Từng bước vượt qua chông gai vì ngày mai tươi sáng

Vũ Văn Tuấn
Thừa Thiên-Huế
28/08/2023 09:00 GMT+7

Ai sinh ra cũng muốn bản thân dù không hoàn hảo nhưng ít nhất cũng là một người bình thường. Tôi cũng vậy, song số phận lại bắt tôi phải sống trong bóng tối…

Tuổi thơ

Tôi sinh ra không biết đến ánh mặt trời,

Không một lần thấy bóng người thân thương.

Không biết con đường phía trước

Dành cho tôi có sự yên bình?

Nhưng trong tôi vẫn giữ một niềm tin

Ánh sáng trái tim sẽ soi đường tôi bước

Vượt phong ba sóng gió cuộc đời.

Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê yên bình đẹp như tranh vẽ. Làng tôi được bao quanh bởi con sông Mã hiền hòa, nói là con sông nhưng qua năm tháng nó đã không còn dòng chảy. Giờ đây, nó bị bồi đắp thành 4 cái hồ và những cái hồ này đã cung cấp rất nhiều tôm, ốc, cá các loại…, đã giúp nhiều hộ gia đình có thêm nguồn thu nhập, trong đó có gia đình tôi.

Từng bước vượt qua chông gai vì ngày mai tươi sáng - Ảnh 1.

Ngũ sắc (trâm ổi) ra hoa quanh năm, sự thích nghi mạnh mẽ của loài hoa này được cho là đại diện cho tính bền bỉ, kiên cường, vượt qua thử thách...

T.A

Đồng quê tôi thời ấy rộng lắm, mỗi khi xong mùa gặt thì cánh đồng là nơi thả trâu, thả bò, thả diều và là sân bóng cho đám trẻ thỏa thích vui chơi.

Quê tôi đẹp là thế, tuổi thơ thế hệ chúng tôi vui là thế, nhưng bản thân tôi thì trái lại.

Ai sinh ra cũng muốn bản thân dù không hoàn hảo nhưng ít nhất cũng là một người bình thường. Bản thân tôi cũng vậy, song số phận lại bắt tôi phải sống trong bóng tối. Nhà nghèo, lại thêm bệnh tật, đau ốm thường xuyên phải nhập viện nên kinh tế lại càng kiệt quệ. Thương bố mẹ, từ nhỏ tôi đã biết làm thêm nhiều việc từ buôn bán nhỏ tại cổng trường, mò cua bắt ốc, trèo cau, trèo dừa thuê, chăn bò, hái rau, nấu cám cho lợn…, không việc gì tôi có thể làm mà tôi không làm.

Hằng ngày, nghe tiếng những đứa trẻ trong làng ý ới gọi nhau đi học, lòng tôi đau như có ai cắt từng khúc ruột. Theo năm tháng, tôi cũng lớn lên thành cậu bé 13 tuổi và cũng lúc này cuộc đời tôi đã bước sang một trang mới đầy màu sắc, một tương lai có phần ánh sáng tươi đẹp.

Bước ngoặt

Một ngày năm 2000, tôi được đi học chữ nổi tại Hội Người mù tỉnh Thừa Thiên-Huế. Sau 6 tháng chăm chỉ, miệt mài, cùng với sự quan tâm chăm sóc, dạy dỗ tận tâm của các cô tại trung tâm, tôi đã đọc thông viết thạo, kết thúc năm học với kết quả xuất sắc, tôi xin trở về quê, xin học hòa nhập với các bạn bình thường.

6 tháng ở tại Hội Người mù của tỉnh, được sự yêu thương, động viên của các bác, các cô, các chú và sự chia sẻ của những người bạn cùng cảnh ngộ, tôi đã khôn lớn lên nhiều và đây cũng là động lực để bản thân tôi nỗ lực vượt khó trong suốt thời gian sau này.

Từ nhà xuống hội, quãng đường dài 50 km mà còn gồ ghề khó đi, vì chưa có đường nhựa như bây giờ, nhưng hằng tháng mẹ vẫn mượn chiếc xe đạp cũ của hàng xóm xuống thăm và động viên tôi. Những lần ngồi sau xe mẹ chở, dù trời nắng hay mưa thì mồ hôi mẹ vẫn ướt đẫm áo. Những lúc như thế tôi lại tự nhủ với lòng phải cố gắng nhiều hơn nữa. Thật là thiếu sót nếu tôi không kể về người bố vĩ đại của tôi. Bố tôi vóc người nhỏ, gầy và đặc biệt là đôi mắt bố cũng như tôi, không thấy gì; nhưng bố tôi có thể làm được tất cả các việc từ việc nhà cho đến việc đồng áng, đi làm thuê cho hàng xóm như đào ao, đội đất đổ nền cho ai cần, bổ cũi, chặt cây thuê…

Tạm biệt Hội Người mù tỉnh Thừa Thiên-Huế, tôi trở về quê cùng mẹ, cùng tờ giấy giới thiệu về địa phương học hòa nhập. Đây cũng là bước khởi đầu cho một chặng đường khó khăn nhưng cũng rất đỗi tuyệt vời với bản thân tôi và gia đình.

