phí thấp, dẫn tới không đổi mới để nâng cấp công nghệ, nâng cấp năng lực của các ngành sản xuất trong nước.

Theo chuyên gia của UNDP, VN là nước thu nhập trung bình đạt được tăng trưởng đáng ngưỡng mộ trong một thời gian. Vấn đề đặt ra là VN liệu có rơi vào bẫy thu nhập trung bình như các nước trên hay không? Để tránh điều này, theo ông Jonathan Pincus, vấn đề then chốt là phải thành công trong xây dựng hệ thống đổi mới quốc gia.

Tuy nhiên, điểm yếu trong đầu tư nghiên cứu phát triển của VN là tiêu quá ít và tiêu quá dàn trải. Khả năng điều phối thấp giữa T.Ư và địa phương trong đầu tư nghiên cứu phát triển. Đầu tư dàn trải với quá nhiều cơ quan, bộ, ngành và chưa tập trung vào những ngành then chốt. Nhiều dự án nhỏ làm hạn chế tác động của việc đầu tư.

Ông Jonathan Pincus cũng khuyến cáo trong bối cảnh các DN hứng thú đầu tư tại VN, VN cần chuẩn bị tốt hơn để tận dụng cơ hội này, nâng cấp năng lực của mình. Ngoài ra, VN có nhiều du học sinh ở các nước phát triển, nhiều nhân tài khoa học - công nghệ cần được khuyến khích trở về các viện, trường ở VN để tận dụng được nguồn vốn nhân lực này.


Sụt giảm xuất khẩu 2023 là ngắn hạn

Dự báo tăng trưởng GDP 2023 đạt 4,2 - 4,7%  - Ảnh 2.

Những sụt giảm về xuất khẩu dệt may trong năm 2023 mang tính ngắn hạn, phải đưa ra các giải pháp ngắn hạn. Phát triển bền vững, đổi mới mô hình tăng trưởng, đổi mới khoa học công nghệ là việc trung hạn và dài hạn. Nếu không tách bạch được 2 nội dung này thì sẽ không đưa ra được giải pháp phù hợp.

Xuất khẩu dệt may của VN đã sụt giảm so với năm trước, trong khi đó Bangladesh là quốc gia hiếm hoi tăng trưởng. Vừa qua, Hiệp hội Nhập khẩu dệt may Mỹ đã đánh giá 12 tiêu chí đánh giá, lựa chọn quốc gia, nhập khẩu hàng hóa dệt may. VN được đánh giá đạt được nhiều tiêu chí về phát triển bền vững hơn Trung Quốc và Bangladesh. Bên cạnh đó, chúng ta phải tìm phương thức sản xuất hợp lý nhất. Nhưng về vĩ mô cần cân đối lãi suất, tỷ giá, cách tiếp cận vốn để duy trì ổn định.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn dệt may VN

Cần đối phó thông minh với thuế tối thiểu toàn cầu

Dự báo tăng trưởng GDP 2023 đạt 4,2 - 4,7%  - Ảnh 3.

Với Samsung VN, sự trì trệ của nền kinh tế toàn cầu, những xung đột trên thế giới đã khiến doanh thu lần đầu tăng trưởng âm từ khi đầu tư tại VN. Những chính sách như thuế tối thiểu toàn cầu cũng dự kiến sẽ có ảnh hưởng lớn trong thời gian tới.

VN và các DN nước ngoài cần có sự đối phó một cách thông minh về vấn đề này. Chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư phải duy trì được môi trường đầu tư hấp dẫn. Do đó, các DN FDI nên được hỗ trợ để tập trung vào đầu tư, kinh doanh. Cần cải thiện môi trường đầu tư liên tục cho các DN nước ngoài, với các chính sách hỗ trợ khác biệt hơn nữa cho các nhà đầu tư. Đặc biệt cần có chính sách hỗ trợ mới cho các nhà đầu tư có đóng góp lớn cho sự phát triển của quốc gia, tuyển dụng số lượng lớn, các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng xanh.

Ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung VN

Mở rộng tiêu chí mua nhà ở xã hội

Dự báo tăng trưởng GDP 2023 đạt 4,2 - 4,7%  - Ảnh 4.

GIA HÂN

Các nhóm chính sách nhà ở xã hội mà Chính phủ trình cơ bản đã được Quốc hội thống nhất, sẽ có hiệu lực ngay sau khi được thông qua tại kỳ họp thứ 6 sắp tới. Cụ thể, sẽ bổ sung nhóm chính sách về nhà ở công nhân ở khu công nghiệp, lực lượng vũ trang; nhóm chính sách dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội.

Ngoài ra, để khuyến khích, chủ đầu tư tham gia sẽ được miễn tiền sử dụng đất, hưởng lợi nhuận 10%, được dành 20% diện tích đất thương mại dịch vụ đầu tư tiện ích, dịch vụ thương mại phục vụ cư dân tại khu vực dự án của mình. Chủ đầu tư cũng được vay nguồn vốn ưu đãi thông qua ngân hàng thương mại và ngân hàng chính sách xã hội.

Đặc biệt, trước đây có 3 tiêu chí xác định đối tượng được mua nhà ở xã hội là cư trú, thu nhập và diện tích nhà ở thì ở dự thảo lần này sẽ bỏ tiêu chí về cư trú. Đã là công dân VN thì được quyền mua nếu đủ điều kiện về thu nhập, nhà ở.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.