Học hòa nhập, hai từ nghe và nói thì nó không có gì là khó khăn, vất vả nhưng khi đi vào, khi trải qua, đối với mỗi người khuyết tật nói chung và người mù nói riêng thì thật sự là một quá trình dài, gian nan cực nhọc. Áp lực về tinh thần thực sự là một trở ngại lớn, bạn bè trong trường còn rất nhiều người chưa cảm thông, hay trêu chọc, làm cho bản thân tôi luôn thiếu tự tin. Khó khăn hơn nữa là sách giáo khoa chữ nổi cũng không có, mỗi lần học bài cũ, học bài mới tôi phải nhờ mẹ, nhờ các em đọc cho chép từng bài, nhiều khi tay tôi đau nhức vì viết quá nhiều. Có khi tôi cũng đã từng muốn buông tay nhưng nghĩ đến những gì mình đã cố gắng, nỗi vất vả của bố mẹ, những lời động viên của các thầy cô và nghĩ đến cảnh nghèo đói của gia đình thì bao suy nghĩ tiêu cực ấy lại tan biến.

Tư tưởng đã thông, tôi bắt tay vào chinh phục chân trời kiến thức. Tôi miệt mài, nỗ lực hết sức và từng bước đạt được những kết quả cao; cũng từ đấy bạn bè, thầy cô đã thay đổi cái nhìn, cách nghĩ về khả năng của tôi, của người khuyết tật, mọi người xung quanh giúp đỡ tôi nhiều hơn.

Ngoài học tập tốt, tôi cũng tích cực tham gia các phong trào của trường, của lớp và các cuộc thi dành cho học sinh, giành nhiều giải cao trong mỗi lần tham ra. Ngoài ra tôi còn viết truyện cười, làm thơ gửi các báo. Lần đầu tiên tôi nhận được 15 triệu tiền giải thưởng, tôi đã phụ giúp bố mẹ xây được ngôi nhà hai gian…

Lựa chọn

Chia tay lớp 12, tôi đứng trước ngã ba đường. Một ngã rẽ về con đường học nghề tẩm quất, một lối rẽ vào làm công tác hội, lối còn lại là tiếp tục học lên đại học. Sau bao đêm suy nghĩ, đắn đo và tham khảo ý kiến của nhiều người, tôi đã chọn con đường thứ ba.

Nhận bằng tốt nghiệp cấp 3, tôi đã làm hồ sơ thi vào 2 trường: Học viện Báo chí tuyên truyền và ĐH KHXH & NV - ĐH Quốc gia Hà Nội. Một mình tôi háo hức bắt xe ra nộp hồ sơ nhưng khi đi háo hức bao nhiêu thì khi về lại thất vọng bấy nhiêu. Đi đến trường nào tôi cũng nhận được câu trả lời: em thông cảm cho nhà trường vì trường xưa nay chưa bao giờ có một em khiếm thị nào thi vào học, và nhà trường cũng không có kinh nghiệm, không có trang thiết bị cho giảng dạy với trường hợp đặc biệt như em. Nhận thấy không còn hy vọng, tôi đã viết thư và trực tiếp đến Bộ GD-ĐT gửi cho bộ trưởng. Trong thời gian chờ đợi trả lời thì tôi được biết ĐH Huế đã có chính sách cho học sinh khuyết tật dự thi và học tập. Tôi lại chuẩn bị hồ sơ và bắt xe vào Huế để nôp…

Sau khi được ĐH Huế nhận hồ sơ, tôi còn nhận một tin vui nữa là Bộ GD-ĐT đã can thiệp cho tôi được thi ở Hà Nội nhưng tôi đã chọn thi ở Huế.

Niềm vui nối tiếp niềm vui

Nhận được thông báo nhập học của ĐH Huế - ngành Công tác xã hội (tôi xếp thứ 49 trong 500 thí sinh thi ngành ấy), tạm biệt gia đình, người thân, bạn bè, tôi bước vào thời gian sống tự lập, xa gia đình. Bao khó khăn chồng chất nhưng tôi luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của tất cả mọi người xung quanh. Điều này, một lần nữa, đưa tôi qua mọi chông gai, đến dần tới ước mơ là được giúp đỡ thật nhiều người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi, tôi xin về làm việc tại Công ty Niềm tin 17.4, trực thuộc Hội Người mù tỉnh Thừa Thiên-Huế. Làm ở đây gần 3 năm thì tôi được Ban thường vụ tỉnh hội giới thiệu ra làm Phó chủ tịch thị xã Hương Trà. 3 năm sau tôi lại được tín nhiệm bầu vào Ban thường vụ tỉnh hội và giữ chức Phó chủ tịch Hội Người mù của tỉnh.

Hạnh phúc của tôi giờ đây không chỉ là hằng ngày giúp đỡ được rất nhiều người đồng cảnh ngộ mà còn có một gia đình nhỏ để trở về sau những giờ làm việc. Có được như hôm nay, ngoài sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè, người thân thì vai trò lớn nhất vẫn là người vợ đảm đang của tôi - là cô gái học cùng lớp đại học với tôi, hằng ngày thời ấy dắt tôi tới lớp. Tuy cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế nhưng gia đình tôi khi nào cũng tràn ngập tiếng cười, vì bên vợ chồng tôi giờ đây đã có 3 đứa con ngoan.

Tôi biết rằng tương lai sẽ còn nhiều sóng gió, khó khăn, nhưng tôi sẽ không từ bỏ, không buông tay, mãi mãi và luôn nỗ lực vượt qua thử thách, đem lại hạnh phúc cho gia đình nhỏ của mình và giúp được thật nhiều người cùng cảnh ngộ.

Từng bước vượt qua chông gai vì ngày mai tươi sáng - Ảnh 2.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.